Sắn bán không ai mua
Năm nay, gia đình anh Đoàn Văn Lạc (thôn 1, xã Thượng Long) trồng 1,5ha sắn. Hiện sắn đã quá thời kỳ thu hoạch hơn 1 tháng nhưng gia đình anh Lạc vẫn chưa bán được. Trong khi đó, mưa kéo dài đã khiến nhiều diện tích sắn của gia đình anh bị thối. “Cuộc sống phụ thuộc nhiều vào cây sắn nhưng sắn không có người mua khiến gia đình tui khốn đốn”- anh Lạc kể.
|
Nhiều tuần liền không được tư thương thu mua, sắn của người dân xã Hương Hữu bị thối rữa ngày càng nhiều. |
|
Tình cảnh của gia đình anh Lạc cũng là thực trạng chung của người dân trồng sắn Thượng Long và nhiều xã khác của huyện Nam Đông.
Ông Hồ Tấn Thành (thôn 4, xã Thượng Long) cho biết, hiện 1kg sắn được tư thương mua với giá 600-800 đồng, bằng 1/3 mức giá năm 2010. Sắn có giá rẻ mạt là vậy nhưng không phải ai cũng dễ dàng bán được. Hộ dân nào sống nơi giao thông thuận lợi mới dễ bán sắn, còn không sẽ phải chịu cảnh ngồi nhìn sắn thối. Lợi dụng cơ hội này, tư thương ép giá thu mua xuống thấp hơn nữa, khiến dân càng lỗ nặng.
Tại xã Hương Hữu, nhiều tuần nay, người dân nhiều thôn cũng không thu hoạch sắn vì ít có tư thương đến thu mua. Ông Nguyễn Văn Húc - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Hữu cho biết, năm nay toàn xã trồng 100ha sắn, tăng gấp 3 lần diện tích so với năm 2010. Việc sắn rớt giá và không tiêu thụ được khiến hàng loạt hộ dân trên địa bàn bị thiệt hại nặng nề, cuộc sống chồng chất khó khăn. Địa phương trồng sắn lớn nhất huyện Nam Đông là xã Hương Phú với 600ha, đến nay phần lớn diện tích cũng đang trong cảnh… chờ thối rữa vì những nguyên nhân trên.
Chặt rừng trồng sắn: Thiệt hại kép
Ông Trần Đình Việt Hùng - Phó phòng NNPTNT huyện Nam Đông cho biết, hiện tại toàn huyện mới có 750ha sắn được thu hoạch, chiếm chưa đến 60% diện tích. Theo ông Hùng, giá sắn chính thức trên địa bàn hiện nay là 1.000-1.100 đồng/kg, còn giá thu mua tại Nhà máy Tinh bột sắn Fococev Thừa Thiên - Huế là 1.500 đồng/kg. Giá sắn xuống thấp vì nhu cầu của phía thị trường Trung Quốc giảm xuống.
Cũng theo ông Hùng, việc người dân phải bán sắn với giá 600-800 đồng/kg là do bị tư thương lợi dụng việc sắn khó tiêu thụ để ép giá.
Đồng bào dân tộc cung cách làm ăn khác, đôi khi mượn tiền của tư thương cả năm, đến cuối năm nhổ sắn để trừ nên bị ép giá. Đây là quan hệ làm ăn phức tạp nên ngành chức năng khó can thiệp.
Ông Trần Đình Việt HùngTheo tìm hiểu của NTNN, sau vụ sắn năm 2010 được mua với giá từ 2.000-2.200 đồng/kg, đầu năm 2011, người dân trên địa bàn huyện Nam Đông ồ ạt chặt bỏ các loại cây trồng khác, chủ yếu là cây keo, để trồng sắn. Tại các xã Hương Phú, Hương Hữu, Thượng Long, Hương Lộc… hàng trăm ha rừng keo, trong đó, nhiều diện tích keo mới chỉ 2-3 năm tuổi, đã bị người dân đốn hạ để dành đất cho cây sắn.
Tình trạng này xuất phát từ việc người dân tính toán rằng, với giá thu mua từ 2.000-2.200 đồng/kg, bình quân mỗi ha sắn cho lãi ròng từ 25 - 30 triệu đồng, trong khi cây keo chỉ cho lãi khoảng 5-10 triệu đồng/ha mỗi năm. Điều đáng nói là tâm lý ham lợi lớn này của người dân lại được cổ vũ, phát động thành “phong trào”. Do vậy, từ 700ha diện tích trồng sắn hàng năm, năm 2011, diện tích trồng sắn của huyện Nam Đông đã tăng lên tới hơn 1.400ha.
Năm 2011, do người dân ồ ạt chặt bỏ các loại cây trồng khác để trồng sắn sau khi sắn được giá, nên diện tích sắn ở Thừa Thiên - Huế đạt tới 7.500ha. Đến nay mới chỉ có khoảng 60% diện tích trong số này được thu hoạch do khâu tiêu thụ bị ùn ứ kéo dài. Đây là hậu quả của việc phát triển cây sắn ồ ạt, tràn lan, không hề tính đến sự thất thường và rủi ro của thị trường Trung Quốc - nơi tiêu thụ sắn.
An Sơn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.