Sẽ không ngạc nhiên nếu như người nước ngoài đấy biết rằng, 363 ngày (còn có cả Ngày phụ nữ Việt Nam 20.10 nữa) còn lại, phụ nữ VN phải nhún nhường, núp đằng sau đàn ông trong đủ các lĩnh vực từ chính trị, giáo dục, y tế, văn hóa… và cả gia đình.
Chúng ta dễ dàng nhìn thấy những mục tiêu bình đẳng giới ở nhiều văn bản pháp luật, chính sách. Những tưởng cơ hội mở ra với tất cả chị em nhưng thực tế không phải ai cũng với tới được bởi những rào cản vô hình giống như khẩu hiệu bày trong tủ kính.
Tính về tỷ lệ tham gia các tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, chị em cũng đạt gần 1/3 nhưng thực chất đa số chị em chỉ là cấp phó, không có thực quyền và quản lý việc bếp núc như văn hóa, xã hội… Chỉ có 1,55% tỉnh có chủ tịch HĐND là nữ (nhiệm kỳ 2004-2011) nhưng phó là 28,13%, còn chủ tịch UBND là nữ cũng chỉ có 3,12% và phó chủ tịch là 16,08%. Và "thành luỹ" gia đình hoá ra là nơi quyền bình đẳng khó chạm tới nhất. Phụ nữ làm sao có cơ hội hưởng thụ ngang nam giới khi phải làm việc nhà nhiều gấp 3-6 lần họ?
Thiệt thòi nhất vẫn là chị em phụ nữ ở nông thôn. Việc tạo điều kiện cho chị em vay vốn, kinh doanh, tự chủ hơn về kinh tế khiến vị trí của chị em trong gia đình cũng “nặng cân” hơn. Mô hình thực hiện quỹ ủy thác và tín chấp với ngân hàng do Hội Phụ nữ làm chủ mỗi năm cho khoảng 2,5 triệu phụ nữ nghèo vay vốn với tổng số dư nợ 40 nghìn tỷ đồng/năm.
Tin vui là sắp tới Chính phủ sẽ cấp thêm cho Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo 100 tỷ đồng (hiện là 40 tỷ) để cho chị em nghèo vùng sâu, vùng xa vay, tăng cơ hội thoát nghèo cho chị em. Nhưng thoát nghèo chưa tỷ lệ thuận với thoát bất bình đẳng. Có thể thu nhập gia đình sẽ tăng, kinh tế được cải thiện nhưng chưa chắc chị em đã có quyền quyết định đối với số tiền mà mình đã vất vả làm ra.
Nhiều chị vẫn chưa “an cư” vì chỉ có ¼ phụ nữ độ tuổi 31-45 có tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu đất với chồng. Không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nghĩa là không thể vay ngân hàng, không tiếp cận được các cơ hội đầu tư lớn.
Hơn nữa, ở nhiều vùng nông thôn, phần lớn nam giới đi làm ăn nơi xa, phụ nữ ở nhà phải gánh vác vai trò “3 đảm đang” không kém gì phụ nữ thời chiến. Vì thế, trước khi lo cân bằng các tỷ lệ về bình đẳng giới cho “đẹp” thì cần phải chăm lo đến các vấn đề thiết thực và cấp bách trước mắt cho chị em ở nông thôn.
Linh Diệu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.