Thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt

Thứ năm, ngày 03/03/2011 02:46 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tại buổi họp báo Chính phủ ngày 2.3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo mục tiêu hàng đầu là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
Bình luận 0

Giảm chi, tiết kiệm tiêu, tăng thu ngân sách

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Tại phiên họp, Chính phủ đã bàn về việc triển khai nghị quyết về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; phòng chống tham nhũng; cải cách hành chính 10 năm qua và phương hướng 10 năm tiếp theo; nghe báo cáo về các kế hoạch dự án đầu tư, kế hoạch xây dựng pháp luật, pháp lệnh năm 2011 - 2012.

Đặc biệt phiên họp đã dành nhiều thời gian cho việc triển khai Nghị quyết của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.

Chính phủ nhận định, chỉ số giá tiêu dùng vẫn tăng cao, cả năm 2010 là 11,75% và chỉ riêng 2 tháng đầu năm 2011 đã tăng lên mức 3,87%. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: "Kiềm chế lạm phát là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu hiện nay.

img Chính phủ đã đồng ý trích Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước cho mỗi lao động 1 triệu đồng, đồng thời đàm phán với các doanh nghiệp có lao động tại Libya hỗ trợ tiền vé máy bay và lộ phí để người lao động làm lộ phí. img

Để thực hiện thành công kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã chỉ đạo: Trước hết các bộ, ngành, địa phương phải hết sức lưu ý tới việc thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt với các giải pháp chủ yếu là giảm bội chi, tiết kiệm chi tiêu công, tăng thu ngân sách; thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; kiểm soát tốt tỷ giá, thực hiện hiệu quả chính sách kiểm soát giá cả thị trường…

Tại buổi họp báo, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Cao Viết Sinh cho biết, Bộ đã chỉ đạo các địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước rà soát các dự án hạn chế đầu tư năm 2011 và từ ngày 1.3 bộ có 2 đoàn cán bộ xuống rà soát các dự án của các tập đoàn, tổng công ty cần hạn chế đầu tư năm 2010.

Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, Chính phủ đã yêu cần giảm chi tiêu công thêm 10%, khoản tiền đó sẽ sử dụng vào các mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội khác.

Tại cuộc họp báo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã khẳng định sẽ thực hiện quyết liệt nghị quyết của Chính phủ. Đáng chú ý trong những ngày gần đây là một loạt các chỉ đạo về điều chỉnh tăng trưởng tín dụng và cung tiền trong năm nay xuống mức tương ứng là dưới 20% và 15-16%. Các chế tài mạnh cũng đã được công bố, liên quan đến khống chế tín dụng cho khu vực phi sản xuất khoảng 16% trong năm nay…

Còn khoảng 200 lao động VN tại Libya

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tổng số lao động ở Libya là 10.842 người theo hợp đồng lao động. Hiện nay đã có hơn 6.000 lao động rời khỏi Libya sang các nước thứ ba an toàn. Tính đến hết ngày 2.3 đã có hơn 2.700 lao động đã về tới Việt Nam bằng nhiều con đường và phương tiện khác nhau.

Vào khoảng 10 giờ đêm nay Việt Nam sẽ điều một máy bay sang Tunisia để cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống đồng thời đưa khoảng 300 lao động Việt Nam về nước. Ngày 3.3, Việt Nam sẽ tiếp tục điều 1 máy bay sang khu vực này để đưa thêm 200 lao động về nước.

Hiện nay, có khoảng 3.000 lao động đang cư trú tại các quốc gia láng giềng với Libya và hơn 1.000 lao động đang di chuyển từ Libya sang các nước lân cận.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Đến nay chưa có thông tin nào về thương vong đối với lao động Việt Nam tại Libya. Tuy nhiên, theo thống kê chưa đầy đủ vẫn còn hơn 200 lao động vẫn mắc kẹt tại Libya, hiện vẫn giữ được liên lạc với đại diện của Việt Nam tại Libya.

Chính phủ cũng đề xuất trước mắt dãn nợ tại ngân hàng cho người lao động, đồng thời tìm kiếm các thị trường lao động mới để đưa lao động tiếp tục đi làm việc ở nước ngoài. Hiện có 5 đoàn công tác Việt Nam đã sang Trung Đông cùng với sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế để đưa người Việt Nam về nước.

Hiện có 2.000 chiếc bánh chưng, lương khô, bánh mỳ và nước ngọt… đã được đưa tới hỗ trợ người lao động, đảm bảo đủ cho những người lao động không bị đói rét, trong 10 ngày. Một số doanh nghiệp trong nước cũng đã thông báo ủng hộ lao động trở về từ Libya như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam 3 tỷ đồng, Cenco5 là 5 tỷ đồng… các nguồn kinh phí này sẽ được tính toán cụ thể để hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống sau khi về nước” - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem