Trong bài viết này, ông Quang A có kể lại: Tối thứ bảy, ngày 19.3.2016, ông Trần Văn B - Tổ trưởng tổ dân phố số 13, phường Gia Thụy, Long Biên, Hà Nội đã phát tán tập tài liệu in gồm 6 trang (có tiêu đề “Hành trình tội lỗi của Nguyễn Quang A”) cho các cử tri thuộc tổ dân phố số 13 (nơi có thể sẽ diễn ra Hội nghị cử tri để lấy phiếu tín nhiệm đối với tôi)…
Ông Nguyễn Quang A, người tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV tại Hà Nội và ca sĩ Mai Khôi, người tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV tại Khánh Hòa.
Sau khi trình bày sự việc, ông Quang A nhấn mạnh trên trang facebook của mình: Nếu ông Trần Văn B không chịu trách nhiệm cá nhân về nội dung thông tin mà ông đã phát tán cho các cử tri của Tổ dân phố tối thứ bảy vừa qua thì tôi yêu cầu ông thu hồi các tài liệu đó và xin lỗi tôi bằng văn bản. Nếu ông B làm vậy vụ việc coi như được giải quyết.
“Trong trường hợp khác, tức là, nếu ông Trần Văn B nhận trách nhiệm cá nhân về nội dung tài liệu ông đã phát tán thì tôi sẽ sử dụng các biện pháp pháp lý thích hợp để bảo vệ danh dự của mình”, người ra ứng cử ĐBQH khóa XIV đề nghị.
Để làm rõ sự thật xung quanh thông tin đang được dư luận quan tâm này, Dân Việt đã trao đổi với TS Nguyễn Quang A chiều ngày 22.3 thì được ông xác nhận thông tin mình đưa trên trang facebook cá nhân là có thật.
Để có dư luận nhiều chiều, Dân Việt cũng đã tìm tới khu vực nơi ông Nguyễn Quang A đang sinh sống. Trao đổi với PV, ông Trần Tuấn Tiến, Bí thư chi bộ Tổ dân phố 13 (phường Gia Thụy, quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, quá trình sinh hoạt tại địa phương, ông Nguyễn Quang A không tham gia vào hoạt động gì của tổ dân phố.
“Ông ấy và gia đình về đây sống gần chục năm, nhưng không tham gia họp hành hay sinh hoạt ở tổ dân phố. Nhà ông ý cửa đóng then cài suốt ngày. Ông đi đi về về nhưng chẳng bao giờ chào các cụ, chào các ông”, ông Tuấn Tiến nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Sỹ Phúc, Trưởng ban công tác mặt trận tổ 13, phường Gia Thụy chia sẻ thêm: Vợ ông Quang A là người ở tổ dân phố 13, hai vợ chồng ông vừa chuyển về ở tại tổ dân phố được mấy năm. Thời gian ở tổ 13, hai vợ chồng ông không tham gia hoạt động tổ dân phố, ít giao lưu với hàng xóm. Ông Nguyễn Văn Hạnh (ở tổ 13, cách nhà ông Quang A khoảng 50m) cho biết, gia đình ông A sống khá khép kín, ít giao lưu với hàng xóm.
Trước đó, cũng trên tài khoản facebook cá nhân, ca sỹ Đỗ Nguyễn Mai Khôi - người cũng tuyên bố ứng cử ĐBQH khóa này tại tỉnh Khánh Hòa - đã liên tục cập nhật tình hình về quá trình tự ứng cử ĐBQH của mình. Đáng chú ý, vào khoảng 14 giờ ngày 16.3, cô ca sĩ này đăng tải một bài viết kèm với một clip dài hơn 3 phút trên trang facebook của mình.
Trong clip này, Mai Khôi đã chia sẻ rằng hồ sơ ứng cử ĐBQH của mình đã được Ủy ban bầu cử tỉnh Khánh Hòa chấp nhận vào ngày 9.3. Nhưng đến ngày 15.3, vào lúc 15 giờ 30 “có người gọi điện cho cô tự xưng là cán bộ Ủy ban bầu cử tỉnh Khánh Hòa cho biết hồ sơ của Đỗ Nguyễn Mai Khôi đã được gửi lên Ủy ban bầu cử Quốc gia. Tuy nhiên, hồ sơ này thiếu nơi khai sơ yếu lý lịch”.
Người đó đã yêu cầu cô ca sĩ này phải bổ sung trước 17 giờ cùng ngày, nghĩa là Mai Khôi chỉ còn chưa đầy 2 giờ nữa để hoàn thiện hồ sơ. Tuy nhiên, ngay sau đó, Mai Khôi cho biết hồ sơ của cô đã được chấp nhận và có giấy biên nhận. “Phần nơi khai sơ yếu lý lịch đã có chữ ký và dấu đỏ, trong dấu đỏ đã có nơi khai sơ yếu lý lịch rõ ràng”, cô ca sỹ chia sẻ trên facebook.
Trước đó, trả lời trên Dân Việt, ông Nguyễn Văn Pha – Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhấn mạnh: Không được phép phân biệt giữa người tự ứng cử và người được giới thiệu ứng cử.
“Tôi nghĩ không có chuyện người tự ứng cử ĐBQH, HĐND bị thua thiệt so với người ứng cử do cơ quan, tổ chức giới thiệu. Người tự ứng cử không phải qua 3 bước do cơ quan, tổ chức sàng lọc. Người tự ứng cử chỉ cần thấy mình có đủ điều kiện, họ làm hồ sơ và nộp. Nếu hồ sơ của họ không vấn đề gì không ai dám bác cả. Tôi thậm chí còn nhìn nhận rằng, người tự ứng cử có nhiều cái thuận lợi hơn người được đề cử”, ông Pha nói.
Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cũng nhìn nhận rằng, qua những lần bầu cử trước cho thấy, nhiều người tự ứng cử bị "trượt" ngay chính nơi họ cư trú: "Trượt" là vì anh muốn thử, trong khi bản thân không gương mẫu ở nơi mình sinh sống chấp hành chính sách, pháp luật; không gắn bó với nhân dân, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể nơi mình sinh sống” – ông Pha cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.