Thực hư rau, củ Hà Nội tăng giá sau lũ: Siêu thị lớn giữ nguyên giá, sẵn phương án khôi phục sản xuất sau lũ

Thiên Hương Thứ năm, ngày 12/09/2024 06:00 AM (GMT+7)
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, tại các siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội như Winmart, BigC, MM Mega Market.., tình hình cung ứng rau củ quả, thực phẩm vẫn ổn định, lượng hàng dồi dào và không tăng giá. Thậm chí, nhiều tiểu thương còn giảm giá bán rau từ 5-10%.
Bình luận 0

Nhiều tiểu thương giảm giá bán rau củ từ 5-10%

Ngày 11/9, trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Xuân Đại - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng của mưa bão nên những ngày gần đây, người dân có xu hướng tăng mua thực phẩm để tích trữ, dẫn tới khan hiếm, giá tăng nhẹ. Chính quyền thành phố đã giao nhiệm vụ cho Sở Công Thương Hà Nội nghiên cứu, xây dựng phương án chi tiết nhằm tăng cường cung ứng thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhân dân. 

Theo đó, phương án cung ứng hàng cứu trợ (nếu xảy ra) được bàn giao tại địa điểm được UBND các huyện đề xuất, sau đó sử dụng phương tiện chuyên dụng do địa phương bố trí để chuyển tới người dân các khu vực bị chia cắt. Trường hợp cứu trợ khẩn cấp, Sở Công Thương Hà Nội sẽ báo cáo UBND Thành phố chỉ đạo lực lượng quân đội, công an bố trí phương tiện vận chuyển chuyên dụng, phối hợp đơn vị liên quan tổ chức cứu trợ. 

Hiện nhiều vựa rau của Hà Nội vẫn đang chìm nghỉm trong nước, trong đó thiệt hại nặng nề nhất là các diện tích trồng rau ăn lá, củ quả ngắn ngày. Cùng với đó, các diện tích trồng chuối, đu đủ cũng bị ngã đổ la liệt. 

Hà Nội không lo thiếu rau, nhiều tiểu thương sẵn sàng giảm giá bán, cung ứng không lợi nhuận - Ảnh 1.

Các diện tích chuối bị thiệt hại nặng nề do bão số 3. Ảnh: Hải Đăng

Ghi nhận của PV tại một số chợ dân sinh ở quận Hà Đông cho thấy, giá một số loại thực phẩm, rau xanh tăng khoảng 10-15% so với ngày thường. Trong đó, một số loại rau ăn lá như rau muống, rau cải, rau ngót, mồng tơi, rau dền có giá bán từ 10.000 - 20.000 đồng/bó, tăng gần gấp đôi.

Bắp cải ngày thường giá từ 17.000 - 20.000 đồng/kg thì tại chợ tạm Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy), giá tăng lên 30.000 đồng/kg. Giá cà chua 40.000 đồng/kg, súp lơ xanh 60.000 đồng/kg, bí xanh 35.000 đồng/kg..., tăng thêm khoảng 5.000 - 10.000 đồng/kg. Mặc dù giá tăng, song lượng hàng tại các sạp vẫn "hết bay".

Hà Nội không lo thiếu rau, nhiều tiểu thương sẵn sàng giảm giá bán, cung ứng không lợi nhuận - Ảnh 5.

Tại MM Mega Market Hà Đông, lượng khách hàng đi mua sắm tăng nhanh trong ngày 11/9.

Ngược lại, ở các siêu thị lớn, tình hình cung ứng rau củ quả, thực phẩm vẫn ổn định, lượng hàng dồi dào và không tăng giá. Tại hệ thống siêu thị Winmart, Winmart+, Win, mỗi ngày có hàng trăm tấn rau, củ được chuyển từ tỉnh Lâm Đồng và các nông trường WinEco ở phía Nam ra Hà Nội và các địa phương lân cận. 

Các loại rau phổ biến như mồng tơi, cải ngọt, cải xanh, cải chíp, bầu bí, mướp đắng... và nhiều mặt hàng củ quả khác liên tục được siêu thị bổ sung, lấp đầy các kệ với giá bán ổn định. Thậm chí, với khách hàng là hội viên Win, siêu thị vẫn áp dụng chương trình ưu đãi 20% cho các sản phẩm thịt sạch MEATDeli và rau sạch WinEco. 

Hà Nội không lo thiếu rau, nhiều tiểu thương sẵn sàng giảm giá bán, cung ứng không lợi nhuận - Ảnh 2.

Người dân chọn mua rau xanh tại siêu thị Mega Market Hà Đông. Ảnh: M.H

Hà Nội không lo thiếu rau, nhiều tiểu thương sẵn sàng giảm giá bán, cung ứng không lợi nhuận - Ảnh 3.

Các loại rau ăn lá liên tục được bổ sung mỗi ngày tại các siêu thị lớn tại Hà Nội. Ảnh: M.H

Trao đổi với Dân Việt, đại diện siêu thị Mega Market Việt Nam cho biết, những ngày qua các loại hàng đồ khô như dầu ăn, bột mì, mì gói, đồ hộp, nước ngọt, bánh mì... tại các trung tâm Mega Market tăng trên 50%, có lúc lên đến 80%. Các mặt hàng như đèn pin, pin, bếp cồn, cồn khô… cũng được tăng cường hơn thường ngày, dự kiến sẽ còn có nhu cầu trong những ngày kế tiếp.

Đặc biệt, trước nhu cầu bánh mì tươi sản xuất tại chỗ tăng nhanh, quầy bánh Bakery của MM Mega Market đã nhanh chóng tăng lượng sản xuất nhiều hơn ngày thường. Giá các mặt hàng thiết yếu này vẫn giữ mức ổn định. MM Mega Market đang tăng cường nhân sự cho các kho miền Bắc để ổn định việc cung ứng vận chuyển hàng, đảm bảo quầy bánh tươi luôn đủ cho khách mua trữ hoặc ăn liền không cần chế biến.

"Từ lâu MM đã tập trung mạnh vào việc xây dựng chuỗi cung ứng khép kín, với 5 trạm thu mua – cung ứng hàng hóa, 2 kho trữ hàng lớn tại Bình Dương cùng 6 Kho giao hàng B2B (Depot) từ miền Trung trở ra Bắc như Phan Thiết, Đồng Hới, Thanh Hóa..., vì vậy trữ lượng hàng hóa có khả năng cung ứng lên đến 1 tháng cho miền Bắc. Hiện nay, việc di chuyển xe hàng từ miền Nam ra miền Bắc và từ các kho miền Bắc đến các khách hàng của MM vẫn được đảm bảo và tăng cường số lượng gấp 3 lần" - đại diện MM Mega Market cho biết.

Hà Nội không lo thiếu rau, nhiều tiểu thương sẵn sàng giảm giá bán, cung ứng không lợi nhuận - Ảnh 4.

Ngoài các loại rau ăn lá, các siêu thị lớn như Mega Market, Winmart, BigC đã bổ sung nhiều loại củ quả như su su, đỗ xanh, bầu bí, mướp, cà chua... Ảnh: M.H

Đặc biệt, trước tình hình mưa lũ diễn ra căng thẳng, giao thương không thuận lợi, nhiều tiểu thương đã quyết định giảm giá bán một số loại thực phẩm, rau xanh với mong muốn chia sẻ khó khăn với đồng bào. 

Chị Đinh Phương Thanh, một tiểu thương ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, hiện chị đang liên kết với các trang trại trồng rau hữu cơ ở Đà Lạt (Lâm Đồng), Mộc Châu (Sơn La) đẩy mạnh cung ứng rau cho thị trường Hà Nội. Trong vòng 1 tuần bão lũ, chị Thanh cho biết sẽ giảm giá từ 5-10% tất cả rau củ.

Chỉ sau 2 ngày đăng tải thông tin trên mạng xã hội Facebook, chị Thanh cho biết đã nhận được hàng nghìn đơn hàng, với gần 2 tấn rau các loại, gồm 400kg rau ăn lá từ Đà Lạt, 700kg bắp cải, gần 600kg củ cải, 150kg su su, ngoài ra còn có bí xanh, bí đỏ, rau củ Mộc Châu... Sản lượng hàng tăng gấp 4 lần so với ngày thường. 

"Những ngày này miền Bắc mưa như trút, sạt lở nhiều nơi, dân khổ vô cùng. Ngoại thành Hà Nội thì nước ngập trắng đồng, bà con nông dân mất trắng hoa màu. Ở Hà Nội khá hơn chút nhưng rau xanh đắt đỏ. Khi các nơi giá cả leo thang thì team chúng tôi mở vườn hỗ trợ bà con, tiêu thụ nông sản không lợi nhuận. Các vườn này chúng tôi đã kí kết hợp đồng tiêu thụ độc quyền, canh tác không hóa chất, chủ yếu ở Mộc Châu và Đà Lạt. 

Bình thường bắp cải hữu cơ có giá 80.000 đồng/kg, nhưng bây giờ chúng tôi quyết định giảm giá còn 44.000 đồng/kg" - chị Thanh nói.  

Hà Nội không lo thiếu rau, nhiều tiểu thương sẵn sàng giảm giá bán, cung ứng không lợi nhuận - Ảnh 7.

Do mưa lớn kéo dài, các diện tích trồng cải bắp ở Mộc Châu (Sơn La) bị hư hỏng nhiều, tuy nhiên chị Đinh Phương Thanh, tiểu thương ở Hoàng Mai (Hà Nội) vẫn thu mua với giá cao và bán ra cho người tiêu dùng với giá giảm từ 5-10% tuỳ loại. Ảnh: Thanh Thanh

Cùng với chị Thanh, một số tiểu thương khác như anh Nguyễn Ngọc Luân (Kona Fruit), chị Lê Vân Hương (Bi-Ogarnic) cũng cho biết đang triển khai chương trình giảm giá rau củ 10%, trong khi giá thu mua rau củ tại các vườn vẫn giữ nguyên, thậm chí tăng lên.

"Những ngày này, chúng tôi thậm chí chịu phí vận chuyển, nhân viên cũng hăng hái đóng góp nhiều ngày công "không đồng" để đưa rau xanh tới các vùng bị chia cắt, với tinh thần vì đồng bào ruột thịt" - chị Thanh chia sẻ.

Chuẩn bị sẵn sàng để khôi phục sản xuất

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NNPTNT), đến 18 giờ ngày 10/9/2024, bão số 3 và mưa lũ lịch sử đã khiến 127 người chết, 54 người mất tích, 764 người bị thương.

Bão số 3 và mưa lũ đã gây ảnh hưởng trên diện rộng về sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh miền Bắc, với khoảng 162.828 ha lúa, 29.543 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 15.959 ha cây ăn quả bị hư hại; 1.582 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 1.174 con gia súc, 732.321 con gia cầm bị chết…

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, đó mới là con số ước tính ban đầu bởi mưa lũ ở các tỉnh miền Bắc vẫn đang diễn biến căng thẳng. Mỗi ngày, mỗi giờ con số thiệt hại lại tăng thêm. 

"Đối với sản xuất, trong lúc này việc ưu tiên là cần bơm nước thoát ngập úng. Với những diện tích bị thiệt hại nặng không thể khôi phục, bà con cần chuẩn bị để sẵn sàng sản xuất vụ đông, với phương châm gieo trồng càng sớm càng tốt nhằm bù đắp thiệt hại do bão số 3 gây ra" - ông Cường nhấn mạnh.

Trước đó, để chuẩn bị ứng phó bão số 3, Bộ NNPTNT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố hướng dẫn các giải pháp khắc phục đối với lúa, hoa màu và cây dài ngày. Tuy nhiên trước diễn biến mưa lũ căng thẳng, Cục Trồng trọt tiếp tục trình Bộ ban hành văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn các giải pháp khắc phục thiệt hại do mưa lũ. 

Hà Nội không lo thiếu rau, nhiều tiểu thương sẵn sàng giảm giá bán, cung ứng không lợi nhuận - Ảnh 8.

Bão số 3 đã làm sập nhà kính hiện đại trị giá 400 triệu đồng và tàn phá nhiều diện tích hoa màu của gia đình anh Đào Trường ở Thường Tín (Hà Nội). Ảnh: Trần Quang

"Đối với sản xuất, trong lúc này việc ưu tiên là cần bơm nước thoát ngập úng. Sau khi mưa bão qua, chúng tôi sẽ tiếp tục đi địa phương để kiểm tra, hướng dẫn công tác khắc phục. Riêng với các diện tích lúa đã bị thiệt hại thì gần như không gieo trồng lại được, theo đó bà con cần tiêu thoát nước để chuẩn bị gieo trồng cây màu, cây vụ đông sớm" - ông Cường nói. 

Trao đổi với PV, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, hiện nay lượng hạt giống rau màu phục vụ sản xuất vụ đông đã được các doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng, không lo thiếu giống. 

Cụ thể, theo Văn bản 6673/BNN-TT của Bộ NNPTNT về khắc phục sản xuất trồng trọt sau cơn bão số 3 - YAGI, đối với sản xuất lúa, cần tập trung mọi nguồn lực thực hiện bơm thoát, tiêu úng không để ngập kéo dài, gây thiệt hại. Hiện nay, đa số các trà lúa đang ở thời kỳ làm đòng, chuẩn bị trổ là gia đoạn mẫn cảm tới sinh trưởng, phát triển. Tùy thuộc với các trà lúa, bà con cần thực hiện một số nội dung sau:

- Đối với lúa làm đòng, chuẩn bị trổ: cần tiến hành dựng lúa nếu bị đổ rạp, sau khi thời tiết tạnh ráo tiến hành phun bổ sung phân bón lá kali để cây lúa nhanh chóng phục hồi, đứng nhanh và thúc đẩy lúa trổ thoát.

- Với diện tích lúa giai đoạn trỗ - chín sữa - chín sáp: sau khi tháo cạn nước trong ruộng, nông dân tiến hành dựng lúa bằng cách túm 3-4 gốc lúa lại với nhau bằng dây chuối hoặc dây rơm nếp hay dây ni lông thành hình chân kiềng để cho cây đứng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lúa vào chắc và chín.

- Đối với diện tích lúa đã đến thời kỳ thu hoạch: cần tập trung thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” nhằm giải phóng đất để gieo trồng cây vụ đông ưa ấm như ngô, đậu tương, ớt và dưa, bí các loại... Phương châm là gieo trồng càng sớm càng tốt. 

- Với các trà lúa chuẩn bị thu hoạch: cần tính toán thời gian để làm bầuvới nhóm cây ưa ấm cho phù hợp với thời gian thu hoạch lúa, tránh để cây con quá ngày trong bầu, khi trồng phục hồi chậm và bị còi cọc. 

Sau trồng, nếu thời tiết thuận lợi, sau 3 - 4 ngày cây bén rễ cần tưới thúc ngay bằng phân NPK kết hợp nước phân chuồng loãng để thúc cây ra rễ nhanh. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, khơi thông, vét mương máng và tạo rãnh thoát nước kết hợp rãnh tưới quanh ruộng và bề mặt ruộng đề phòng mưa lớn gây úng cục bộ, tháo cạn nước mặt ruộng, giữ nước nông hệ thống kênh mương vùng lúa đã chín và sắp chín để tạo thuận lợi cho trồng cây vụ đông. 

Bố trí nguồn lực để tăng cường công tác tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật gieo trồng cây vụ đông, các giải pháp làm đất tối thiểu, không làm đất với đậu tương, khoai tây, bí xanh, dưa chuột không giàn...;

Hà Nội không lo thiếu rau, nhiều tiểu thương sẵn sàng giảm giá bán, cung ứng không lợi nhuận - Ảnh 9.

Khu nhà màng rộng 2.000m2 của gia đình anh Nguyễn Đức Huy ở khu phố Vân Xá, phường Cách Bi, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh bị sập hoàn toàn, thiệt hại khoảng 1,1 tỷ đồng. Ảnh: Khương Lực

Đối với rau màu: Tập trung tranh thủ, kịp thời thu hoạch diện tích đã đến thời kỳ thương phẩm để đảm bảo năng suất và chất lượng.  

- Những diện tích chưa đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại không có khả năng phục hồi: Sau khi nước rút tiến hành thu gom các cây hoa, rau bị thiệt hại nặng để tiêu hủy, tranh thủ thời tiết thuận lợi, chủ động chuẩn bị đất để gieo trồng lại những loại rau ngắn ngày, rau ưa nước để cung cấp rau kịp thời cho thị trường khi giáp vụ. 

- Đối với diện tích thiệt hại nhẹ: Cần chủ động kiểm tra, thoát nước kịp thời, không để nước đọng trên mặt luống, sau mưa, cần tiến hành dọn sạch cỏ dại, cắt tỉa các thân cành bị dập, gãy sau mưa tạo điều kiện cho ruộng thông thoáng, hạn chế nấm bệnh; sau khi nước rút, trời tạnh ráo cần xới xáo nhẹ mặt luống, vun gốc và dựng cây.

- Với vùng chuyên rau màu, màu: Khuyến cáo nông dân khơi thông, nạo vét mương máng, rãnh thoát nước trên ruộng; sau khi nước rút cần vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng... cho cây nhanh phục hồi. Khi đất khô ráo cần xới vun kịp thời để tạo độ thoáng cho đất tránh bị nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK...; chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống rau để sẵn sàng gieo trồng lại phòng mưa lớn gây khan hiếm nguồn cung rau, đồng thời mở rộng diện tích cây vụ đông 2024 nhằm bù đắp thiệt hại do bão số 3 gây ra.

Đối với sản xuất cây ăn quả: Khẩn trương khơi, thoát nước ngay, tránh để nước đọng trên vườn và xung quang các gốc cây, gây hiện tượng úng cục bộ, tùy từng cây trồng mức độ ảnh hưởng cần thực thiện các biện pháp phù hợp. 

Bộ NNPTNT đề nghị các tỉnh, thành phố tập trung, khẩn trương rà soát, phân loại diện tích cây trồng bị thiệt hại theo các mức độ thiệt hại để có giải pháp khắc phục phù hợp. Đề xuất chính sách hỗ trợ người dân vùng bị thiệt hại theo quy định để người dân kịp thời khôi phụcsản xuất.

Tăng cường công tác quản lý vật tư nông nghiệp (giống cây trồng, phân bón và thuốc BVTV...); không để xảy ra tình trạng thiếu các loại vật tư nông nghiệp, đồng thời đảm bảo chất lượng các loại vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem