Thực phẩm an toàn: Không xây dựng chứng nhận vu vơ sản phẩm

Nguyên Vỹ Chủ nhật, ngày 02/07/2017 15:17 PM (GMT+7)
Doanh nghiệp lẫn nông hộ buộc phải liên kết trong chuỗi, chứ không tự xây dựng vu vơ các chứng nhận cho nông sản vừa mất rất nhiều tiền lại không biết sản phẩm đi đâu.
Bình luận 0

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám đã chia sẻ như thế bên lề buổi ra mắt dự án dự án An toàn thực phẩm cho Việt Nam do IFC, thành viên nhóm Ngân hàng Thế giới hỗ trợ,  tổ chức tại TP.HCM ngày 1.7.

img
Ngành chăn nuôi trong nước không lo thiếu thực phẩm nhưng sản phẩm của ngành còn khiêm tốn và khó khăn đầu ra.

Nhấn mạnh việc xây dựng các tiêu chuẩn là yếu tố quan trọng đảm bảo đầu ra nông sản lẫn an toàn thực phẩm, ông Tám cho rằng ngành nông nghiệp hiện nay phải tổ chức lại sản xuất theo hướng các sản phẩm có lợi thế, đầu tư công nghệ để giảm giá thành và phải tính được mình bán ở đâu, bán như thế nào trước khi sản xuất.  

img
Theo ông Tám, cơ chế thị trường không có chuyện cơ quan quản lý nhà nước quy định phải sản xuất cái này, cái kia mà chỉ đưa ra thông tin, định hướng để người sản xuất lựa chọn.

“Đối với những người yếu thế là nông dân, phải thông qua các mô hình kinh tế tập thể để hình thành một vùng nguyên liệu và đầu mối. Kể cả doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp cũng phải có đầu mối. Chứ để doanh nghiệp tự bắt tay với nông hộ nhỏ lẻ thì không thể làm được”, ông Tám nói.

Cụ thể, ông Tám chỉ rõ tất cả các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hiện nay đều có hướng dẫn về quy trình như VietGap, GlobalGap, ASC… Nhưng việc đầu tư vào xây dựng các tiêu chí chứng nhận đều phải hướng đến thị trường rồi mới xây dựng.

Chính các doanh nghiệp trung tâm của chuỗi sẽ biết thị trường cần gì và yêu cầu chứng chỉ gì, chứ nông dân thì không. Doanh nghiệp cũng không nên tự xây dựng vu vơ rồi mất rất nhiều tiền mà không biết sản phẩm của mình đi đâu.

Việc kết nối theo chuỗi cực kỳ quan trọng. Và theo ông Tám, việc xây dựng chương trình An toàn thực phẩm mà IFC ký kết thỏa thuận tư vấn cho công ty sản xuất gia cầm Bel Gà, từ đó liên kết chặt chẽ các thành viên trong chuỗi có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm ra hướng đi mới cho ngành chăn nuôi Việt Nam.

Theo đó, Dự án này tập trung cải thiện các vấn đề về an toàn thực phẩm tại Việt Nam, từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm cuối cùng trong toàn bộ quy trình sản xuất chế biến thực phẩm.

img
Lễ ra mắt dự án dự án An toàn thực phẩm cho Việt Nam do IFC, thành viên nhóm Ngân hàng Thế giới hỗ trợ

Bà Sarah Ockman, Giám đốc chương trình an toàn thực phẩm Toàn cầu của IFC cho rằng: “Việc nâng cao chất lượng thực phẩm sẽ giúp mở rộng thị trường, giảm chi phí và đóng góp vào việc đảm bảo an ninh lương thực”.

Thông qua việc xây dựng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm hiện đại, IFC ước tính tổng doanh số của các công ty tham gia vào dự án sẽ gia tăng khoảng 30 triệu đô la Mỹ; đồng thời tổng vốn đầu tư dài hạn các công ty này có thể thu hút sẽ tăng thêm 25 triệu đô la Mỹ sau khi dự án kết thúc một năm.

img

Khi các hiệp định thương mại được ký kết, Việt Nam trở thành thị trường mở. Nông sản sản xuất trong nước phải đáp ứng các yêu cầu quốc tế mới có khả năng cạnh tranh và xuất khẩu được, ông Tám chia sẻ.

Trong ba năm tới, dự án An toàn Thực phẩm của IFC sẽ hỗ trợ các công ty chế biến nông sản và thực phẩm cùng chuỗi giá trị để cải thiện an toàn thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Bel Gà là công ty đầu tiên tham gia vào dự án này. IFC sẽ giúp ba trang trại gia cầm độc lập trong chuỗi khách hàng của Bel Gà thực hiện chứng nhận GlobalGap tại 54 nhà nuôi gà của ba trang trại này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem