"Kêu cứu" với Thủ tướng vì nhiều "sếp" doanh nghiệp bị khủng bố, đòi nợ thay công nhân
"Kêu cứu" với Thủ tướng vì nhiều "sếp" doanh nghiệp bị khủng bố, đòi nợ thay công nhân
An Linh
Thứ năm, ngày 11/08/2022 12:12 PM (GMT+7)
Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam than thở với Thủ tướng về hiện trạng các đối tượng cho người công nhân vay nợ, nhưng lại sử dụng chiêu thức khủng bố, đòi nợ lãnh đạo doanh nghiệp.
Cho công nhân vay, nhưng lại khủng bố, đòi nợ sếp doanh nghiệp
Đại diện Hiệp hội Dệt may khẳng định, những vụ đòi nợ, khủng bố này khiến lãnh đạo doanh nghiệp rất mệt mỏi, bức xúc.
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Doanh nghiệp năm 2022 diễn ra tại Hà Nội ngày 11/8, hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp, hiệp hội nêu quan điểm, ý kiến và đề xuất lên Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ và các Bộ, ngành cơ quan trung ương, địa phương về các giải pháp phát triển kinh tế từ nay đến cuối năm.
Hàng không… lỗ là do giá nhiên liệu tăng cao
Tại Hội nghị, ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cho hay, ngành hàng không Việt Nam đang trên đà phục hồi nhưng chưa đồng đều ở các phân khúc. Thị trường nội địa đã phục hồi hoàn toàn so với trước khi dịch bệnh bùng phát, thị trường quốc tế phục hồi rất chậm.
Giá nhiên liệu và một số giá đầu vào tăng lên, các hãng hàng không vẫn bị lỗ và tính thanh khoản không được cải thiện nhiều.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh trong vận chuyển hạ tầng có sự phục hồi mạnh mẽ nhưng các hãng hàng không, các doanh nghiệp cung ứng vận chuyển hành khách vẫn gặp khó khăn, phải giải quyết những vấn đề bất lợi của dịch bệnh để lại, đặc biệt là sự mất cân đối của dòng tiền trong 2 năm dịch bệnh bùng phát.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp hàng không kiến nghị hàng loạt trong đó đặc biệt là điều tiết kết cấu hạ tầng, giải quyết triệt để tắc nghẽn ở các sân bay lớn và đẩy nhanh tốc độ phát triển hạ tầng hàng không. Bên cạnh đó, nghiên cứu và điều chỉnh khung giá trần nội địa nội địa cho các hãng hàng không và kiểm soát các hãng mới. Tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ, liên quan đến miễn giảm thuế đất…
Lợi nhuận logictics đang rơi vào túi hãng nước ngoài
Đối với ngành dịch vụ logistics, ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam kiến nghị cần đẩy mạnh phát triển chuỗi cung cứng vận tải, các thương hiệu vận tải.
Tăng tính kết nối dựa trên các nền tảng trung tâm logistics lớn, kết nối các hệ sinh thái của Việt Nam, đặc biệt hệ thống cảng biển quốc gia .
Theo ông Trung, trong đợt khủng hoảng giá cước (tăng gấp 5-7 lần) vừa qua, lợi nhuận "rơi vào túi" các hãng lớn của nước ngoài. Việt Nam chưa được hưởng lợi nhiều trong vấn đề này nên việc đẩy mạnh đội tàu, trong đó có container, là rất quan trọng.
Kêu cứu Thủ tướng vì bị khủng bố, đòi nợ lãnh đạo doanh nghiệp dệt may
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, thời gian gần đây vấn đề mới phát sinh là nhiều lãnh đạo doanh nghiệp rất hay gặp các trường hợp khủng bố, đòi nợ, do công nhân đi vay nhưng lãnh đạo bị đòi nợ, gây ra rất nhiều mệt mỏi, bức xúc.
Đại diện Hiệp hội này đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để bảo vệ công nhân, lãnh đạo các doanh nghiệp để họ ổn đính sản xuất, kinh doanh.
Về vấn đề của ngành dệt may, ông Cẩm cho biết, việc Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn áp dụng chính sách "zero COVID" gây khó khăn cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong việc cung ứng nguyên vật liệu, cũng như tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, lạm phát của Mỹ và châu Âu cũng ảnh hưởng đến sức mua của người lao động, khiến đơn hàng có xu hướng giảm đi. Xung đột giữa Nga và Ukraine cũng khiến nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, chi phí vận chuyển cũng tăng rất cao (gấp khoảng 3 lần so với 5 năm gần đây).
Ngành dệt may sử dụng lực lượng lao động rất lớn, nhưng qua thời gian chống dịch, có nhiều người lao động về quê và không quay trở lại. Có tình trạng biến động lao động, "nhảy việc"…
Trải qua thời gian chống dịch, tiềm lực về vốn, tài chính của nhiều doanh nghiệp khó khăn, có những doanh nghiệp đọng tiền hoàn thuế VAT trên 5 tỷ trong thời gian dài.
Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt chiến lược phát triển ngành dệt may, thành lập khu công nghiệp dệt may lớn để giải quyết vấn đề về vải, nhuộm, hoá chất…
Theo ông này, vì lý do nước thải của dệt nhuộm nên nhiều địa phương cũng không mặn mà với các dự án dệt may. Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội cho rằng, những khu công nghiệp đang tồn tại cũng không có vấn đề lớn và chúng ta cần đảm bảo có nguồn vải đáp ứng yêu cầu xuất xứ để hưởng những lợi ích mà FDI mang lại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.