Hết hy vọng giảm cước vận tải?
Đề xuất được Bộ Tài chính đưa ra hồi đầu năm đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua. Theo đó, thuế môi trường với xăng tăng thêm 1.000 đồng/lít, lên kịch khung 4.000 đồng từ 1/1/2019.
Tương tự, dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít. Dầu hỏa sẽ chịu thuế môi trường 1.000 đồng một lít, tăng 700 đồng so với hiện nay.
Điều này đồng nghĩa, giá mặt hàng nhiên liệu sẽ tăng thêm 500-1.000 đồng/lít, riêng mặt hàng xăng sẽ tăng thêm 1.000 đồng/lít.
Hiện tại, sau đợt điều chỉnh gần nhất ngày 21/12, xăng E5 RON92 hiện có mức giá trần là 16.787 đồng/lít và xăng RON95-III là 18.141 đồng/lít. Trong khi ấy, dầu diesel có giá không cao hơn 16.001 đồng một lít, dầu hỏa là 15.003 đồng một lít.
Qua đó, nếu áp mức thuế mới vào giá trên, giá xăng E5 RON92 có thể lên mức trần mới là: 17.787 đồng/lít trong khi xăng RON95-III là 19.141 đồng/lít. Ngoài ra, giá dầu diesel có thể là 15.501 đồng và dầu hỏa là 15.703 đồng.
Thuế môi trường với xăng sẽ tăng thêm 1.000 đồng/lít, lên kịch khung 4.000 đồng từ 1/1/2019.
Đây có lẽ là điều không mấy vui với người dùng bởi trong những tháng cuối năm, người dùng đang được hưởng những tháng ngày dễ chịu nhất trong gần 2 năm qua. Sau 5 lần giảm, giá xăng đã giảm tổng cộng gần 4.000 đồng/lít về mức thấp nhất trong gần 2 năm qua.
Điều đáng lo nữa là sau nhiều lần giảm giá xăng, người dùng đang ngóng trông đợt giảm giá cước vận tải. Mặc dù nhiều hãng xe vẫn đang bất động nhưng nếu tiếp tục có lần giảm tiếp theo, nhiều người đang hy vọng, cước vận tải sẽ dễ thở hơn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, với mức tăng lên tới 1.000 đồng/lít vì mức thuế, việc giảm cước vận tải có thể vẫn còn xa.
Sẽ đẩy sớm kỳ điều chỉnh giá
Những ngày cuối năm rộ lên thông tin, các doanh nghiệp xăng, dầu dọa thiếu xăng, dầu vì thuế bảo vệ môi trường và đề nghị đẩy thời điểm điều chỉnh giá sớm lên.
Cụ thể, với chu kỳ điều hành giá xăng 15 ngày/lần áp dụng theo Nghị định 83 của Chính phủ, kỳ điều hành giá tiếp theo sẽ rơi vào ngày 5/1/2019. Trong khi ấy, thời điểm áp dụng thuế bảo vệ môi trường mới là từ 1/1/2019, tức là sớm hơn 4 ngày so với kỳ điều chỉnh.
Điều này có nghĩa, giá xăng bán lẻ cho người tiêu dùng trong 4 ngày này chưa tính mức thuế mới nhưng doanh nghiệp đầu mối phải chịu trách nhiệm nộp phần thuế bảo vệ môi trường tăng thêm.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã có văn bản gửi Bộ Tài chính bày tỏ lo lắng, phải nộp thêm khoảng 18,5 tỉ đồng/ngày vì sự lệch pha này.
Từ đó, Petrolimex kiến nghị 2 phương án. Một là, công bố giá cơ sở bao gồm tính cả mức tăng thuế ngay từ ngày 1/1/2019, thay vì 5/1. Hai là, cho phép các thương nhân đầu mối sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu tăng thêm so với mức chi sử dụng hiện hành.
Về phía cơ quan quản lý, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại phiên họp Chính phủ với địa phương ngày 28/12 tiết lộ, cơ quan chức năng đang tính phương án sẽ điều chỉnh ngày điều hành giá mặt hàng này vào 1/1/2019, trùng với thời điểm tăng thuế bảo vệ môi trường.
Chưa nói rõ phương án nhưng tư lệnh ngành tài chính cho biết, mức giá nhiên liệu có thể giảm. Lãnh đạo Bộ Tài chính đánh giá, việc điều chỉnh này sẽ đảm bảo cân đối vừa tăng được thuế môi trường với xăng dầu, vừa đảm bảo lợi ích của các bên.
Từ 15h00 ngày 21/12, các mặt hàng nhiên liệu xăng dầu được điều chỉnh đồng loạt giảm giá.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.