Các mức giá chào hàng
Ngày 24.6, Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50, công an Hà Nội) và Sở Thông tin và truyền thông xem xét, xử lý Lê Văn Tám (41 tuổi, ở phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân) về hành vi Phát tán vi rút, chương trình tin học có tính năng gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số.
Trước đó, Tám bị lực lượng chức năng bắt quả tang đang mua bán, cài đặt phần mềm giám sát điện thoại (mspy).
Theo lời Tám, đầu năm 2012, do có nhu cầu giám sát điện thoại của vợ, anh ta lên mạng tìm kiếm thông tin, thấy một trang mạng cung cấp phần mềm giám sát điện thoại di động (ban đầu phần mềm chỉ có tính năng định vị máy bị giám sát).
Quá trình giám sát vợ, phần mềm này nâng cấp thành mspy với tính năng giám sát lịch sử giao dịch thiết bị giám sát. Nắm bắt nhiều người có nhu cầu giống mình, người đàn ông 41 tuổi nảy ý định kinh doanh mspy.
Anh ta liên lạc với người quản trị trang mạng cung cấp phần mềm giám sát, đặt vấn đề làm đại lý cung cấp mspy giá 60 triệu đồng. Để giới thiệu sản phẩm, Tám lập website, lên trang mạng cá nhân quảng cáo, cung cấp phần mềm theo dõi.
PC50 xác định, Tám kinh doanh phần mềm theo dõi điện thoại từ cuối năm 2013. Anh ta chào hàng các gói sản phẩm như, Basic: giá 90.000 đồng sử dụng trong 1 tháng; 250.000 đồng sử dụng 3 tháng; 480.000 đồng sử dụng 6 tháng. Gói Standard: giá 105.000 đồng sử dụng 1 tháng, 290.000 đồng sử dụng 3 tháng; 510.000 đồng dùng 6 tháng…
Cơ quan chức năng khẳng định, tính năng các gói sản phẩm này giống nhau, đều có thể lấy được thông tin trên điện thoại bị giám sát (tin nhắn, cuộc gọi, định vị GPS, viber, lịch sử web…).
Khai báo với nhà chức trách, Tám nhận đã thu lời từ 60-70 triệu đồng qua việc bán sản phẩm phần mềm mspy.
Ảnh minh hoạ
Hơn 740 người thuê giám sát
Khách hàng có nhu cầu giám sát điện thoại sẽ liên lạc với Tám, tải phần mềm mspy để cài đặt trực tiếp vào mục tiêu. Khách được Tám cấp cho một tài khoản trên mạng, nơi chứa cơ sở dữ liệu thông tin của máy bị giám sát (đặt ở nước ngoài).
Phần mềm cài đặt sẽ chạy ngầm, kích hoạt trong máy bị giám sát và tự động thu thập thông tin của điện thoại này chuyển về máy chủ, lưu trữ dữ liệu trong tài khoản của Tám. Khách hàng được cung cấp tài khoản có thể truy cập lấy thông tin.
Kiểm tra tài khoản cá nhân của người đàn ông 41 tuổi này, nhà chức trách xác định có 741 tài khoản người dùng đang ở chế độ hoạt động.
Theo chị Hoàng Thị Ngọc (31 tuổi, ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân - khách hàng của Tám), do nghi ngờ chồng quan hệ bất chính đã lên mạng tìm kiếm phần mền giám sát điện thoại. Trao đổi và được Tám hướng dẫn cách sử dụng, chị Ngọc tự tay tải, cài đặt, đăng ký tài khoản trong điện thoại của chồng. Người phụ nữ này đã thanh toán cho Tám 200.000 đồng, đổi lấy 3 tháng sử dụng.
Làm việc với lực lượng chức năng, chồng chị Ngọc khẳng định không biết mình bị giám sát điện thoại.
Nhà chức trách đánh giá Lê Văn Tám có dấu hiệu của hành vi Phát tán vi rút, chương trình tin học có tính năng gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số. Người đàn ông 41 tuổi bị cơ quan chức năng xem xét, xử lý thêm hành vi Truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác.
*Tên người liên quan đã được thay đổi.
(Theo Zing)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.