Thuế nhập khẩu 0%, vì sao Việt Nam vẫn chưa có xe ô tô giá 200 triệu/chiếc?

Thanh Phong Thứ bảy, ngày 14/12/2019 15:12 PM (GMT+7)
Các dòng ô tô từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia hay Philippines có tỷ lệ nội địa hoá tối thiểu 40% được nhập vào Việt Nam với thuế nhập khẩu 0% từ 2018. Sau gần 2 năm, giá xe ô tô trong nước vẫn không hề giảm, thậm chí còn tăng, chiếc Toyota Wigo bán tại Indonesia với giá 208-240 triệu đồng/chiếc, trong khi bán tại Việt Nam 345-405 triệu đồng.
Bình luận 0

Vì sao bỏ thuế giá xe vẫn không hạ? 

Năm 2017 trở về trước, các dòng xe Thái Lan, Indonesia, Malaysia hay Philippines được nhập vào Việt Nam với thuế nhập khẩu 30%. Từ ngày 1/1/2018, Việt Nam thực hiện việc bãi bỏ thuế nhập khẩu, xe hơi các nước ASEAN có tỷ lệ nội địa hoá tối thiểu 40% miễn thuế.

Cùng thời điểm trên, Nghị định 116 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh, sản xuất và buôn bán ô tô cũng được áp dụng. Theo đánh giá của giới chuyên môn, Nghị định này có rất nhiều bất cập, ràng buộc đối với doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhập khẩu xe hơi cũng lợi dụng chính sách Nghị định 116 của Chính phủ và Thông tư 03 của Bộ GTVT về hướng dẫn thực hiện còn nhiều vướng mắc, đã cố tình không thực hiện giảm giá các dòng xe nhập.

img

Thuế nhập khẩu về mức 0% nhưng giá xe ô tô tại Việt Nam vẫn ở mức rất cao.

Cụ thể, đối với các dòng xe “hot” thuộc thương hiệu được người tiêu dùng Việt tin dùng như Honda, Toyota,… với các mẫu như CRV, HRV, BRV, Rush, Avanza hay Camry. 

Sau các thương hiệu “đình đám” trên, những dòng xe giá bình dân khác của Mitsubishi hay Nissan cũng không có dấu hiệu giảm giá bán, bất chấp thuế giảm từ 30% về 0%.

Lý do được các hãng phân phối giải thích về tình trạng bỏ thuế giá không giảm là do các mẫu xe nhập về Việt Nam phải lưu kho, vượt qua nhiều vòng sát hạch tại Việt Nam. Ngoài ra, các chi phí về quảng cáo, tiếp thị và chi phí vận chuyển… cũng khiến mẫu xe nhập không thể giảm giá.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, đối với quy mô thị trường Việt Nam hiện tại, với dân số gần 100 triệu dân, tầng lớp thị dân, người giàu có tăng lên dẫn đến nhu cầu mua sắm, sử dụng xe hơi đang rất lớn. 

Trong đó, các mẫu xe mới có giá từ 400 đến dưới 1 tỷ đồng đang nằm trong “tầm ngắm” của nhiều bộ phận người dân Việt Nam. Mặc dù mức giá xe này đối với thu nhập bình quân/người vẫn chưa tương xứng, người Việt vẫn mong muốn một mức giá “mềm” hơn.

Giá nhập khẩu cao, sản xuất kém phát triển, người Việt vẫn khó đạt “giấc mơ” ô tô

Thông tin từ các đơn vị kinh doanh ô tô cho hay, hiện nay, mẫu xe cỡ nhỏ Toyota Wigo giá bán tại Indonesia khoảng 208-240 triệu đồng/chiếc, trong khi đó, giá bán tại Việt Nam là 345-405 triệu đồng tùy phiên bản. 

Ngoài ra, mẫu Honda Brio nhập nguyên chiếc từ Indonesia có giá tương đương 226-308 triệu đồng/chiếc tùy phiên bản. Nhưng khi về đến Việt Nam, mẫu xe này bán giá khá cao từ 418-454 triệu đồng.

Theo chủ một đại lý ô tô tại TP.HCM cho biết, một chiếc xe có dung tích 1,5-2 lít tại Thái Lan được bán với giá khoảng 400-450 triệu đồng. Nhưng cùng dung tích này bán tại Việt Nam với giá cao hơn gấp đôi từ 700-900 triệu đồng.

img

Ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp... trong nước yếu kém là 1 phần nguyên nhân khiến giá ô tô cao.

Đánh giá về tình trạng giá ô tô nhập khẩu quá cao, ông Bùi Xuân Trường, đại diện Công ty Ô tô Trường Thành cho hay, ngoài thuế nhập khẩu chính sách thuế, phí tại Việt Nam vẫn còn quá nhiều và quá cao. 

Chẳng hạn, tại Indonesia, ô tô chịu thuế hàng xa xỉ tương tự như thuế tiêu thụ đặc biệt của VN được tính theo dung tích động cơ ô tô, thường dao động từ 30%-75%.

Tuy nhiên, đối với các dòng xe có tỉ lệ nội địa hóa cao trên 60%, Indonesia sẽ giảm mức thuế này chỉ còn 10% trở xuống. Trong khi đó, tại Việt Nam, thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng với dòng xe ở mức thấp nhất cũng 35% cao hơn rất nhiều so với Indonesia cũng như một số nước láng giềng.

Cùng ý kiến trên, chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cho biết thêm, nếu chỉ trông chờ vào nhập khẩu, ngành công nghiệp sản xuất và lắp ráp trong nước không có sự thay đổi, người Việt vẫn khó đạt được “giấc mơ ô tô”.

Cụ thể, theo ông Đồng, hiện nay, xe ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước không có mức giá rẻ do phải gánh quá nhiều loại thuế lẫn phí. Trong đó có ba loại thuế chính đánh vào giá xe là thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng. Sau đó, mỗi chiếc xe phải gánh hàng loạt loại phí như phí trước bạ 10%- 12%, phí cấp mới giấy đăng ký kèm biển số, phí đăng kiểm ô tô, phí cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn kỹ thuật,...

Mới đây, thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng thừa nhận: “Đúng là giá thành ô tô ở VN hiện nay đang cao hơn so với các nước khác, kể cả những nước đang phát triển cũng như những nước xung quanh”. 

Ngoài ra, ông Hải cũng cho rằng chính sách thuế, phí đang có nhiều bất cập, khiến giá xe trong nước không thể rẻ. Vì vậy, Bộ Công Thương đang phối hợp với các đơn vị liên quan để đề xuất sửa đổi và bổ sung một số quy định liên quan đến thuế, phí xe ô tô cả nhập khẩu lẫn sản xuất trong nước.

Về phía Bộ Tài chính, Thứ trưởng Vũ Thị Mai thông tin thêm , dự kiến trong tháng 12, Bộ Tài chính này sẽ trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 125/207 theo hướng tạo thuận lợi hơn với ô tô và các ngành công nghiệp hỗ trợ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem