Thước đo về nhận thức

Thứ ba, ngày 18/06/2013 13:33 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đề thi môn địa lý được đánh giá là hay, và nhiều thí sinh sau giờ làm bài rất hồ hởi, tự tin là có điểm cao. Nhưng thực tế điểm chỉ phổ biến mức trung bình, đặt ra nhiều vấn đề về dạy và học môn địa lý.
Bình luận 0
img
Thí sinh sau giờ thi môn địa lý tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013. Ảnh minh họa.

Còn nhớ sau ngày thi môn địa lý, báo chí đưa tin học sinh hào hứng vì đề thi hay, đặc biệt là câu hỏi liên quan đến biển đảo. Tưởng rằng sẽ có một kết quả đẹp, nhưng thực tế không như mong muốn.

Qua môn thi địa lý của kỳ này, có thể cho chúng ta một cái nhìn tương đối rõ về kiến thức địa lý của học sinh. Thời nay, học sinh có điều kiện đi đó đi đây nhiều hơn, truy cập Internet, phim ảnh, sách vở, truyền hình... là các công cụ giúp các em học địa lý. Thế nhưng, khi sát hạch qua thi cử, kết quả lại không tốt. Về nội dung biển đảo, không chỉ là kiến thức khoa học về địa lý mà còn là nhận thức về chủ quyền, sự quan tâm đến tình hình đất nước, học sinh đã có sự quan tâm tìm hiểu chưa? Kết quả này cũng là thước đo về nhận thức, là câu trả lời về kiến thức.

Nhìn lại, đối với các môn khoa học xã hội - nhân văn, mặt bằng trình độ của học sinh tốt nghiệp phổ thông ở hạng trung bình và dưới trung bình lớn, khá và giỏi rất ít. Môn văn yếu, môn lịch sử có quá nhiều điểm 0, đến nay thì môn địa lý. Đã từng có nhiều ý kiến giải thích rằng do học các môn xã hội ra trường khó tìm việc làm, nếu có thì thu nhập rất thấp, cho nên học sinh không muốn học, phụ huynh cũng không muốn cho con mình theo học các ngành này khi vào đại học.

Đó là lý do mang “thì tương lai”, nhưng về việc giảng dạy các môn học này chắc chắn có vấn đề. Thông thường, học sinh say mê môn học nào đó là do sự hấp dẫn, thích thú khi tiếp cận. Văn học, lịch sử, địa lý đều là những môn học không phải khô khan như toán học, vật lý, hóa học, nhưng vì sao học sinh lại không tìm thấy sự thích thú? Có phải do nội dung chương trình không hay, dẫn đến trong quá trình giảng dạy, người thầy không đủ sức làm cho học sinh yêu mến các môn học này?

Đã từng có rất nhiều quan điểm đưa ra về cải cách giáo dục, trong đó quan trọng nhất là thay đổi cách biên soạn sách giáo khoa. Hãy xóa bỏ độc quyền biên soạn sách giáo khoa để huy động trí tuệ của nhiều người, nhiều tổ chức tham gia công việc này. Chỉ khi có sự tham gia của nhiều bộ sách thì mới có sự cạnh tranh, lúc đó sẽ có nhiều sản phẩm sách giáo khoa hấp dẫn, sáng tạo, phù hợp với thời đại, thu hút khát khao tìm hiểu tri thức của học sinh. Để những bộ sách nghèo nàn và nhàm chán cứ tồn tại như hiện nay, thì không thể mong các em say mê học tập các môn xã hội, nhất là khi trên thực tế cuộc sống thiếu các động cơ về tương lai và nghề nghiệp. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem