Thương lái Trung Quốc dùng mánh khoé "lũng đoạn" thị trường gỗ cao su

Thuận Hải Thứ bảy, ngày 22/04/2017 19:30 PM (GMT+7)
Trong khi giá nguyên liệu gỗ nhập khẩu luôn ổn định trong nhiều năm nay thì giá nguyên liệu gỗ nội địa thời gian qua lại có sự biến động tăng bất thường, nhất là gỗ cao su. Đáng chú ý là một số thương nhân Trung Quốc đang thu mua mạnh gỗ cao su, khiến các doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ trong nước phải cạnh tranh gay gắt và đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu.
Bình luận 0

Sử dụng nhiều “mánh khoé” mua gỗ

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, đại diện nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, họ không tìm mua được nguồn nguyên liệu, phần vì bị thương lái Trung Quốc cạnh tranh, phần vì giá gỗ nội địa tăng chóng mặt.

img

Thu gom gỗ cao su nguyên liệu tại huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: T.H

Nhiều DN chế biến gỗ Việt Nam cho biết, một phần lớn lượng nguyên liệu gỗ cao su tại Tây Nguyên đã bị các DN Trung Quốc bao chiếm. Họ cắm xưởng xẻ tại địa phương, thuê người dân địa phương đi gom hàng và thường trả trước tiền mặt. Phần còn lại, DN trong nước chỉ mua được phần cành, ngọn và gốc cao su.

Ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) cho biết, từ đầu năm 2017, Trung Quốc chính thức đóng cửa rừng tự nhiên và cấm khai thác, xuất khẩu gỗ nguyên liệu. Để bù đắp cho sự thiếu hụt nguyên liệu, các thương nhân Trung Quốc đã tràn sang các nước để thu mua nguyên liệu, trong đó có Việt Nam.

Với tiềm lực kinh tế mạnh và có nhiều “mánh khóe” trong buôn bán, các thương lái Trung Quốc tăng cường thu mua, nâng giá bán, lũng đoạn thị trường gỗ tại Việt Nam. Kèm theo đó là tình trạng các công ty có vốn đầu tư nước ngoài và thương nhân Trung Quốc đội lốt DN Việt hình thành hệ thống nhà máy, cơ sở thu mua nguyên liệu gỗ ở khắp các vùng nguyên liệu gỗ cao su cũng như gỗ keo tràm để xuất sang Trung Quốc. 

Ông Điền Quang Hiệp - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Phát 2 cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, giá gỗ cao su trong nước tăng đến 40% so với thời điểm cuối năm 2016 và vẫn đang tiếp tục tăng thêm.

Trong khi đó, DN này hiện sử dụng 60-70% nguyên liệu là gỗ cao su để chế biến. Theo ông Hiệp, dù đã có sự chuẩn bị và tích trữ nguyên liệu trước, tuy nhiên, sự biến động giá quá lớn cũng khiến cho Minh Phát 2 đang thiếu hụt khoảng 50% nguyên liệu gỗ cao su để phục vụ cho các đơn hàng chế biến xuất khẩu.

Còn theo ông Trần Liêm – Giám đốc Công ty CP Lâm Việt, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng giá gỗ cao su tăng mạnh là do giá mủ đang phục hồi trở lại trong vài tháng gần đây, chu kỳ cắt gỗ của các nông trường cao su, người dân có xu hướng ngày càng giảm, trong khi nhu cầu gỗ phục vụ cho chế biến lại gia tăng.

Cũng theo ông Liêm, gỗ cao su là loại nguyên liệu mà các DN chế biến gỗ đang thiếu hụt nghiêm trọng nhất hiện nay. Về lâu dài, tình hình này sẽ càng khó khăn hơn cho DN trong nước khi phải mua nguyên liệu đầu vào với giá cao, từ đó phải tăng giá sản phẩm, giả sức cạnh tranh trên thị trường.

Hàng thanh lý nên khó chủ động?

Nhiều ý kiến cho rằng, trước sự cạnh tranh không lành mạnh của thương nhân nước ngoài, DN Việt Nam cần liên kết giữa người trồng và người chế biến gỗ cao su. Tuy nhiên, việc liên kết này, nếu muốn cũng rất khó.

Nguyên nhân, theo bà Trần Thị Thúy Hoa - Trưởng ban Tư vấn phát triển ngành cao su thuộc Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), gỗ cao su là tài sản thanh lý, các DN phải thực hiện thu mua theo cơ chế đấu giá của Nhà nước. Do đó, dù có muốn liên kết với các DN chế biến gỗ thì các đơn vị cũng không thể chủ động được.

Bà Hoa cho biết, VRA đang kiến nghị Bộ Tài chính xem sản phẩm gỗ cao su là sản phẩm chính như cao su thiên nhiên. Từ đó, các DN có thể chủ động quyền điều hành, kế hoạch rải vụ, thời gian thanh lý... gỗ nguyên liệu cao su khi cần thiết.

“Khi đó, nguồn gỗ cao su cung cấp ra thị trường sẽ ổn định hơn và sự liên kết giữa các DN cao su với DN chế biến gỗ mới chủ động và bền chặt hơn” - bà Hoa cho biết.

Còn theo ông Quyền, việc liên kết giữa người trồng và người chế biến cũng sẽ giải quyết vấn đề nguồn cung nguyên liệu gỗ, đảm bảo nguồn gốc gỗ có thể truy xuất một cách dễ dàng và lợi nhuận của các bên đều đạt được…

Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định thì cho rằng, Chính phủ cần có các giải pháp hạn chế xuất khẩu gỗ nguyên liệu một cách hiệu quả. Đồng thời, tăng cường các giải pháp về thủ tục hành chính, kiểm tra giám sát của kiểm lâm, hải quan sở tại và chính quyền địa phương để hạn chế việc thương nhân nước ngoài thu gom, khống chế thị trường gỗ nguyên liệu rừng trồng trong nước và tránh thuế xuất khẩu bằng cách giảm giá bán, kê khai không đúng quy cách gỗ nguyên liệu xuất khẩu… 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem