Những buồng cau tươi được các cơ sở sấy cau khô thu mua với giá 9.000 - 10.000 đồng/kg. Ảnh: Anh Thư
Bà Vũ Thị Hoa, chủ một cơ sở sấy cau khô ngụ ấp Mỹ Thạnh, xã Nhơn Mỹ cho biết: “Trước đây thương lái Trung Quốc đến đây đặt mua cau non tươi để chuyển về bên kia biên giới với giá từ 40.000 - 45.000 đồng/kg, nhưng những tháng qua, họ không thu mua cau tươi mà chuyển sang mua cau non sấy khô. Họ mua làm gì chúng tôi cũng không rõ".
Cũng theo bà Hoa, hiện cơ sở sấy cau khô của bà mua cau non với giá 9.000 - 10.000 đồng/kg (tính cả nhánh cau), sau khi sấy sẽ bán cho thương lái với giá 22.000 đồng/kg cau loại 1; 20.000 đồng/kg cau loại 2. Bà Hoa nói: "Làm ngày nào hay ngày nấy. Làm ăn với họ hồi hộp lắm”.
Người dân thu hoạch cau đem bán cho các cơ sở thu mua. Ảnh: Anh Thư
Bà Hoa kể thêm, mỗi ngày vựa của bà thu mua trên 4 tấn cau non, gồm cả cau kiểng, cau ớt, cau hòn, cau vú bò theo phương thức “tiền trao, cau lấy” nên người bán rất phấn khởi. Từ đó nhiều người đã tự đi thu mua cau ở nhiều địa phương khác như huyện Cù Lao Dung, Long Phú (Sóc Trăng); huyện Phong Điền, Thới Lai (TP Cần Thơ); huyện Châu Thành, Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang)… rồi về bán lại cho các đại lý tại xã Nhơn Mỹ.
Ông Lê Văn Có, ngụ thị trấn Long Phú, huyện Long Phú (Sóc Trăng) cho biết: “Mỗi ngày tui đi gom cau bằng xe hon đa được khoảng 100kg, tính cả nhánh buồng cau, trừ chi phí cũng còn kiếm được 150.000 - 170.000 đồng/ngày”.
Cau non sẽ được đun sôi rồi đem sấy khô. Ảnh: Anh Thư
Sau khi được thu mua (cả nhánh lẫn trái), chủ vựa sẽ thuê nhân công lặt trái và bỏ nhánh với giá từ 3.000 - 4.000 đồng/kg rồi mang đi đun sôi bằng những nồi nấu lớn với sức chứa mỗi lần từ 300 - 400kg. Sau khi đun từ 1 - 2 giờ, cau được chuyển sang các lò sấy và được sấy khô trong thời gian khoảng 1 giờ, sau đó được làm nguội và chuyển sang khâu phân cỡ, đóng thùng và xuất đi ra các tỉnh phía Bắc.
Những trái cau sấy khô được phân loại, đóng thùng đưa đi Trung Quốc tiêu thụ. Ảnh: Anh Thư
Nhiều người dân cho biết, tình trạng mua tận thu cau non nếu xét về trước mắt thì nhà vườn có lợi nhưng về lâu dài sẽ xảy ra tình trạng khan hiếm và cũng không loại trừ chuyện thương lái Trung Quốc sẽ đột ngột dừng mua như đã từng giở chiêu trò với nhiều loại nông sản khác và khiến người dân lãnh đủ. Vì thế nhiều người dân miền Tây cũng đang hết sức cảnh giác, không vội vàng đốn bỏ nhiều loại cây ăn trái khác để trồng cau.
Theo quan sát của chúng tôi, điều đáng chú ý là không hề thấy bóng dáng của các thương lái Trung Quốc tại các điểm thu mua. Mọi giao dịch mua bán đều thông qua đơn đặt hàng từ xa và thanh toán tiền đều qua hệ thống ngân hàng.
Anh Thư (langmoi.vn)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.