Thương lái Trung Quốc thao túng lúa gạo: Lật mặt nhiều chiêu bẩn

Thứ ba, ngày 12/06/2012 06:52 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Về việc các thương nhân Trung Quốc (TQ) đang thao túng thị trường lúa gạo Việt Nam, gây nhiễu loạn thông tin về mặt hàng này, sự thực về việc TQ thao túng thị trường lúa gạo như thế nào?
Bình luận 0

Giả vờ mua rồi… hủy hợp đồng

Bà Trần Thị Bông - thương lái lúa gạo ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, cho biết, gần đây có khá nhiều thương nhân TQ đến An Giang liên hệ thu mua lúa gạo với giá cao hơn hẳn giá trong nước đang bán từ 1.000 – 1.500 đồng/kg. Chẳng hạn, với loại gạo 5% tấm, trong nước đang có giá 9.500 đồng/kg, họ sẵn sàng mua với giá 10.500 đồng/kg, thậm chí 11.000 đồng/kg với lời hứa “bao nhiêu cũng mua”.

img
Thị trường xuất khẩu gạo năm nay có nhiều khó khăn, biến động thất thường.

Chủ một doanh nghiệp (DN) kinh doanh lương thực ở huyện Thới Lai (TP.Cần Thơ) cũng cho biết, thương lái TQ đến tận kho yêu cầu được cung ứng hàng từ 10.000 - 50.000 tấn theo hợp đồng giao trong vòng 3 tháng (loại 5% tấm). Thậm chí, họ còn thuê thương lái địa phương đi mua lúa gạo với giá cao để lũng đoạn thị trường. Đến khi các đơn vị cung ứng đã mua đầy kho thì họ “lặn” mất. Sau đó họ ra yêu sách phải giảm giá thật nhiều và chịu phí tổn cho họ trở lại Việt Nam bàn chuyện mua gạo.

Ông Phạm Thái Bình- Giám đốc Công ty TNHH Trung An cảnh báo, việc làm ăn với TQ rủi ro rất lớn. Nhiều DN xuất khẩu hàng qua đến TQ, thì họ giở chứng, không nhận hàng nữa, mà phía mình cũng đành chịu vì không có vận đơn để hoàn tất bộ chứng từ thanh toán. Ngay cả đã ký hợp đồng, có mở L/C (chứng thư bảo đảm) qua ngân hàng vẫn bị “xù” như thường.

Có trường hợp ngân hàng cho rằng bộ chứng từ Việt Nam gửi qua quá chậm, L/C hết hạn. Đây chính là “chiêu” mà các thương lái giở trò, họ cố tình không cung cấp vận đơn đúng hạn để chúng ta phải trễ với ngân hàng, không thanh toán được”.

Theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, nhiều trường hợp khác, DN Việt Nam bị DN TQ “chơi xấu” khi giao hàng tới cảng, họ mới tìm mọi cách để hạ giá xuống. Lý do phổ biến họ đưa ra ra là gạo bị nhiễm khuẩn, nếu không hạ giá thì phải chịu chi phí để họ xử lý, dù trước đó người kiểm tra chất lượng sản phẩm (KCS) của họ đã đến Việt Nam kiểm tra đạt rồi mới xuất.

Tung nhiều chiêu “bẩn”

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ đầu năm đến nay, các hợp đồng xuất khẩu gạo sang TQ tăng đột biến. Chỉ trong 4 tháng đầu năm, VFA đã ký hợp đồng xuất khẩu với các thương nhân Trung Quốc gần 1,2 triệu tấn gạo chất lượng cao (gạo 5% tấm) và gạo thơm, cao gấp 4 lần so với cả năm 2011.

Song từ tháng 5 trở lại đây, tốc độ thu mua đã chậm lại một cách bất thường, cả đường chính ngạch lẫn tiểu ngạch và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu vắng bóng các thương nhân TQ. Nhiều hợp đồng đã bị hủy vô cớ theo sự biến mất của các thương nhân trên.

Một số chuyên gia lúa gạo cho rằng, “bài” của TQ là ban đầu mua vào với số lượng lớn. Khi các đơn vị kinh doanh trong nước ồ ạt đem hàng lên cửa khẩu, họ kiếm cớ không mua nữa khiến hàng bị dồn ứ, thiệt hại nặng nề như chuyện dưa hấu, cao su, vải thiều... bị ứ đọng, ép giá đã diễn ra liên tục trong thời gian vừa qua. Chính vì thế DN phải hết sức thận trọng và tỉnh táo, chỉ mua bán qua con đường chính thống, nắm chắc lai lịch của đối tác.

Một số thương lái trong nước cho hay, chính sách “mở rồi đóng” này của các thương nhân TQ nhằm làm rối loạn thị trường Việt Nam với mục đích cố tình phá hoại nền sản xuất và xuất khẩu gạo của nước ta.

Theo tìm hiểu của NTNN, gần đây các thương nhân TQ đã tung “độc chiêu” mới: Đề nghị các DN, thương lái Việt Nam nếu muốn bán hàng cho họ, phải trộn gạo trắng thường với gạo thơm theo tỷ lệ 50:50 để họ đem về nước bán dưới mác gạo thơm. Với giá gạo trắng nếu trộn 50% vào gạo thơm và bán dưới mác gạo thơm thì thương nhân TQ sẽ lợi 1/3 giá.

Ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch VFA cho biết: “Việc làm này sẽ ảnh hưởng xấu đến uy tín Việt Nam bởi người dân TQ sẽ tẩy chay gạo Việt Nam, vì chất lượng gạo không cao. Lúc này, thương lái TQ sẽ có cớ để hủy hợp đồng đã ký hồi đầu năm với giá cao với DN Việt Nam”.

Chính vì thế, ông Phong kêu gọi cộng đồng các DN, thương lái và nông dân Việt Nam phải thật cảnh giác trong mua bán, giao dịch gạo với Trung Quốc. Đồng thời, VFA đã có công văn chỉ đạo nghiêm cấm các DN thành viên VFA có hành vi trộn gạo đối với tất cả DN hội viên khác. Trong trường hợp phát hiện ra gạo thơm bị trộn tại thị trường Trung Quốc, VFA sẽ điều tra nguồn xuất khẩu để truy cứu trách nhiệm DN.

Các DN Việt Nam đang ở thế yếu

TS Phạm Quang Diệu - kinh tế trưởng Công ty Phân tích thị trường AgroMonitor cho rằng: “Việc để các thương nhân TQ thao túng thị trường lúa gạo trong thời gian qua lỗi là ở các DN Việt Nam khi không mở L/C để thanh toán, mà chủ yếu thanh toán bằng tiền mặt, nên mới dễ bị họ ép”.

Theo TS Diệu, do đầu năm việc bán gạo khó quá, nên các DN đã tìm cách bán gạo cho TQ, nhưng lại không tìm hiểu kỹ đối tác.

“Vừa rồi, VFA đã cử đại diện sang TQ tìm hiểu thị trường, song hầu hết các DN trong nước không chủ động sang. Do đó, để có một chính sách về vấn đề này là rất khó, điều quan trọng là chúng ta phải có một chiến lược kinh doanh dài hạn, bài bản với TQ” - TS Diệu cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem