Thưởng Tết năm 2019: Thoát cảnh đủ bù trượt giá!

Nguyệt Tạ Thứ bảy, ngày 19/01/2019 06:05 AM (GMT+7)
Lần đầu tiên, sau chuỗi dài 4 năm thưởng tết chỉ tăng đủ bù trượt giá, năm 2019 mức thưởng Tết Nguyên đán tăng tới hơn 11,4% so với năm 2018, thưởng Tết Dương lịch tăng 23%. Đây thực sự tin vui với người lao động vì năm nay họ có thể có một cái tết ấm.
Bình luận 0

Phấn khởi thưởng tết tăng

Mặc dù công việc khá bận, 14.000 công nhân của Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG (Đại Từ, Thái Nguyên) vẫn cảm thấy rất vui và phấn khởi. Họ vui vì năm nay kinh tế bớt khó khăn, đơn hàng nhiều hơn và đặc biệt, họ sắp được nhận một mức thưởng tết được cho là cao hơn tết năm 2018 rất nhiều. Cụ thể, mỗi người lao động (NLĐ) sẽ được nhận thưởng tết bình quân gần 11 triệu đồng.

img

Thưởng tết năm 2019 bình quân vào 6,3 triệu đồng/người.  Ảnh: N.T

Báo cáo lương thưởng tết của Bộ LĐTBXH cho thấy, tính đến ngày 9.1.2019, có 58/63 địa phương gửi báo cáo tổng hợp số liệu lương, thưởng tết 2019, với báo cáo của 25.565 doanh nghiệp (tương ứng với 3,853 triệu lao động). Trong đó, có 20.469 doanh nghiệp (ứng với 1,988 triệu người lao động) có kế hoạch thưởng Tết Dương lịch và 25.565 doanh nghiệp (ứng với 3,329 triệu người lao động) có kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán. Mức thưởng Tết Nguyên đán bình quân cả nước khoảng 1 tháng lương, tương đương 6,31 triệu đồng/người, tăng 11,4% so với tết năm 2018 (5,527 triệu đồng/người).

Chị Nguyễn Thị Lan – công nhân bộ phận may cho biết: “Tôi cảm thấy rất phấn khởi vì năm nay nghe ban giám đốc công bố mức tiền thưởng tăng mạnh, gần như gấp đôi năm 2018. Chính bởi vậy, dù thời điểm này công việc còn rất bận nhưng ai cũng vui và cố gắng làm việc”.

Chị Lê Thị Mi (30 tuổi, quê Hà Nam) - công nhân khu Công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) cho biết: “Năm nay, mức thưởng Tết Nguyên đán của tôi khoảng 7 triệu đồng. So với năm 2018 thì mức thưởng tết năm nay cao hơn khoảng 1 triệu đồng. NLĐ làm đủ 12 tháng sẽ được thưởng 1 tháng lương như vậy”.

Chia sẻ về câu chuyện có người nhận mức thưởng cả tỷ đồng, có người không có thưởng, chị Mi tâm sự: “Thật sự đi làm cuối năm ai cũng mong đến ngày được nhận lương, thưởng tết, tuy nhiên thực tế đâu phải công ty nào cũng giống công ty nào. Có công ty “làm nên ăn ra”, có công ty thì khó khăn, thế nên phận công nhân như chúng tôi chỉ cần được doanh nghiệp quan tâm, còn thưởng nhiều hay ít là tùy thuộc doanh nghiệp”.

Thực tế cho thấy, với NLĐ nhận mức lương cơ bản, mức thưởng Tết Nguyên đán 2019 tăng trên dưới 1 triệu đồng, căn cứ vào mức thưởng tương đương 1 tháng lương, là gần như trùng với mức tăng lương tối thiểu vùng mới được áp dụng.

Chênh lệch thưởng tết cả nghìn lần

Theo dõi công bố về lương thưởng tết của Bộ LĐTBXH và các địa phương, ta có thể thấy một bức tranh lương, thưởng tết rất đa dạng. Bên cạnh sự khởi sắc thưởng tết nói chung thì đâu đó vẫn có những NLĐ phải ngậm ngùi vì mức thưởng tết chỉ đủ mua được 2 bát phở.

Hiện nay, mức thưởng tết cao nhất đang thuộc về một lao động làm ngân hàng tại TP.HCM với mức thưởng đạt 1,7 tỷ đồng và mức thấp nhất thuộc về công nhân của Công ty TNHH Dịch vụ Môi trường và Vận tải Tâm Đức Mạnh (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) chỉ đạt 50.000 đồng.

Ông Tống Văn Lai - Cục phó Cục Quan hệ lao động và tiền lương (Bộ LĐTBXH) cho biết, báo cáo tổng hợp từ các địa phương cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đều có thưởng tết cho NLĐ. Năm 2019, mức thưởng Tết Nguyên đán bình quân bằng khoảng 1 tháng lương (6,310 triệu đồng/người), tăng 11,4% so với năm 2018 (5,527 triệu đồng/người). Mức tăng dẫn đầu thuộc các công ty có cổ phần, vốn góp của Nhà nước (mức thưởng cụ thể là 6,825 triệu đồng/người). Bên cạnh đó, các số liệu cũng cho thấy mức thưởng Tết Dương lịch bình quân hơn 1,4 triệu đồng/người, tăng 23,3% so với năm 2018 (1,151 triệu đồng/người).

Nói về sự chênh lệch trong việc thưởng tết giữa các doanh nghiệp, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, Luật Lao động hiện hành quy định, tiền thưởng tết không mang tính bắt buộc, mà phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, dựa trên thỏa ước lao động tập thể hoặc hợp đồng lao động.

“Lâu nay các doanh nghiệp thường quy định rõ về tiền thưởng đối với phần năng suất lao động tăng thêm. Còn tiền thưởng tết, thông thường trong các thỏa ước lao động tập thể sẽ quy định nếu doanh nghiệp làm ăn có lãi thì sẽ thưởng để tạo động lực cho người lao động, chứ không quy định cụ thể. Nội dung này hoàn toàn phụ thuộc vào thương lượng giữa chủ sử dụng lao động và NLĐ” - ông Lợi cho biết.

Chính bởi vậy, ông Lợi cho rằng, có doanh nghiệp thưởng tiền tỷ, có doanh nghiệp thưởng bằng tiền nghìn cũng là chuyện bình thường.

Hiện nay có nhiều ý kiến về việc có nên đưa thưởng tết thành quy định cứng trong Luật Lao động sửa đổi, tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng, khó quy định để buộc doanh nghiệp phải thưởng cho NLĐ bao nhiêu tiền. Mức thưởng hoàn toàn dựa vào tình hình kinh doanh và năng suất lao động.

Còn theo ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH việc chi trả thưởng tết của doanh nghiệp nhà nước đã có khung nhất định, dựa vào quỹ phúc lợi, khen thưởng không quá 3 tháng lương. Trong khi đó, mức chi thưởng cuối năm của doanh nghiệp tư nhân và FDI thường không cố định. Nhưng nhiều năm qua, mức thưởng tết của doanh nghiệp FDI vẫn thường đứng đầu trong bảng khảo sát của Bộ LĐTBXH. Tất nhiên, mức thưởng cao chỉ dành cho một số cá nhân có đóng góp cao trong doanh nghiệp.

Thưởng tết chỉ mang tính chất động viên

img

“Tôi cho rằng, vấn đề thưởng tết chỉ mang tính chất động viên khuyến khích. Thưởng tết dựa vào sự thỏa thuận của doanh nghiệp và người lao động. Công ty “làm nên ăn ra” thì sẽ “mạnh tay” thưởng tết, nếu không thì cũng không thể bắt họ thưởng tết vì điều này luật không quy định. Lao động cũng nên nhìn theo hướng tích cực, xem thưởng tết như một phần thưởng động viên, khuyến khích lao động sau một năm làm việc vất vả. Vì vậy, tùy vào năng lực của doanh nghiệp mà họ sẽ thưởng nhiều hay ít, người lao động cũng nên có sự chia sẻ, cảm thông với doanh nghiệp tránh tình trạng so bì, ganh tị rồi đình công, biểu tình”.

Ông Đào Quang Vinh – Viện trưởng
Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTBXH)

Siết chặt thực hiện thỏa ước lao động

img

“Hiện nay, các doanh nghiệp đều thực hiện chế độ thưởng tết cho người lao động, chỉ cá biệt có một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, giải thể không thể thưởng tết. Tôi cho rằng, tới đây lúc sửa luật cần phải đưa vấn đề thỏa ước lao động tập thể vào luật. Điều này giúp công nhân, lao động có thể quản lý, giám sát việc doanh nghiệp thực hiện trả lương, thưởng tết. Có như vậy, thì doanh nghiệp và lao động mới xây dựng được môi trường lao động công bằng, văn minh, thân thiện, tạo điều kiện nâng cao năng suất, chất lượng lao động.

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động
(Tổng LĐLĐ Việt Nam)

img

Công nhân phấn khởi  vì công ty thưởng tết cao hơn năm trước

“So với năm trước, năm nay mức thưởng tết của công ty nhiều hơn năm 2018. Ngoài việc được nhận một tháng lương thứ 13, công nhân lao động chúng tôi còn có tiền thưởng cho lao động xuất sắc. Mỗi công nhân được thêm khoảng 2 triệu và một phần quà nhỏ, gồm bánh kẹo. Công ty cũng bắt đầu chương trình tặng vé xe về quê ăn tết cho công nhân ở xa”.

Công Nhân Nguyễn Thị Toán (Công ty Giày Hongfu Thanh Hóa)

Thùy Anh (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem