Thưởng tết, niềm vui nhiều và niềm vui ít

Thứ ba, ngày 10/12/2013 11:58 AM (GMT+7)
Cuối năm, thông tin được ngóng đợi nhiều nhất là thưởng tết, từ những người có liên quan như cán bộ công nhân viên, lao động trong các doanh nghiệp, tới xã viên hợp tác xã, và không ít nơi, còn cả nông dân...
Bình luận 0
Nói về luật pháp và các ràng buộc pháp lý, Luật Lao động không có quy định bắt buộc về thưởng tết, trừ trường hợp trong hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể giữa người lao động và người sử dụng lao động có quy định cụ thể.

Nhưng từ lâu, việc thưởng tết, trả lương tháng thứ 13 đã được coi là một nét văn hóa, được các doanh nghiệp áp dụng như một hình thức cảm ơn người lao động. Xét về mặt thực tế, đó chính là thu nhập của người lao động, nhưng được phân bổ hợp lý hơn bằng thưởng tết. Và nói như ông Phạm Minh Huân - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, việc thưởng tết của doanh nghiệp là khôn ngoan, bởi đó cũng là cách ràng buộc, động viên lao động cống hiến. Chính vì vậy, tiền thưởng cuối năm ở những doanh nghiệp làm ăn tốt, thì hầu như ai cũng có. Mức thưởng khủng từng ghi nhận năm 2011 lên tới hơn 700 triệu đồng, còn bình thường là 1-2 tháng lương. Đó là “niềm vui nhiều”.

Ở nhiều góc khuất khác, như ở các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, phá sản, thì lao động chỉ mong vớt vát chút lương để cầm cự. Như năm 2012-2013, báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy có tới 58.000 doanh nghiệp phá sản, thì chuyện thưởng tết năm nay quả là không tưởng.

Còn trong các doanh nghiệp nhỏ ở nông thôn, các hợp tác xã, mức thưởng hầu như chỉ mang tính chất động viên. Cũng khó có thể nói được nhiều về thưởng tết ở khu vực này, khi mà hợp đồng lao động ràng buộc nhau hầu như không có. Công nhân, xã viên chủ yếu làm khoán, làm công nhật, “ráo mồ hôi là hết tiền” nên việc thưởng cũng khó có thể quy thành những con số như tháng lương 13. Tuy nhiên, điều an ủi với nhiều lao động, là năm hết tết đến họ cũng có gói quà tết. Cũng vui, nhưng vui ít hơn so với việc được thưởng thành tấm thành món.

Và ở nông thôn hiện nay, các chủ trang trại sử dụng lao động cũng khá nhiều. Việc đưa cho lao động “dăm ba triệu lo việc nhà” cũng là một hình thức thưởng, nhưng mang nhiều tình thân. Chỉ lạ một nỗi, nhiều chủ trang trại, nông dân có thu nhập tiền tỷ, nhưng chưa bao giờ dám... thưởng tết cho chính mình. Một chuyến du lịch chẳng hạn, vừa vui tết, vừa để mở mang kinh doanh. “Thưởng” tết như vậy có thể ít, nhưng ý nghĩa cũng rất lớn!
Lê Huyền (Lê Huyền)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem