Thưởng tết ở các doanh nghiệp phía Nam ra sao sau “trận ốm” vì dịch Covid-19?

Quốc Hải Thứ ba, ngày 28/12/2021 08:22 AM (GMT+7)
Nhiều doanh nghiệp chỉ hoàn thành một nửa kế hoạch sản xuất năm hoặc thua lỗ trong thời gian siết giãn cách nhưng vẫn cố gắng tìm kinh phí thưởng Tết 2022 cho người lao động.
Bình luận 0
Thưởng tết ở các doanh nghiệp phía Nam ra sao sau “trận ốm” vì dịch Covid-19? - Ảnh 1.

Mức thưởng tết phổ biến được dự đoán ở các DN có đông lao động chỉ khoảng 1 tháng lương - Ảnh: DNCC

Nhiều nhận định cho rằng, thưởng Tết năm nay khó tăng và chỉ một số doanh nghiệp (DN) ít hoặc không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: Công nghệ thông tin, ngân hàng… là có khả năng giữ được mức thưởng như năm 2021. 

Theo đó, mức thưởng Tết năm 2022 phổ biến sẽ là 1 tháng lương, tùy theo thỏa thuận giữa người lao động và DN, bởi mục tiêu của người lao động là trước mắt giữ được việc làm, thu nhập để đảm bảo cho cuộc sống và chia sẻ với khó khăn của DN.

Tuy nhiên, chia sẻ với Dân Việt, các DN ở TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam đang hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đã có những chia sẻ thực tế về mức thưởng năm nay – dù phải gánh chịu hơn 4 tháng "đau bệnh" vì đại dịch Covid-19.

Lý Thanh Phong – Giám đốc Công ty TNHH 3D Hub Global, cho hay, chính sách thưởng tết của công ty tùy theo bậc lương và chức vụ của nhân viên trong công ty.

Đối với nhân viên dưới một năm, công ty thưởng theo tháng, tùy theo tỷ lệ tháng họ làm với mức trung bình 1 triệu đồng/tháng làm việc. Chẳng hạn, nếu làm 10 tháng thì thưởng 10 triệu đồng, ai cũng được nhận tiền thưởng.

Thưởng tết ở các doanh nghiệp phía Nam ra sao sau “trận ốm” vì dịch Covid-19? - Ảnh 2.

Công nhân Công ty TNHH 3D Hub Global trong giờ làm việc phải tuân thủ giãn cách. Ảnh: DNCC

Năm 2021, khi hầu hết các dự án sản xuất tranh phục vụ quảng cáo, công trình kiến trúc, nhà hàng, khách sạn… trong nước bị ngưng hoặc chậm lại, may mắn là các đơn hàng quốc tế vẫn ổn định và giá trị mỗi đơn ngày một lớn hơn. Nhờ đó, công ty vẫn tạo được nguồn công ăn việc làm và tổ chức "3 tại chỗ" trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng, đảm bảo đời sống cho người lao động…

Trương Thị Thanh Tâm - CEO Công ty CP ATZ Life, tâm niệm, trong suốt 20 năm kinh doanh, bà luôn chủ trương thưởng tháng 13 cho người lao động, vừa tạo niềm vui, động lực và cũng là để giúp nhân viên và gia đình có một cái tết trọn vẹn hơn.

Trong năm 2021 vừa qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ATZ Life đã đóng cửa nhiều cửa hàng tại các Trung tâm thương mại nên toàn quốc. Do đó, các nhân viên cửa hàng trực tiếp cũng không thể tiếp tục đi làm như bình thường, công ty cũng cố gắng hỗ trợ một phần lương cho nhân viên.

Một số khác chuyển sang hỗ trợ hoạt động kinh doanh online, nhưng người dân thắt chặt chi tiêu, doanh số cũng rất thấp, chưa đủ để bù đắp chi phí vận hành.

Thưởng tết ở các doanh nghiệp phía Nam ra sao sau “trận ốm” vì dịch Covid-19? - Ảnh 3.

Chi phí "3 tại chỗ " tăng cao khiến các DN không thể chăm lo cho cho công nhân một cái tết "xông xênh" như những năm trước. Ảnh: DNCC

"Để chuẩn bị cho tết nguyên đán 2022, ATZ Life vẫn trích một phần quỹ dự phòng để thưởng tết cho nhân viên. Hiện tại chúng tôi vẫn đang cân đối ngân sách, chưa có con số cụ thể. Song song với tiền mặt, ATZ Life sẽ thưởng bằng hiện vật là các sản phẩm cao cấp của công ty như nến thơm, túi thơm, tinh dầu và các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ.

Hy vọng, những nỗ lực của công ty sẽ mang lại nhiều niềm vui cho đội ngũ đã đồng hành, cũng như giữ chân được người lao động trong bối cảnh nhiều người quyết định trở về quê sinh sống và làm việc do e ngại dịch bệnh bùng phát", bà Tâm nói.

Bùi Hồng Hạnh - Giám đốc Công ty Chocolate Legendary Việt Nam, cho hay, công ty vẫn đang cân nhắc chưa quyết định mức thưởng Tết do ảnh hưởng của dịch rất lớn, do 4 tháng không làm việc vừa do chính sách đóng cửa lock down để chống dịch của thành phố, vừa do nhu cầu mua sắm sản phẩm giảm.

Trong thời gian dịch, công ty vẫn cố gắng hỗ trợ nhân viên 50% lương vì vậy sau dịch với những e ngại như sức mua thị trường giảm, nhà nước tiếp tục lock down nên công ty chỉ tuyển dụng cầm chừng. Chính vì vậy, vào thời điểm cuối năm đơn hàng về nhiều, nhà máy quá tải nên nhân viên phải tăng ca khá nhiều, việc tăng ca đã tăng phần nào thu nhập cho nhân viên.

"Theo đánh giá sơ bộ thì mức thưởng Tết năm nay cũng bằng hoặc nhỉnh hơn so với mức thưởng Tết 2021 và bằng khoảng 50-60% mức thưởng Tết của các năm trước dịch, đây cũng là nỗ lực rất lớn của ban lãnh đạo công ty để chăm lo đời sống của cán bộ công nhân viên công ty cũng như mong muốn có sự gắn kết lâu dài với người lao động", bà Hạnh, nói.

Ông Lưu Văn Thái - Giám đốc Công ty Thực phẩm Tâm Minh (quận Tân Bình), cho biết, chính sách lương thưởng cho nhân viên luôn nằm trong kế hoạch phát triển của công ty, mặc dù mấy năm nay dịch bệnh, nhưng không vì thế mà việc 'tri ân' với những người đồng hành của công ty, lại vì thế bị bỏ quên.

"Họ là nhân tố sống còn, nhất là trong lúc nhân sự đang hoảng loạn vì dịch bệnh. Công ty vẫn trả thưởng tháng 13, vẫn quà cáp… Bên cạnh đó, công ty còn chú ý quan tâm đến gia đình của công nhân nếu có gia cảnh khó khăn", ông Thái nói.

"Là công ty chuyên về thực phẩm, nên chúng tôi thấu hiểu, thưởng - giống như 1 cái lộc, là 1 nguồn động viên vô cùng quý giá trong lúc ngặt nghèo thế này. Mình phải đồng hành cùng họ thì họ mới cống hiến hết mình vì công ty", ông Thái cho biết thêm.

Thưởng tết ở các doanh nghiệp phía Nam ra sao sau “trận ốm” vì dịch Covid-19? - Ảnh 5.

Dù gặp khó khăn vì dịch bệnh, các DN vẫn cố gắng để thưởng tết cho công nhân. Ảnh: DNCC

Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH gỗ VAM furniture (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), cho biết, năm nay do hoạt động của công ty bị ảnh hưởng vì Covid-19, kết quả sản xuất kinh doanh không đạt mục tiêu đề ra nên hoạt động thưởng Tết sẽ tiết giảm, chỉ hướng tới 2 mục tiêu chính: Thứ nhất, là giúp CBNV có thêm nguồn thu nhập chi tiêu dịp Tết; thứ hai, là nhằm giữ chân, thu hút lao động tiếp tục quay trở lại công ty làm việc sau tết.

"Mức thưởng Tết năm nay cho người lao động dự kiến thấp hơn năm ngoái. Mức thưởng bình quân cho mỗi lao động sẽ tương đương với 1 tháng thu nhập bình quân năm, tức là ngân sách thưởng sẽ tương đương quỹ lương 1 tháng.

Ngoài thưởng tết, công ty có thêm chính sách tặng quà cho những lao động có hoàn cảnh khó khăn từ quỹ "Chung 1 tấm lòng" và mua vé xe cho lao động quay trở lại công ty làm việc sau tết", ông Tuấn nói.

Năm ngoái, qua khảo sát 1.035 doanh nghiệp, sử dụng 140.000 lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM công bố mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất là 990 triệu đồng, thuộc về doanh nghiệp FDI trong ngành tài chính ngân hàng. Tiền thưởng bình quân của người lao động dịp Tết dương lịch 2021 là 3,39 triệu đồng.

Đối với Tết Tân Sửu, mức thưởng bình quân mà người lao động nhận được 8,81 triệu đồng. Mức thưởng cao nhất là trên 1 tỷ đồng dành cho một cá nhân làm việc ở doanh nghiệp FDI ngành cơ điện lạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem