Thương tiếc GS.TS Hoàng Tuyết Minh- tác giả giống lúa Japonica, người trọn đời vì nền nông nghiệp Việt Nam

Thế Anh Thứ năm, ngày 13/01/2022 18:05 PM (GMT+7)
76 mùa xuân, GS.TS Hoàng Tuyết Minh đã cống hiến trọn đời mình cho ngành nông nghiệp Việt Nam, sự ra đi bà không chỉ là mất mát lớn đối với người thân, bạn bè, đồng nghiệp mà còn là sự thương tiếc với nền nông nghiệp nước nhà.
Bình luận 0

Ngày 12/1/2022, GS.TS Hoàng Tuyết Minh một nhà khoa học, một nhà giáo trọn đời cống hiến vì ngành nông nghiệp Việt Nam đã rời xa cõi tạm, nhưng tinh thần, ngọn lửa nhiệt huyết của bà đã kịp trao truyền cho những thế hệ mai sau.

Nhắc đến GS.TS Hoàng Tuyết Minh là nhắc đến những công trình, đề tài khoa học quan trọng, ý nghĩa với nền nông nghiệp nước ta. Ít ai biết để có được những đóng góp lớn lao, người phụ nữ này đã không ngừng cố gắng, học tập nghiên cứu không ngừng nghỉ với ý chí, nghị lực kiên cường.

GS. TS. Hoàng Tuyết Minh trọn đời vì ngành nông nghiệp Việt Nam - Ảnh 1.

GS.TS Hoàng Tuyết Minh một nhà khoa học, một nhà giáo trọn đời cống hiến vì ngành nông nghiệp Việt Nam đã rời xa cõi tạm, nhưng tinh thần, ngọn lửa nhiệt huyết của bà đã kịp trao truyền cho những thế hệ mai sau. Ảnh: Gia đình cung cấp

Sinh ra tại miền đất Hà Nam giàu truyền thống lịch sử, cách mạng và hiếu học (Xã Thanh Hương, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam), trong năm 1946 khi đất nước đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn, GS.TS Hoàng Tuyết Minh từ nhỏ đã nuôi ý chí, nghị lực phấn đấu học tập để thành công trong sự nghiệp sau này.

Miệt mài và say mê học tập, sau khi tốt nghiệp phổ thông, bà được cử đi học Đại học tại Vũ Hán, Trung Quốc, sau một năm học ngoại ngữ, do điều kiện khách quan, bà được chuyển về học tại trường Đại học Nông nghiệp I, Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) theo học chuyên ngành Di truyền chọn giống cây trồng.

Năm tháng trên ghế giảng đường, bà nỗ lực, phấn đấu học tập, nghiên cứu và trau dồi tích lũy tri thức cho chặng đường phía trước. Ra trường năm 1970, bà công tác tại Đoàn Chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp (nay là Bộ NNPTNT) với vai trò của một cán bộ chỉ đạo sản xuất. Năm 1973, bà chuyển sang giảng dạy tại trường Đại học Nông nghiệp II (Việt Yên, Hà Bắc).

Vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, bà vẫn không ngừng học hỏi, nghiên cứu nhằm nâng cao kiến thức, kinh nghiệm. Đến năm 1982, với những thành tích nổi bật trong công tác chuyên môn, Nghiên cứu khoa học, bà Hoàng Tuyết Minh được cử đi học ngoại ngữ (tiếng Nga và tiếng Anh) tại trường Đại học ngoại ngữ, Hà Nội, sau một năm bà được  cử đi đào tạo nghiên cứu sinh tại trường Đại học Làm vườn, Budapest, Hungary.

Đến năm 1987, bà đã bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ (bằng tiếng Anh và tiếng Hungary) chuyên ngành Di truyền và chọn giống cây trồng- Tạo giống dưa ưu thế lai. Bà tiếp tục làm thực tập sinh 1 năm sau đó tại Viện Nghiên cứu cây thức ăn gia súc tại TP. Pech, Hungary.

GS. TS. Hoàng Tuyết Minh trọn đời vì ngành nông nghiệp Việt Nam - Ảnh 2.

GS.TS Hoàng Tuyết Minh bên Giống lúa chất lượng cao ĐS-1, vụ Xuân, năm 2006. Ảnh: Gia đình cung cấp

Những năm tháng học tập, nghiên cứu và tích lũy tri thức bên nước bạn xa xôi đã cho bà nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý báu để ngày về đóng góp cho quê hương, đất nước. Năm 1988, trở về nước, GS.TS Hoàng Tuyết Minh nhận công tác tại Viện Di truyền Nông nghiệp, Bộ NN & PTNT.

Tại nơi đây, bà không ngừng phấn đấu cống hiến trong công việc, và đảm nhiệm qua nhiều vai trò, từ Nghiên cứu viên Chính đến Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác Quốc tế. Dù ở bất cứ cương vị nào, bà cũng luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ cấp trên giao phó, được đồng nghiệp nể trọng, lãnh đạo tin tưởng. Từ năm 2002, sau khi nghỉ hưu, bà vẫn tiếp tục làm việc, cống hiến tâm sức tại Hội Giống cây trồng Việt Nam và gắn bó cùng Hội từ đó đến nay.

Bà cũng là tác giả của nhiều giống lúa mang lại hiệu quả cao khi áp dụng vào thực tiễn sản xuất như:  Giống lúa DT 271 (Công nhận giống Quốc gia năm 1999); Giống lúa DT 122 (Công nhận giống Quốc gia năm 2002); Giống lúa Japonica hạt tròn ĐS1 (Công nhận giống Quốc gia năm 2010 tại các tỉnh phía Bắc; được công nhận giống quốc gia năm 2019, tại các tỉnh phía Nam); Giống lúa đặc sản ĐS3-VAAS-16 (Công nhận giống Quốc gia và cấp Bằng Bảo hộ giống mới năm 2016)...

Những giống lúa này hiện đã được ứng dụng  gieo trồng trên hàng chục vạn ha trên phạm vi các tỉnh phía Bắc cũng như trên cả nước. Đồng thời, GS. Hoàng Tuyết Minh còn là tác giả của nhiều bài báo, công trình khoa học được công bố trên các Tạp chí uy tín trong nước và trên thế giới.

Vừa là nhà khoa học tâm huyết, GS.TS Hoàng Tuyết Minh cũng luôn được mọi người nhớ đến với hình ảnh của một nữ nhà giáo nhiệt thành, tận tâm và hết lòng với công tác đào tạo. Đến nay, bà đã tham gia đào tạo nhiều Kỹ sư nông nghiệp, Thạc sĩ, TS chuyên ngành Di truyền và chọn giống.

Nhiều học trò của bà hiện đã thành đạt và đảm đương nhiều vị trí, vai trò quan trọng tại các đơn vị, cơ quan nhà nước và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên khắp cả nước. Ngoài ra, với mong muốn mang kiến thức truyền thụ lại cho thế hệ trí thức kế cận, bà còn tích cực tham gia biên soạn nhiều giáo trình, tài liệu chuyên khảo.

GS. TS. Hoàng Tuyết Minh trọn đời vì ngành nông nghiệp Việt Nam - Ảnh 3.

GS. TS Hoàng Tuyết Minh với nông dân trồng giống lúa Japonica ĐS3 tại Hà Nội, 2016. Ảnh: Gia đình cung cấp

Ghi nhận những đóng góp, cống hiến đáng trân trọng xuyên suốt chặng đường sự nghiệp đã qua của GS.TS Hoàng Tuyết Minh với nền nông nghiệp nước nhà, Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Bộ, ban ngành đã trao tặng bà nhiều danh hiệu, phần thưởng và Bằng khen, Giấy khen cao quý như: Giải thưởng Nhà nước về KHCN, Giải thưởng VIFOTEC của Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam và Bộ Khoa học & Công nghệ; Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng; Huy chương Vì Sự nghiệp Nông nghiệp và  Phát triển Nông thôn; Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Bằng khen của Liên hiệp các Hội KHKT VN; Bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam… Trong năm 2019, bà vinh dự được tôn vinh là Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu và được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ủy viên Ban Kiểm tra của Hội giống cây trồng Việt Nam…

Đảm đương nhiều cương vị như: Ủy viên BCH, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra, Hội giống cây trồng Việt Nam (VSA), Nguyên Bí thư chi bộ, Chủ tịch Hội phụ nữ, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Chủ nhiệm Bộ môn Tế bào Di truyền và lai xa, Viện Di truyền Nông nghiệp, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam,... GS. TS Hoàng Tuyết Minh đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhưng dù ở vị trí nào, người ta vẫn nhớ đến một nhà nghiên cứu, nhà giáo Hoàng Tuyết Minh tận tụy với công việc, nhiệt huyết với khoa học và là người truyền cảm hứng đến những nhà khoa học, kỹ sư trẻ.

CÁO PHÓ

GIA ĐÌNH CHÚNG TÔI VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC BÁO TIN

GS.TS HOÀNG TUYẾT MINH

Sinh ngày: 11/11/1946; Quê quán: Thanh Hương, Thanh Liêm, Hà Nam

Chỗ ở: Số nhà 20, ngõ 283 Đội Cấn, P. Liễu Giai, Q. Ba Đình, TP. Hà Nội.

Đã từ trần vào hồi 11h54 ngày 12/01/2022 (tức ngày 10 tháng 12 năm Tân Sửu).

Hưởng thọ: 76 tuổi

CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ

Lễ viếng: 11h30 -12h30 ngày 14/01/2022 (tức ngày 12 tháng 12 năm Tân Sửu).

Lễ truy điệu và đưa tang: 12h30 cùng ngày 14/01/2022 tại Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 354.

Địa chỉ: Số 13 Đội Nhân, P. Vĩnh Phúc, Q. Ba Đình, TP. Hà Nội.

Lễ hỏa táng: Đài hóa thân hoàn vũ Văn Điển.

An táng: Công viên nghĩa trang Kỳ Sơn – Lạc Hồng Viên ngày 26/01/2022 (tức ngày 24 tháng 12 năm Tân Sửu).

Chồng GS.VS Trần Đình Long cùng con cháu kính báo!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem