Không nên đúc tượng Phật từ tro cốt xáo trộn tại chùa Kỳ Quang 2
Thượng tọa Thích Minh Nghiêm: Đúc tượng Phật từ tro cốt bị xáo trộn là không nên
Thảo Nguyên
Chủ nhật, ngày 06/09/2020 16:30 PM (GMT+7)
Thượng toạ Thích Minh Nghiêm - Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Phú Thọ cho rằng, đúc tượng Phật từ tro cốt thất lạc, xét về khoa học thì không thể đúc tượng được, xét về khía cạnh tôn giáo thì điều này là không nên.
Mấy ngày nay, dư luận đang xôn xao về sự việc xảy ra tại chùa Kỳ Quang 2, khi nhiều hũ tro cốt, di ảnh của người đã mất được để bừa bộn giữa nền nhà, khiến và gia đình có người thân gửi tro cốt trong chùa cảm thấy tổn thương, bức xúc.
Trụ trì chùa Kỳ Quang 2 đã giải thích, do chùa đang xây dựng, sửa chữa, các hũ tro cốt phải thay đổi, di chuyển đi nơi khác nên di ảnh bị rơi ra. Trụ trì chùa Kỳ Quang 2 đã nhận lỗi sai về mình và nhận trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng để xác định ADN hài cốt của các thân nhân. Dự kiến đầu tháng 8 âm lịch, chùa sẽ có thông báo về việc xác định ADN hài cốt.
Theo Thượng tọa Thích Quang Thạnh, đại diện chùa Kỳ Quang 2, ngoài một số hũ tro cốt còn đầy đủ hình ảnh, tên tuổi hương linh, đối với các hũ tro cốt mất thông tin, nếu người thân đồng ý, chùa sẽ trộn các hũ cốt lại với nhau và đúc thành tượng Phật A Di Đà.
Đề xuất giải pháp trộn các hũ cốt lại với nhau và đúc thành tượng phật A Di Đà đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Thượng tọa Thích Minh Nghiêm – Trưởng Ban trị sự kiêm Trưởng Ban tăng sự, Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế - Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Phú Thọ, đồng thời trụ trì tại chùa Giàn – Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội đã chia sẻ với Dân Việt: "Ngoài Bắc chưa có chùa nào để cốt, cũng không có tục lệ gửi cốt vào trong chùa, mà chỉ để di ảnh người đã mất. Chỉ trong Nam mới có tục lệ gửi tro cốt vào chùa.
Đề xuất trộn các hũ cốt lại với nhau và đúc thành tượng Phật A Di Đà, xét về khía cạnh khoa học thì không thể làm được, bởi cốt của người khi được hoả táng tro là canxi, vậy khi đúc sẽ không có độ bám và tan ra ngay. Đúc tượng thông thường phải là các chất liệu như đồng, vàng… thì mới có thể tạo được khuôn.
Còn nếu xét về khía cạnh tôn giáo, Đức Phật tổ và các vị Phật như Đức Phật A Di Đà, Đức Phật Di Lặc, Bồ Tát Quan Thế Âm… đều có đạo hạnh lớn, khi làm tượng Phật thông thường sẽ chọn những chất liệu quý giá để đúc tượng. Vì vậy tôi cho là cần xem xét kỹ và không nên".
Về phía Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Trung ương, Dân Việt đã liên lạc nhưng chưa nhận được phản hồi.
Nhiều người dân cũng có ý kiến không đồng tình với việc trộn các hũ cốt lại với nhau. Có ý kiến cho rằng, trong những hũ tro bị xáo trộn, không xác định được danh tính đó, không phải ai cũng có đạo hạnh tốt, nếu mang trộn lại tạc thành tượng Phật liệu có nên không? Trong khi Đức Phật đều có đạo hạnh lớn, khi làm tượng Phật người ta thường chọn những vật phẩm thanh sạch hoặc quý giá để tạc tượng. Trên thế giới, chưa từng ở đâu lấy tro cốt của người phàm không tu hành để đúc thành tượng Phật.
Có ý kiến khuyên chọn giải pháp nên tổ chức một đại lễ lớn cầu siêu cho những linh hồn gia tiên, dùng nghi thức thủy táng và làm nghi thức an mộ táng cho người thân. Bởi các hũ tro vẫn riêng biệt, chỉ là không có tên, có ảnh nên khó xác định, chứ không phải là những hũ tro đó đã bị vỡ ra làm cho bột tro hài cốt bị lẫn lộn. Hãy tách riêng biệt từng hũ tro đó, chứ không nên trộn lẫn lộn mà tội nghiệp các linh hồn, đừng lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia. Làm như vậy vừa tốt về mặt phong thủy, vừa mát mẻ cho linh hồn gia tiên, không phạm huý đạo Phật mà con cháu cũng hoan hỷ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.