Sau loạt bài chiêu trò "tẩy trắng" sâm nhập lậu: Có doanh nghiệp còn mạo danh có cả vùng trồng sâm

Nhóm PV Thứ ba, ngày 15/08/2023 08:56 AM (GMT+7)
Sau loại bài "Lật tẩy Chiêu trò tẩy trắng sâm Trung Quốc thành quốc bảo sâm Ngọc Linh", người dân và doanh nghiệp trồng sâm kiến nghị cơ quan chức năng cần quyết liệt ngăn chặn sâm Trung Quốc nhập lậu.
Bình luận 0

Người dân và doanh nghiệp trồng sâm nói gì trước nạn sâm lậu?

Kiến nghị xử lý nghiêm sâm Trung Quốc nhập lậu

Như Dân Việt đã thông tin, sâm Ngọc Linh – loại sâm đặc hữu chỉ có ở Quảng Nam và Kon Tum với hàm lượng saponin vượt trội các loại sâm nổi tiếng trên thế giới. Sâm Ngọc Linh đã được coi là quốc bảo của Việt Nam.

Nhưng thời gian qua, trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều giao dịch buôn bán quốc bảo này với mức giá rẻ giật mình. Thật khó tin, khi giá sâm Ngọc Linh chính gốc lên đến hàng trăm triệu đồng/kg, còn trên thị trường trôi nổi, chỉ vài triệu đồng đến hơn chục triệu đồng/kg.

Sau một thời gian dài thâm nhập các đường dây nhập lậu sâm ở biên giới phía Bắc, đến tận vườn sâm Ngọc Linh chính gốc ở Quảng Nam, Kon Tum, nhóm PV Dân Việt đã tường tận cách thức "tẩy trắng" sâm nhập lậu từ Trung Quốc thành loại sâm quốc bảo của Việt Nam.

Chiêu trò "tẩy trắng" sâm Trung Quốc thành sâm Ngọc Linh: Người trồng sâm và doanh nghiệp bức xúc - Ảnh 2.

Người trồng sâm ở Kim Bình (Vân Nam, Trung Quốc) cho biết, phần lớn số lượng sâm trồng trên địa bàn được bán sang Việt Nam.

Thậm chí, loại sâm Lai Châu đang dần có chỗ đứng trên thị trường cũng bị sâm từ Trung Quốc về trà trộn, ảnh hưởng đến nguồn cung sâm thật.

Sau loạt bài của Báo Dân Việt "Lật tẩy Chiêu trò tẩy trắng sâm Trung Quốc thành quốc bảo sâm Ngọc Linh", nhiều người trồng sâm và doanh nghiệp đã bày tỏ ý kiến, gửi đến Báo. 

Bạn đọc Mỹ Hằng bày tỏ bức xúc: "Gia đình tôi có người thân mắc bệnh hiểm nghèo, nghe các bác sĩ tư vấn cần mua sâm để bồi bổ nên tôi đã tìm đặt mua sâm Ngọc Linh với giá 5 triệu/1kg. Giờ đọc loạt bài của Báo Dân Việt nghĩ lại mới ngớ ra là mình đã mua phải sâm Trung Quốc mà không biết".

Chiêu trò "tẩy trắng" sâm Trung Quốc thành sâm Ngọc Linh: Người trồng sâm và doanh nghiệp bức xúc - Ảnh 4.

Sâm ở Kim Bình (Vân Nam, Trung Quốc) chuẩn bị được đóng thùng và chuyển sang Việt Nam.

Còn bạn đọc Anh Khôi cũng chia sẻ: "Có rất nhiều người bị lừa, bởi sâm rởm với sâm Ngọc Linh thật chỉ có người trồng sâm, kinh doanh sâm mới biết rõ chứ có phải ai cũng phát hiện được bằng mắt thường".

Cũng theo bạn đọc Anh Khôi, trước thực trạng sâm Trung Quốc đang bị "tẩy trắng" thành sâm Việt Nam như hiện nay, các cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý nghiêm để ngăn chặn sâm lậu, bảo vệ cho những người nông dân trồng sâm trong nước và bảo vệ thương hiệu sâm Việt Nam.

Cần bảo vệ thương hiệu sâm quốc gia

Ông Ngô Tân Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp hội sâm Lai Châu cho biết: Rõ ràng là tình trạng sâm nhập lậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới những người trồng sâm trong nước. Nếu không ngăn chặn, xử lý triệt để thì sâm Ngọc Linh hay sâm Lai Châu của Việt Nam cũng khó có thể tồn tại và phát triển được.

Còn ông Đoàn Văn Thu – Giám đốc sản xuất kiêm nghiên cứu phát triển sản phẩm, Công ty Cổ phần Vingin chia sẻ: "Sâm Ngọc Linh là loại sâm đặc hữu của vùng núi Ngọc Linh thuộc hai địa bàn ở Quảng Nam và Kon Tum nên sâm cũng được đặt theo tên địa danh của núi Ngọc Linh". 

Cây sâm ở Ngọc Linh quá trình sinh trưởng và phát triển trung bình từ 8 đến 10 năm mới được thu hoạch. Do giá trị về dược chất cũng như giá trị kinh tế rất cao nên không thể tránh khỏi tình trạng sâm rởm, mạo danh sâm Ngọc Linh trục lợi người tiêu dùng.

"Một số đơn vị thậm chí còn mạo danh cả logo, tên đơn vị của chúng tôi để đưa ra các sản phẩm sâm không rõ nguồn gốc bán cho người tiêu dùng. 

Thậm chí, ngay ở địa bàn vùng núi Ngọc Linh, có những đơn vị cũng khai trương rất rầm rộ dự án phát triển sâm Ngọc Linh nhưng khi cơ quan chức năng xác minh thì không hề có vùng trồng như tuyên bố của họ", ông Thu nói.

Chiêu trò "tẩy trắng" sâm Trung Quốc thành sâm Ngọc Linh: Người trồng sâm và doanh nghiệp bức xúc - Ảnh 6.

Hình ảnh cây sâm của một doanh nghiệp Việt Nam được trồng tại Lai Châu. Xét về hình dáng, cây sâm của Trung Quốc không khác gì cây sâm ở Việt Nam.

Cũng theo ông Thu, để hạn chế tình trạng sâm rởm, mạo danh sâm Ngọc Linh, ngoài việc vào cuộc xử lý mạnh mẽ của cơ quan chức năng thì các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, tăng năng suất và sản lượng để hạ giá thành sâm Ngọc Linh, giúp người tiêu dùng dễ tiếp cận hơn với sản phẩm đang được coi là đắt đỏ này.

Ông Thu cũng cho biết, hệ sinh thái của Vingin đã trồng được khoảng 1.000 ha, trên tổng diện tích được giao là 8.000 ha. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công của người trồng sâm vẫn còn rất thấp, trung bình 100 hạt giống gieo xuống, sau 10 năm chỉ đạt được tỉ lệ khoảng 10% cây sâm cho thu hoạch.

Ông Thu cho hay, đang triển khai quy chuẩn của Bộ Y tế đưa ra với cây dược liệu, tiến tới định vị được tọa độ của từng cây sâm và có đủ hồ sơ chăm sóc, thu hoạch, chế biến để giúp người tiêu dùng nhận biết được cả quá trình của cây sâm, tránh mua phải hàng rởm.

Chiêu trò "tẩy trắng" sâm Trung Quốc thành sâm Ngọc Linh: Người trồng sâm và doanh nghiệp bức xúc - Ảnh 7.

Cây sâm Ngọc Linh được trồng trên núi Ngọc Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam).

Trao đổi với Dân Việt, đại diện Sở NNPTNT tỉnh Kon Tum cho biết, từ ngày 22/6/2018, UBND tỉnh Kon Tum có quyết định số 636/QĐ-UBND về Ban hành quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sản phẩm sâm củ của tỉnh Kon Tum. Tuy nhiên, đến hiện tại mới có 2 doanh nghiệp được cấp chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh.

Theo đại diện Sở NNPTNT tỉnh Kon Tum cho biết, lý do là trước đó doanh nghiệp chưa có nhu cầu, hoặc hồ sơ không đảm bảo về pháp lý quyền sử dụng đất. Trong kh đó, phải được cấp đất ở vùng trồng sâm mới có quyền gắn thương hiệu sâm Ngọc Linh.

"Việc chưa được cấp chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh vẫn sử dụng dán nhãn trên các sản phẩm là Sâm Ngọc Linh khi cung ứng ra thị trường là sai. Nếu cơ quan chức năng mà kiểm tra xử lý là hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ", đại diện Sở NNPTNT Kon Tum cho biết.

Cũng theo các cơ quan chức năng của Kon Tum, Quảng Nam, việc chưa cấp được chỉ dẫn địa lý, mã vùng trồng và quản lý truy xuất tận gốc của từng củ sâm Ngọc Linh cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới sâm rởm hoành hành, lừa dối người tiêu dùng.

Chiêu trò "tẩy trắng" sâm Trung Quốc thành sâm Ngọc Linh: Người trồng sâm và doanh nghiệp bức xúc - Ảnh 8.

Những vườn sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam); huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) đều được trồng dưới tán rừng già.

Còn ông Võ Trung Mạnh – Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: "Hiện mới chỉ có một số doanh nghiệp được cấp chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh là còn chậm. Đúng ra, phải tiến tới cấp chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho tất cả những người trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn".

Cũng theo tìm hiểu của Dân Việt, tại Quảng Nam, các doanh nghiệp cũng cho biết do vướng mắc ở một số thủ tục nên chưa có doanh nghiệp nào được cấp chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh nên đã làm hồ sơ xin cấp Nhãn hiệu tập thể Ngọc Linh.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem