Thủy điện Bá Thước 2: Chưa thống nhất phương án đền bù di dân

Thứ hai, ngày 30/07/2012 13:17 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Để nhường đất cho lòng hồ Thủy điện Bá Thước 2, hơn 30 hộ dân ở thôn Chiềng Ai, xã Hạ Trung, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) phải di dời đến khu tái định cư. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa thống nhất phương án đền bù cho dân.
Bình luận 0

Bà Phạm Thị Ngân (71 tuổi), ở thôn Chiềng Ai, ca thán: “Già sống ở đây từ nhỏ đến giờ. Đất đai, nhà cửa của già là do cha, ông để lại. Nay, Nhà nước bảo phải di dời khỏi chỗ này để đến một khu ở mới. Mấy lần tổ chức họp dân, đưa ra phương án này, nọ mà có thấy thống nhất được mô. Con cháu của già cũng không dám xây chuồng lợn, gà chi cả”.

img
Toàn bộ khu dân cư của hơn 30 hộ dân thôn Chiềng Ai phải di dời để nhường đất cho lòng hồ thủy điện

Theo nhiều người dân ở thôn Chiềng Ai, việc cấp đất TĐC cho bà con ở đây thì chính quyền địa phương từ huyện xuống xã đều ủng hộ, tạo mọi điều kiện cho chủ đầu tư. Thế nhưng, vấn đề đặt ra là, dân TĐC sẽ không có đất sản xuất, nếu mực nước lòng hồ dâng cao.

Ông Trương Văn Nam - Bí thư Chi bộ thôn Chiềng Ai cho biết, phương án TĐC của hơn 30 hộ dân trong thôn này đã được nhà đầu tư (Công ty cổ phần Thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa, thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai), chính quyền địa phương tổ chức họp dân rất nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất được.

Theo đó, một số phương án được đưa ra, như: Hỗ trợ mỗi hộ 700m2 để xây dựng nhà ở, nhưng lại không có đất sản xuất, dân tái định cư phải quay về nơi cũ để canh tác trên phần đất của mình. Thế nhưng, khi tính toán, vào thời điểm nước lòng hồ dâng cao, thì đất canh tác của bà con sẽ bị ngập hết. Vì vậy, chủ đầu tư lại có ý tưởng sẽ đổ đất tôn nền mặt ruộng, mặt bãi lên cao cho bà con sản xuất. Nhưng phương án này cũng không thực thi, vì bà con yêu cầu khi tôn nền phải có ít nhất 30-50cm đất màu trên mặt ruộng để sản xuất...

Mới đây, phía chủ đầu tư lại đưa ra phương án hỗ trợ người dân TĐC bằng cách sau khi hỗ trợ người dân làm nhà, có nơi ở mới xong thì chủ đầu tư mua lương thực của bà con với mức (dự toán): Mỗi sào đất sản xuất lúa, họ sẽ trả cho bà con 5 tạ thóc/sào/năm (quy tiền), trong vòng 50 năm. Có nghĩa là, người dân không phải sản xuất mà mỗi năm cứ tính ra 1 sào đất thì được lấy tiền bằng 5 tạ thóc theo giá thị trường.

Về phía công ty, sẽ cam đoan trả cho bà con theo hình thức 3 năm lấy tiền một lần vào tháng đầu của năm đầu tiên. Khi công ty đưa ra phương án này, đa số người dân TĐC đều thống nhất. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa ký được hợp đồng kinh tế giữa hai bên. “Người dân mong muốn công ty giải quyết càng sớm càng tốt, để bà con có nơi ở mới ổn định và yên tâm trong cuộc sống”- ông Nam nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem