Thủy điện Đa Nhim đóng van xả đáy, đề xuất bơm nước từ hạ du để cứu cây ăn quả ở Ninh Thuận

Đức Cường Thứ sáu, ngày 10/05/2024 08:52 AM (GMT+7)
Trong điều kiện đường hầm đang vận hành cấp nước cho các tổ máy thủy điện Đa Nhim để phát điện, van xả hầm phải luôn trong trạng thái đóng kín hoàn toàn để đảm bảo an toàn, ổn định cho hệ thống công trình và thiết bị nhà máy thủy điện Đa Nhim.
Bình luận 0

Đóng van xả đáy để đảm bảo an toàn vận hành thủy điện Đa Nhim

Chiều 9/5, trao đổi với PV Dân Việt, ông Đỗ Minh Lộc, Phó Tổng giám đốc Nhà máy thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi cho biết, đã có văn bản gửi UBND tỉnh Ninh Thuận phúc đáp việc vận hành van xả hầm nhà máy thủy điện Đa Nhim để ứng phó tình hình thiếu hụt nguồn nước tưới cho vùng sản xuất cây ăn quả tại xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn.

Thủy điện Đa Nhim đóng van xả đáy, đề xuất bơm nước từ hạ du để cứu cây ăn quả ở Ninh Thuận- Ảnh 1.

Đại diện nhà máy thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi với việc tại Sở NN&PTNT Ninh Thuận về việc điều tiết nước phòng chống hạn và phục vụ sản xuất vụ Hè - Thu. Ảnh: Đức Cường

Cụ thể, văn bản của Nhà máy thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi cho biết, công trình thủy điện Đa Nhim đã được xây dựng và đưa vào vận hành phát điện từ năm 1964. Trong đó, tuyến đường hầm Đa Nhim dài gần 5km dẫn nước từ hồ chứa Đơn Dương để phát điện 4 tổ máy nhà máy thủy điện Đa Nhim với tổng công suất lắp đặt 160MW thông qua 2 đường ống thủy áp dài hơn 2km.

Van xả hầm tại hầm 3 nhà máy thủy điện Đa Nhim (tên gọi theo văn bản số 1658/UBND-KTTH của UBND tỉnh Ninh Thuận là van thủy nông hầm 3) có chức năng, nhiệm vụ tháo cạn nước đáy hầm sau khi đã dừng hoàn toàn và rút cạn nước trong hầm phục vụ công tác kiểm tra, bảo dưỡng đường hầm.

Trong điều kiện đường hầm đang vận hành cấp nước cho các tổ máy nhà máy thủy điện Đa Nhim để phát điện, van xả hầm phải luôn trong trạng thái đóng kín hoàn toàn để đảm bảo an toàn, ổn định cho hệ thống công trình và thiết bị nhà máy thủy điện Đa Nhim.

Thủy điện Đa Nhim đóng van xả đáy, đề xuất bơm nước từ hạ du để cứu cây ăn quả ở Ninh Thuận- Ảnh 2.

Ông Trần Minh Lộc (ngoài cùng bên trái) tại buổi làm việc với Sở NNPTNT tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Đức Cường

Trước đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có văn bản (số 1658) gửi Công ty Cổ phần thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi; - Nhà máy Thuỷ điện Đa nhim về việc ứng phó tình hình thiếu hụt nguồn nước tưới cho vùng sản xuất cây ăn quả xã Lâm Sơn thuộc huyện Ninh Sơn.

Nội dung văn bản đề nghị Công ty Cổ phần thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, Nhà máy Thuỷ điện Đa nhim có phương án vận hành van thuỷ nông hầm 3 đảm bảo dòng chảy tối thiểu trên sông và nhu cầu dùng nước tối thiểu ở hạ du theo đúng nhiệm vụ, mục tiêu công trình, quy trình vận hành hồ chứa thủy điện nhằm hỗ trợ địa phương có nguồn nước ổn định, đảm bảo tưới cho vùng cây ăn quả Lâm Sơn.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đỗ Minh Lộc cho biết, do không thể mở van xả đáy và đa phần diện tích cây ăn quả nói trên đều nằm cao hơn so với cao trình mực nước hạ lưu của nhà máy thủy điện ở khu vực Đa Nhim.

Do đó cần có giải pháp tổng thể để khảo sát, thiết kế đặt bơm để lấy nước từ các vùng hạ lưu của các nhà máy Đa Nhim Sông Pha để bơm lên cấp cho các vùng này.

Thủy điện Đa Nhim đóng van xả đáy, đề xuất bơm nước từ hạ du để cứu cây ăn quả ở Ninh Thuận- Ảnh 3.

Nhà máy thủy điện Đa Nhim nằm ở xã Lâm Sơn với đường ống lấy nước từ hồ Đơn Dương tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Đức Cường.

Cũng theo ông Lộc, liên quan đến vấn đề trên, phía địa phương cần chủ động khảo sát, sau khi có thiết kế chi tiết thì công ty cũng sẽ hỗ trợ một phần kinh phí có thể để chung tay hỗ trợ chống hạn, cứu các loại cây trồng như người dân phản ánh.

"Về lâu dài thì trong dự án mở rộng nhà máy Đa Nhim giai đoạn 2 sẽ có hạng mục xây dựng hồ điều hòa, nếu hoàn thành hồ này thì sẽ cơ bản giải quyết được vấn đề khô hạn đối với diện  nói trên…", ông Lộc cho hay.

Hàng trăm hecta cây ăn quả nguy cơ chết héo

Trước đó, vào ngày 4/5, Dân Việt có bài phản ánh với nội dung "Thủy điện đóng van xả nước giữa nắng hạn, hàng trăm hecta sầu riêng ở Ninh Thuận có nguy cơ chết héo".

Thủy điện Đa Nhim đóng van xả đáy, đề xuất bơm nước từ hạ du để cứu cây ăn quả ở Ninh Thuận- Ảnh 4.

Anh Thái Đăng Phi ở thôn Lâm Hòa, xã Lâm Sơn bên gốc sầu riêng 6 năm tuổi bị rụng trái chỉ còn trơ cuống vì thiếu nước tưới. Ảnh: Đức Cường

Nội dung bài viết nêu rõ, việc 77 hộ dân ở 3 thôn Lâm Hòa, Lâm Bình, Lâm Phú gửi đơn kiến nghị UBND xã Lâm Sơn về việc trước đây nhà máy thủy điện Đa Nhim có 1 van thủy nông dùng để xả nước định kỳ 1 lần/tuần để tiếp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp ở vùng hạ lưu.

Tuy nhiên, những năm gần đây việc này không còn được duy trì, ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất của nông dân, đặc biệt là trong thời điểm nắng hạn như hiện nay khiến hơn 300ha cây ăn quả trong đó có 100ha cây sầu riêng bị chết héo, rụng trái.

Theo ghi nhận của PV Dân Việt, hiện nay tình trạng thiếu nước tưới do nắng hạn ở các thôn Lâm Hòa, Lâm Bình, Lâm Phú xã Lâm Sơn là hết sức nghiêm trọng.

Thủy điện Đa Nhim đóng van xả đáy, đề xuất bơm nước từ hạ du để cứu cây ăn quả ở Ninh Thuận- Ảnh 5.

Suối Gia Chiêu đã cạn khô, người dân đi bộ dưới lòng suối để tìm nguồn nước tưới cho cây trồng. Ảnh: Đức Cường

Theo ông Nguyễn Duy Khả, Trưởng ban quản lý thôn Lâm Hòa, xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận), trước đây vào đỉnh điểm hạn hán khoảng năm 2015, các hộ dân cũng đã một lần kiến nghị sự việc trên nhưng chưa được giải quyết.

"Chi phí để đầu tư 1ha sầu riêng đang trong giai đoạn cho trái khoảng 70 triệu đồng/vụ, nếu tính từ lúc trồng cây con thì chi phí lên đến vài trăm triệu đồng. Do đó, nếu thời gian gần sắp tới không có nước thì thiệt hại của bà con sẽ là rất lớn, có thể phải bỏ hết trái mới hy vọng giữ được cây…", ông Khả cho hay.

Liên quan đến vấn đề trên, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã có văn bản chỉ đạo Sở Tài chính Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, bố trí nguồn vốn để thực hiện công tác chống hạn, hỗ trợ cho người dân trong vùng hạn hán tại xã Lâm Sơn.

Thủy điện Đa Nhim đóng van xả đáy, đề xuất bơm nước từ hạ du để cứu cây ăn quả ở Ninh Thuận- Ảnh 6.

Vườn sầu riêng trên triền đồi của nông dân ở xã Lâm Sơn đang ngả vàng do thiếu nước tưới. Ảnh: Đức Cường

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem