Chục năm gây dựng, trắng tay trong “chớp mắt”
Cơn lũ đã qua gần một tháng nhưng hậu quả để lại cho người dân Hương Khê vẫn rất nặng nề. Nằm cách thủy điện Hố Hô khoảng 2km về phía hạ lưu, xã Hương Trạch là nơi đón đầu dòng nước xả lũ, vì vậy chỉ trong chớp mắt, vườn bưởi - nguồn thu nhập chính, gia tài của nhiều gia đình trôi theo con nước. Sau trận lũ 14.10, nhiều thôn xóm của Hương Trạch như bãi chiến trường, hàng trăm gốc bưởi gãy đổ ngổn ngang, bỏ lại những hố đất sâu chứa đầy rác rưởi.
Bà Phan Thị Nghĩa ở thôn Phú Lệ xã Hương Trạch xót xa bên vườn bưởi bị cuốn trôi sau một đêm. Ảnh: H.A
Theo báo cáo của Nhà máy Thủy điện Hố Hô với lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh trong chuyến kiểm tra và làm việc với lãnh đạo Nhà máy này ngày 20.5, Thủy điện Hố Hô có công suất 13 MW, dung tích hồ chứa 38 triệu m3. Sản lượng điện năm 2013 đạt 35 triệu kWh, năm 2014 đạt 19,7 triệu kWh. Nộp thuế năm 2013 đạt 1,9 tỷ, năm 2014 đạt 1,6 tỷ đồng.
|
Bà Phan Thị Nghĩa ở thôn Phú Lệ, xã Hương Trạch xót xa: “Vợ chồng tôi năm nay đã trên 70 tuổi rồi, thu nhập chính trông chờ vào vườn bưởi hơn 40 gốc, mỗi năm thu nhập cũng xấp xỉ 80 triệu đồng. Vậy mà vườn bưởi trồng và chăm bón 15 năm nay bị lũ cuốn phăng trong một đêm, ông bà già này coi như sạt nghiệp”.
Cách vườn bưởi của bà Nghĩa không xa là vườn bưởi của gia đình chị Cao Thị Chương - một trong những người chịu thiệt hại nặng nhất khi bị nước lũ nhổ bật gốc, cuốn trôi hơn 100 cây bưởi đang cho thu hoạch. "Khi công trình thủy điện xả lũ đột ngột, nước tràn về với tốc độ khủng khiếp đã vượt bờ kè sông Ngàn Sâu, tràn lên nhổ tung những gốc bưởi 14-15 năm tuổi của gia đình tôi. “Vườn bưởi này nuôi sống gia đình tôi hàng chục năm nay, vì vậy có bao nhiêu vốn liếng gia đình tôi đều đầu tư vào đó, giờ chỉ còn bãi đất trống như thế này, gia đình tôi chẳng biết bấu víu vào đâu".
Ông Phan Xuân Hà - Bí thư chi bộ thôn Phù Lập, xã Hương Trạch cho biết: “Người dân ở đây sống được là nhờ vào cây bưởi, cả thôn có 147 hộ thì 100% trồng bưởi, đợt lũ lần này đã tàn phá khoảng 70% số cây bưởi của người dân. Có cố gắng khắc phục thì 10 năm nữa cũng chưa chắc đã lấy lại được hiệu quả như ban đầu”.
Ông Cao Viết Hòa - Chủ tịch xã Hương Trạch cho biết: “Trận lũ vừa qua khiến 3 thôn trồng bưởi của xã Hương Trạch chịu thiệt hại nặng nhất. Lũ đã quét trôi, bật gốc 30.000 cây bưởi trên diện tích 120ha, ước tính thiệt hại trên 35 tỷ đồng".
Qua tìm hiểu của phóng viên NTNN tại xã Hương Trạch, đa số người dân đều cho rằng địa phương nằm sát chân đập thủy điện Hố Hô, nên khi nhà máy thủy điện xã lũ lớn, dòng nước chảy quá mạnh đã khiến những vườn bưởi bật gốc, gãy tan tành. Ông Nguyễn Hữu Hùng ở xóm Phú Lệ, xã Hương Trạch thẳng thắn nói: “Việc xả lũ của nhà máy thủy điện Hố Hô không tuân thủ quy trình, vì vậy vừa rồi mưa to, thủy điện xả lũ quá lớn cùng với nước từ sông Rào Bội chảy về đã tạo thành lũ quét cuốn phăng cả những gốc bưởi được trồng hàng chục năm. Minh chứng rõ nhất là cách đây 3 năm mưa lớn hơn năm nay, nước dâng cao nhưng xả lũ được kiểm soát nên không thiệt hại lớn như thế này”.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Quang Vinh -Trưởng phòng NNPTNT huyện Hương Khê cho biết: “Trận mưa lũ lớn kéo dài từ ngày 14 đến ngày 16.10 cùng với việc xả lũ của nhà máy thủy điện Hố Hô với lưu lượng “khủng” lên đến 1.800m3/s đã làm ngập 18/22 xã, thị trấn và làm 720ha cây ăn quả bị ngập, hư hỏng, trong đó có đến 400ha bưởi Phúc Trạch và 320 cây cam đặc sản trên địa bàn huyện”.
Phát biểu trong buổi làm việc với đoàn Bộ Công Thương về làm việc và thực địa tình hình xả lũ của Nhà máy thủy điện Hố Hô hôm 17.10, ông Lê Ngọc Huấn - Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho rằng: “Ngày 14.10 là ngày mưa lớn và thuỷ điện xả lũ lớn nhất. Với việc xả lũ như thế, người dân chạy thoát giữ được tính mạng là tốt lắm rồi. Nhiều người còn không kịp sơ tán tài sản, thiệt hại vô cùng lớn cho người dân vùng hạ du".
Các bộ, ngành chỉ ra nhiều sai phạm
Người dân Hương Trạch cho rằng những gốc bưởi đồ sộ này bị trốc rễ, đổ gục do thủy điện Hố Hô xã lũ quá lớn. Ảnh: H.A
Hiện nay xã Hương Liên có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh trên 28,2%. Nguyên nhân nghèo khó cho người dân là xã thuộc vùng sâu vùng xa, nghề phụ không có lại mất đất sản xuất cho nhà máy Hố Hô, nhưng đến nay nhà máy còn nợ tiền đền bù của dân”.
Ông Đinh Văn Sảnh -
Chủ tịch UBND xã Hương Liên
|
Trước những lùm xùm về công tác vận hành xả lũ của nhà máy thủy điện Hố Hô, ngày 18.10, đoàn kiểm tra của Bộ TNMT do ông Châu Trần Vĩnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ TNMT làm Trưởng đoàn đã trực tiếp về kiểm tra tại Nhà máy thủy điện Hố Hô. Sau quá trình làm việc, đoàn đã chỉ ra và tiến hành lập biên bản 5 lỗi vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần thủy điện Hố Hô có địa chỉ tại xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, do ông Vũ Mạnh Hùng-Giám đốc.
Theo đó, công ty không xây dựng kế hoạch điều tiết nước hàng năm của hồ chứa theo quy định, vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều 10 Nghị định 142/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Không thực hiện chế độ thông báo, báo cáo liên quan đến vận hành công trình. Thực hiện không đúng quy định về việc quan trắc, giám sát, tài nguyên nước tại Khoản 4 Điều 2 của giấy phép, vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 5 của Nghị định 142/2013 của Chính phủ.
Công ty cổ phần thủy điện Hố Hô không thực hiện vận hành hồ đảm bảo dòng chảy tối thiểu sau công trình theo quy định tại khoảng 2 Điều 2 của giấy phép khai thác, sử dựng nước mặt ban hành tại Quyết định số 2501/GP-BTNMT cấp ngày 28.12.2012, vi phạm Khoản 4, Điều 7 Nghị định 142/2013/NĐ-CP. Không thực hiện chế độ báo cáo về kết quả khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước ngày 15.12 hàng năm theo quy định tại Khoản 4 Điều 2 của giấy phép vi phạm quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 7 của Nghị định 142/2013 của Chính phủ.
Ngày 1.11, Bộ Công Thương đã hoàn chỉnh Báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ về việc xả lũ thủy điện Hố Hô vừa qua làm tác động thêm việc ngập lụt ở hạ du. Theo đó, Bộ Công Thương chỉ rõ trách nhiệm của Công ty cổ phần Thủy điện Hồ Bốn (chủ đầu tư thủy điện Hố Hô) chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định tại quy trình vận hành hồ chứa về trách nhiệm thông tin, báo cáo; thông báo gửi đến các cơ quan liên quan chưa đầy đủ nội dung, chưa phù hợp với tình huống vận hành công trình. Đồng thời, việc kiểm tra các hạng mục công trình trước mùa mưa lũ chưa chi tiết và khả thi; chưa đánh giá được các tình huống mất an toàn có thể xảy ra trong mùa mưa bão (như sạt vai đập, sạt lở đường vận hành vào nhà máy phương tiện cơ giới không vào được, hư hỏng đường lên đập).
Ngày 2.11, làm việc với phóng viên NTNN về việc các bộ, ngành chỉ ra nhiều sai phạm của nhà máy, ông Nguyễn Văn Thông- Phó Giám đốc nhà máy thủy điện Hố Hô thừa nhận: “Các lỗi mà Bộ Công Thương chỉ ra là hoàn toàn chính xác, công ty sẽ khắc phục trong năm 2016 này”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.