Thủy điện siêu nhỏ gây hậu quả... siêu lớn

Đình Thắng Thứ bảy, ngày 29/07/2017 18:45 PM (GMT+7)
Giáo sư Vũ Trọng Hồng – nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam đã chia sẻ với NTNN xung quanh đề xuất xây dựng 4 nhà máy thủy điện nhỏ ở Quảng Nam.
Bình luận 0

Đới đứt gãy hoạt động

Tỉnh Quảng Nam quyết định làm thêm 4 thủy điện siêu nhỏ, dù tỉnh này đã có hơn 30 thủy điện, ông nghĩ sao về quyết định này?

img

Thủy điện Sông Tranh 2 tích nước được cho là có tác động đến đới đứt gãy trong khu vực. Ảnh: I.T

img

Nếu chúng ta vẫn muốn sử dụng thủy điện nhỏ hãy học tập kinh nghiệm của Nhật Bản. Nước này không làm đập lớn, không xây hồ, ngập rừng, không chặt gỗ… Còn ở chúng ta thì một thủy điện nhỏ làm tan nát cả dòng sông.

Giáo sư Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, Chủ tịch Hội thủy lợi VN

- Nếu làm ở những khu vực khác ở Quảng Nam thì không sao, tuy nhiên 4 thủy điện này lại nằm gần huyện Bắc Trà My, nơi đã có thủy điện sông Tranh 2. Ở đây có đứt gãy nên Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khi được hỏi ý kiến đã kịch liệt phản đối. Các nhà khoa học đều phản đối việc xây dựng thêm 4 thủy điện nhỏ ở huyện Nam Trà My. Họ cho rằng khu vực này có 2 đới đứt gãy địa chất đang hoạt động là Rào Quán - A Lưới và Trà My - Trà Bồng, liên thông với vùng lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2. Hầu hết động đất nơi đây là động đất kích thích liên quan đến hồ chứa với cường độ tối đa 4,7 độ richter.

Điều này liên quan đến tích nước trong lòng hồ thủy điện sông Tranh 2. Việc tích nước lòng hồ với tải trọng nước lớn sẽ làm gia tăng trường ứng suất của đất đá trong khu vực hồ chứa. Hiện tượng thẩm thấu nước xuống độ sâu làm thay đổi ứng suất lỗ rỗng, giảm ma sát các mặt trượt gây ra hiện tượng động đất kích thích khiến đất đá trong hồ bung lên, động đất chỉ vài giây nhưng đất đá bung lên hết, bờ hồ sạt, gây nguy hiểm cho người dân sống ở khu vực này.

Rõ ràng thời gian qua ở khu vực này đã xảy ra nhiều trận động đất kích thích, các trận động đất xảy ra liên tục. Chính vì sự bất ổn của khu vực trên, nên Chính phủ đã không đồng ý cho hồ thủy điện Sông Tranh 2 tích nước đúng như thiết kế là 100m, chỉ cho phép hồ tích nước đến ngưỡng 70-80m. Bây giờ ở khu vực này tỉnh Quảng Nam lại đề xuất xây dựng thêm 4 thủy điện nhỏ nữa thì việc tích nước của các thủy điện này sẽ lại gây ra áp lực lớn hơn cho các đới đứt gãy địa chất đang hoạt động, khiến động đất xảy ra, gây ra hậu quả nguy hiểm khôn lường cho đời sống người dân.

Vì vậy không một nhà khoa học nào đồng tình khi được hỏi ý kiến về việc xây thêm 4 nhà máy thủy điện nhỏ tại khu vực này, các nhà khoa học trong đó có tôi đều kịch liệt phản đối. Không chỉ có nhà khoa học trong nước, các nhà khoa học và giới chuyên gia nước ngoài sau khi khảo sát ở khu vực huyện Bắc và Nam Trà My cũng đã đưa ra cảnh báo như thế, họ khẳng định tại khu vực này có đới đứt gãy đang hoạt động, vì vậy không nên làm hồ chứa thủy điện.

UBND tỉnh Quảng Nam nói xây thủy điện không bị ảnh hưởng rừng, điều này có cơ sở không thưa ông?

- Việc xây dựng thủy điện luôn ảnh hưởng đến rừng, không nhiều thì ít. Thực tế ở Quảng Nam, nhất là hai huyện Bắc và Nam Trà My trong những năm qua việc xây dựng thủy điện và các hạ tầng đi kèm đã khiến rừng ở cả thượng nguồn và hạ nguồn đều hết sạch. Chính vì vậy lệnh đóng cửa rừng tự nhiên mà Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành là sáng suốt.

Hệ lụy xấu từ thủy điện siêu nhỏ

Tỉnh Quảng Nam chủ trương xây 4 thủy điện nhưng đến nay người dân ở 4 nơi đó không được công khai thông tin. Quy trình như vậy có đúng không thưa ông?

- Như thế là chưa đúng quy trình, nếu vùng xây dựng thủy điện có đới đứt gãy, gây ra động đất kích thích thì phải thông báo cho dân được biết. Trước khi làm hồ chứa cũng phải thông báo cho người dân nắm được tình hình. Trước khi triển khai làm, công việc đầu tiên là phải lắp đặt các trạm đo địa chấn; thứ hai, phải thông báo cho người dân việc sẽ có khả năng xảy ra động đất; thứ ba, tỉnh Quảng Nam phải lập khu di dân tái định cư, khu di dân nên cách hồ chứa vài km, không thì nổ đất, động đất sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của người dân; thứ tư, Quảng Nam phải liên hệ với cơ quan T.Ư, như với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) để họ xem đánh giá về tai biến địa chất mức độ thế nào, họ sẽ tư vấn nên di dân cách xa khu làm thủy điện bao nhiêu cho an toàn.

Vậy xét về hiệu quả kinh tế với các thủy điện nhỏ, có thực sự hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích?

- Quốc hội và các bộ, ngành đã có nhiều đánh giá và đã có chính sách hạn chế, loại bỏ dừng hàng trăm thủy điện nhỏ dưới 30 MW vì gây ra rất nhiều hệ lụy xấu về môi trường, dân cư mà đóng góp không được bao nhiêu cho lưới điện. Thủy điện nhỏ không đóng góp gì cho điện năng Nhà nước. Bên cạnh đó việc sử dụng nước của thủy điện nhỏ hoàn toàn ngược mùa với sản xuất. Khi mùa cạn người ta cần nước phục vụ sản xuất thì anh tích nước để phục vụ phát điện, lúc mùa lũ đến thì anh lại xả lũ.  

Quy trình tích nước và xả nước của thủy điện hoàn toàn ngược với thủy lợi. Thủy điện là quy trình điều tiết ngày, trong ngày chỉ mở 2-3 lần thôi, còn lại phải tích nước đủ để phát điện. Bản thân người dân hạ du sẽ lấy nước ở đâu để phục vụ cuộc sống? Hạ du không cần thủy điện nhỏ làm gì.

Trên thế giới hiện nay nhiều nước tiến bộ như nước Mỹ đã loại bỏ sạch sẽ thủy điện nhỏ, họ đang tiến tới tục tục loại bỏ triệt để thủy điện vừa, thay vào đó là sử dụng năng lượng sạch như năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Do đó, tôi cho rằng cần thiết phải xem xét lại việc có nền để tồn tại thủy điện nhỏ nữa không, nếu để tồn tại thì trong bao lâu và xây dựng nó như thế nào cho hợp lý, không tác động môi trường, không ảnh hưởng đến rừng, sử dụng nước thủy điện, thủy lợi hài hòa lợi ích, không ảnh hưởng đến an nguy của người dân.

Việt Nam được đánh giá đã cạn kiệt tiềm năng làm thủy điện, vậy đâu là nguồn điện cần phát triển. Riêng với tỉnh Quảng Nam có nên tiếp tục làm thủy điện nữa không hay đi theo hướng khác?

- Phải khẳng định rõ rằng nguồn điện về thủy điện ở Việt Nam đã khai thác hết. Những nơi có thể xây dựng thủy điện lớn đều đã được xây dựng, những thủy điện nhỏ đóng góp không đáng kể cho lượng điện nhưng lại gây ra hậu quả khan hiếm nước cho người dân khu vực. Còn các dự án nhiệt điện than phải đối mặt với áp lực về môi trường nên việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng mặt trời, năng lượng giớ đang là hướng đi mới tại Việt Nam.

Theo Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, nước ta là một trong những quốc gia có ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong biểu đồ bức xạ mặt trời thế giới. Tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, số giờ nắng đạt từ 2.000 - 2.600 giờ/năm. Bức xạ mặt trời trung bình 150 kcal/m2, chiếm khoảng 2.000-5.000 giờ/năm. Vì vậy Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để khai thác năng lượng mặt trời.

Còn riêng ở Quảng Nam theo tôi không nên phát triển thủy điện nữa, năng lượng từ thủy điện nên để cho các tỉnh miền Bắc như Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu làm, năng lượng sạch các tỉnh miền Nam đang phát triển. Còn các tỉnh miền Trung nói chung và Quảng Nam không cần làm thủy điện.

Xin cảm ơn ông! 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem