Ngày 7.6, tại TP.Đà Nẵng, Bộ Công thương đã tổ chức Hội nghị về quản lý, vận hành Đập thủy điện và Phòng chống thiên tai.
Thông tin tại hội nghị này cho biết, năm 2017 đã có 16 cơn bão và nhiều cơn áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông gây lũ lịch sử tại một số con sông ở các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế.
Cũng trong năm 2017, lần đầu tiên, Hồ Hòa Bình phải xả lũ khẩn cấp 8 cửa xả đáy, nhiều đợt lũ khốc liệt gây thiệt hại nặng nề đối với tài sản và tính mạng của nhân dân, trong đó ngành Công Thương chịu ảnh hưởng trực tiếp của 4 cơn bão và 3 đợt mưa lũ lớn.
Theo Bộ Công thương, mưa lũ năm 2017 đã gây thiệt hại cho ngành Công thương tổng giá trị thiệt hại ước khoảng 596,8 tỷ đồng. Trong đó riêng Tập đoàn Điện lực Việt Nam thiệt hại tới 488 tỷ đồng, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam 8,8 tỷ đồng...
Thủy điện vẫn sẽ là nguồn năng lượng chính của quốc gia. Ảnh: Đình Thiên
Được biết, đến tháng 5.2018, cả nước có 385 nhà máy thủy điện đang vận hành, các hồ đập thủy điện có tổng dung tích khoảng 56 tỷ m3 nước, chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa trên cả nước. Về sản xuất điện, hàng năm các công trình thủy điện phát lên hệ thống điện khoảng 40% tổng sản lượng điện, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh năng lượng.
Bộ Công thương cũng thông tin thêm, theo quy hoạch điều chỉnh, đến năm 2020, tổng công suất các nguồn thủy điện sẽ đạt khoảng 21.600MW, khoảng 24.600MW vào năm 2025 và 27.800MW vào năm 2030. Như vậy, hiện tại và tương lai gần, thủy điện vẫn là 1 trong 3 nguồn năng lượng chính đáp ứng nhu cầu điện quốc gia.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.