Theo đó, trong 3 mẫu được chuyển đến trung tâm này có 17 chỉ tiêu cơ bản trong nước biển và 2 chỉ tiêu về thuốc bảo vệ thực vật đều nằm trong quy chuẩn cho phép. Riêng chỉ tiêu chất hoạt động bề mặt (là chỉ tiêu không nằm trong quy chuẩn 10-MT:2015/BTNMT) có dấu hiệu cao hơn bình thường.
Ngoài ra, 7 mẫu nước lấy đi xét nghiệm tại phòng thí nghiệm của Trung tâm Quan trắc thuộc Sở TNMT trường cho ra các thông số theo quy chuẩn nước biển ven bờ, nằm trong quy chuẩn cho phép.
Các hộ dân nuôi nghêu chịu thiệt hại nặng nề. Ảnh: Thốt Nốt
Riêng các chỉ tiêu về NH4+ và Coliform tại điểm giữa kênh Tam Bản gần cống xả của khu nuôi tôm Trung Sơn vượt so quy chuẩn môi trường từ 3,6 lần đến 11 lần. Tuy nhiên, hiện Sở này đang chờ kết quả phân tích chỉ tiêu phiêu sinh thực vật và kết quả chạy sắc ký khí để xác định nguồn gốc của chất hoạt động bề mặt.
Cũng theo Sở TNMT, đơn vị này cũng đang phối hợp với các ngành chức năng để điều tra làm rõ nguồn độc tố gây chết hải sản hàng loạt tại vùng biển thuộc các xã Dương Hòa, thị trấn Ba Hòn (huyện Kiên Lương) và xã Thuận Yên, phường Tô Châu (thị xã Hà Tiên).
Trong khi đó, lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, đơn vị này cũng đã phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 4 thu các mẫu trầm tích và mẫu hải sản chết, mẫu nước biển. Dự kiến đến ngày 15.5 sẽ có kết quả phân tích. Ngay khi có kết quả phân tích mẫu, đơn vị này sẽ phối hợp với Sở TNMT có cuộc họp trao đổi để tìm ra nguyên nhân của hiện tượng hải sản chết hàng loạt.
Như Dân Việt đã thông tin, trước đó vào ngày 8.5, người dân ở các xã Dương Hòa và Thuận Yên phản ánh về việc hải sản chết bất thường trôi dạt vào bờ với số lượng lớn.
Hiện các ngành chức năng vẫn chưa thể thống kê được số lượng các loại hải sản tự nhiên đã chết nhưng đã có 2 hợp tác xã và một số hộ dân nuôi nghêu bị thiệt hại gần 300 tấn, trên tổng diện tích 558ha. Ngoài ra, có 8 hộ nuôi cá lồng bè (cá bóp, cá mú và cá chẽm) cũng chịu ảnh hưởng khoảng 14.000 con có trọng lượng từ 0,35-7 kg/con.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.