“Thuyền bộ đội”

Thứ sáu, ngày 03/02/2017 06:50 AM (GMT+7)
Khi chia tay, anh Dũng thổ lộ với tôi, rằng rất muốn được xem xét cho vay vốn để nâng cấp “thuyền bộ đội” đủ sức vươn ra khơi xa, đến tận ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Thêm một dặm biển là thêm một dặm được gần đồng đội hơn. Nghe anh nói, trong tôi hiện lên một hình ảnh rất thực, rất hào sảng, đó là một ngày nắng đẹp, trên con thuyền đánh cá hướng về Trường Sa, dưới bóng cờ Tổ quốc, có bốn người lính-ngư dân ngồi ôm đàn ghi ta và hát: “Chúng tôi là lính đảo Trường Sa…”.
Bình luận 0

Họ sẽ cùng những đồng đội “ở ngoài kia không về được” tiếp tục thực hiện sứ mệnh canh giữ biển trời Tổ quốc.Họ sẽ cùng những đồng đội “ở ngoài kia không về được” tiếp tục thực hiện sứ mệnh canh giữ biển trời Tổ quốc.​

​​img

Từ trái qua: Các anh Võ Đức Nam, Hoàng Phát, Trần Quang Dũng, Nguyễn Công Vinh 

Họ đã từng là những người lính, hiến dâng tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ giang sơn gấm vóc. Gần 30 năm trước, trung tuần tháng 3/1988, họ bước lên những con tàu HQ404, HQ614 trong chiến dịch CQ88 lịch sử vượt sóng gió trùng khơi ra vùng biển Trường Sa, cắm lá cờ Tổ quốc lên bãi đá Gạc Ma để khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Và máu đã đổ. Và nước mắt đã rơi. Họ may mắn được trở về với gia đình nhưng rất nhiều đồng đội của họ đã vĩnh viễn nằm lại với Trường Sa, tiếp tục canh giữ biển trời Tổ quốc.

 Trở về với quê hương, những đứa con làng biển ấy tiếp tục lênh đênh trên những con tàu đánh cá vừa để kiếm miếng cơm manh áo nuôi vợ nuôi con, vừa làm những cột mốc sống khẳng định chủ quyền Tổ quốc trên biển.

 Những người chúng tôi muốn nói đến là những cựu chiến binh Trường Sa: anh Trần Quang Dũng, thôn Xuân Ngọc; anh Hoàng Phát, thôn Xuân Lộc; anh Võ Đức Nam, thôn Xuân Ngọc và anh Nguyễn Công Vinh, thôn Tân Xuân. Tất cả đều ở xã Gio Việt, huyện Gio Linh. (Năm 1988, anh Vinh thuộc Trung đoàn 83, Quân chủng Hải quân. Thuyền của anh Vinh xuất phát sau 1 ngày, ra thực hiện nhiệm vụ ở đảo Cô Lin). Và con thuyền 52CV giúp họ cùng nhau vươn khơi bám biển bao nhiêu năm nay được bà con trìu mến gọi là “thuyền bộ đội”. Trong câu chuyện cà kê vào một chiều biển động, tôi buột miệng nhắc đến hai chữ thành tích, cả bốn anh đều xua tay, nói nhẹ tênh: “Bao nhiêu đồng đội của chúng tôi đang nằm lại dưới lòng biển lạnh hay đâu đó trên các cánh rừng, còn chúng tôi may mắn được trở về với vợ con, sống trong cảnh thanh bình, nói gì đến thành tích. Chỉ mong sóng yên biển lặng, ngày ngày được tiếp tục vươn khơi bám biển cho thỏa niềm mong ước và nuôi dạy con cái nên người đã là một niềm hạnh phúc”. Nhớ lúc về thôn Xuân Ngọc, tôi đã hỏi rất cặn kẽ: “Anh Trần Quang Dũng, sinh năm 1966, từng là lính Hải quân tham gia chiến đấu ở Trường Sa, giờ về đánh cá có con thuyền 52CV”, vậy mà nhiều người bóp trán nghĩ không ra. 

Loay hoay mãi, đến khi buột miệng hỏi con thuyền đánh cá của các cựu chiến binh Trường Sa thì bà cụ ở cách nhà anh một quãng ngắn cười rổn rảng: “À, thuyền bộ đội, thuyền chú Bê, nhà chú Bê ở ngay sau lưng chú đó”. Tôi đem chuyện này kể lại với anh Dũng, anh cười: “Ở đây bà con chỉ quen gọi tên cúng cơm của tôi thôi, cái tên Trần Quang Dũng chủ yếu dùng trên… giấy tờ. Nhưng anh hỏi thuyền bộ đội thì từ người già đến trẻ con đều biết. Đó cũng là một niềm vui nho nhỏ”. 

img

Chuẩn bị ngư lưới cụ cho chuyến ra khơi

 Chúng tôi ra thăm “thuyền bộ đội”. Những ngày này, thời tiết diễn biến thất thường, mưa gió dầm dề nên con thuyền phải nằm bờ. Nhưng mỗi ngày họ vẫn ra thuyền, sắp xếp ngư lưới cụ, sửa sang lại con thuyền hay có khi chỉ để ngồi chuyện vãn ngắm trời ngắm biển. Và luôn luôn trên đuôi thuyền, lá cờ Tổ quốc ngạo nghễ tung bay, mặc gió, mặc mưa.

 Anh Phát trầm ngâm: “Không chỉ vì kế sinh nhai, vì bảo vệ chủ quyền mà mỗi lần được ra biển chúng tôi lại thấy mình được gần đồng đội hơn. Dù chỉ để nướng một con cá tươi ngon vừa đánh bắt được, rót một chén rượu nhỏ dâng xuống biển mời đồng đội, cũng thấy ấm lòng. Nên chi những ngày mưa gió bão bùng như thế này ai cũng thấy lòng day dứt không yên”. Con thuyền này được anh Dũng đóng năm 2011 với công suất 52CV trị giá khoảng 100 triệu đồng, rồi gọi những đồng đội cũ cùng đi. 

Cùng là lính Trường Sa, đã từng có những năm tháng ăn sóng nằm gió với nhau nên họ coi nhau như anh em một nhà, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi. Nói như anh Nam thì “tuy danh nghĩa là chủ thuyền với người làm công nhưng anh em chúng tôi có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia. Biển giã mà, có chuyến bội thu, cũng có chuyến trắng tay nhưng không bao giờ có chuyện tính toán thiệt hơn”. 

 Thuyền nhỏ, chỉ đánh bắt được gần bờ và ra ngư trường quanh đảo Cồn Cỏ; mỗi chuyến ra biển khoảng 3 - 4 ngày, bình thường thu nhập khoảng từ 15 - 20 triệu đồng. Số tiền này sau khi trừ các khoản chi phí, xăng dầu, anh Dũng nhận 50%, 3 người còn lại nhận 50%. Về tỉ lệ 50 - 50 này, anh Nam giải thích sở dĩ anh Dũng nhận 50% vì còn khoản chi phí trả nợ ngân hàng, khấu hao con thuyền và mua sắm thêm ngư lưới cụ… 

Tuy nhiên cũng có những chuyến biển không may mắn, sau khi trừ các khoản chi phí thì lỗ, phần chi phí bị thiếu hụt đó được “khoanh” lại, chuyến sau sẽ bù cho phần thiếu đó, xong mọi người mới chia nhau. Đặc biệt, có những chuyến mà có người vì đau ốm hay bận việc gia đình không thể cùng đồng đội ra biển được, mọi người vẫn thống nhất với nhau chia phần cho người ở nhà bằng một nửa phần của người ra khơi. Đó cũng là chút tình của những người lính vậy. Có một chi tiết thú vị mà khi ngồi trên mui thuyền châm những điếu thuốc lá rồi thả xuống biển để “mời đồng đội”, anh Vinh kể với tôi là dù thu nhập từ nghề biển chỉ đủ đắp đổi qua ngày nhưng các anh vẫn thống nhất mỗi tháng mỗi người đóng góp 100 nghìn đồng để làm quỹ. Số tiền này ngoài dùng để thăm hỏi nhau những lúc hiếu hỉ, ốm đau thì hàng năm, vào ngày giỗ chung của đồng đội 26/1 âm lịch, các anh sắm sửa giấy áo, hương hoa, làm một mâm cơm rồi lên thuyền ra cửa lạch, hướng về biển xa bái vọng đồng đội. Hôm đó cũng là ngày xuất hành đầu năm của “thuyền bộ đội”. 

Gặp hôm trời mưa gió, lễ cúng đồng đội sẽ được tiến hành ở nhà. Sau lễ cúng, cả bốn gia đình ngồi quây quần bên nhau, cùng ôn lại chuyện xưa và chúc nhau một năm mới vẹn toàn. Và “luôn luôn trong mâm cơm sum vầy ấy, có hai thứ không thể thiếu, thứ nhất là một cái bát, một chén rượu, một chỗ ngồi để trống cho những đồng đội ở ngoài kia không về được; thứ hai là…”, anh Dũng bỏ dỡ câu nói và bắt nhịp: “Chúng tôi là lính đảo Trường Sa…”. 

Cả bốn người lính cùng vỗ tay và hát: “Chúng tôi là lính đảo Trường Sa/ Đảo chúng tôi là đảo Song Tử Tây/ Như cây phong ba đứng trên đảo xa, bão táp mưa sa vẫn nguyên màu xanh… Chúng tôi là lính đảo Trường Sa, và trái tim luôn thiết tha yêu đời”.

 Trong một buổi chiều mưa gió tơi bời bên bờ biển, tiếng ca hào sảng của họ hòa trong tiếng gió, trong những con sóng bạc đầu vang xa đến ngàn khơi xa…

Nguyễn Thế Chung (Báo Quảng Tri)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem