Thuyền trưởng tàu Sunrise 689 kể về những ký ức kinh hoàng khi bị cướp biển bắt

Trường Giang (Dòng đời) Thứ bảy, ngày 18/10/2014 15:00 PM (GMT+7)
Với 4 năm theo nghề đi biển, thuyền trưởng Nguyễn Quyết Thắng (SN 1981, tại phường Anh Dũng, Dương Kinh, TP. Hải Phòng) đã chu du khắp 5 châu, 4 biển. Chàng trai đất Cảng 2 lần bị cướp biển tấn công, bắt giữ, nhưng cả 2 lần may mắn anh đều lành lặn thoát về.
Bình luận 0
Sau 6 ngày biệt tăm biệt tích, người dân cả nước, đặc biệt là người thân gia đình 18 thủy thủ như vỡ òa khi biết tin bọn cướp biển đã phải thả tàu, thả các anh về với quê hương, gia đình. Trong từng cung bậc niềm vui của các gia đình thủy thủ đều có thuyền trưởng Nguyễn Quyết Thắng. Anh được nhắc đến như vị tuyền trưởng khắc tinh với cướp biển.

“Sóng cả” vẫn vững tay chèo

Ngay khi về đến hải phận  của ta, thuyền trưởng Thắng đã dùng chiếc điện thoại duy nhất trên tàu - điện thoại do anh Thắng nhanh trí ném vào chỗ kín ngay khi hải tặc đột nhập lên tàu tấn công, khống chế toàn bộ thủy thủ - để liên lạc với đất liền, tường thuật lại cuộc trạm chán giữa 18 thành viên trên tàu Sunrise 689 với nhóm hải tặc Indonesia.

Thuyền trưởng Thắng kể: Lúc 1 giờ 30 phút ngày 2.10, tàu Sunrise 689 tiếp nhận hàng tại cảng Horizon, Singapore. Đến 15 giờ hoa tiêu lên tàu chuẩn bị cho việc rời bến nhưng do trục trặc về hàng hóa, 1 giờ sau cơ quan chức năng nước này mới ký bưu tàu cho tàu chạy.

18 giờ 47 phút, tàu ra đến khu vực phao số 0 (tức hải phận quốc tế), hải trình hướng về bến phao xăng dầu Hưng Phát (Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị, Việt Nam) trả hàng.

Sau khi rời cảng Horizon khoảng 8 tiếng (theo giờ Việt Nam gần 3 giờ sáng ngày 3.10), bất ngờ tàu bị cướp biển tấn công. Bọn chúng có khoảng hơn chục tên đi trên hai tàu cá và một ca nô có trang bị súng ngắn và dao.

Vì mạn nước rất thấp nên bọn cuớp nhảy lên tàu rất dễ dàng và sử dụng súng, dao, kiếm tấn công, khống chế toàn bộ thuyền viên, kiểm soát tàu. Trong lúc tấn công tàu, thủy thủ Trần Văn Lịch vừa giao nhận ca, bước ra cửa ca-bin để cảnh giới thì bị tên cướp ập đến, dí súng vào đầu. Hoảng sợ, thủy thủ Lịch bỏ chạy vào bên trong liền bị chúng đạp ngã lộn sai khớp cổ chân. Một số thuyền viên khác đang có mặt trong ca-bin chưa kịp phản ứng đã bị chúng chĩa súng, kề dao, kiếm vào cổ, bắt đứng im và làm theo những gì chúng sai khiến. Máy trưởng Lương Đại Thành chống lệnh bị chúng đánh gãy xương ngón chân, dập bánh chè đầu gối trái.

Tất cả anh em thuyền viên bị chúng nhốt vào phòng thuyền trưởng rồi khóa cửa lại, cử người canh gác. Sau đó, người của toán cướp tự lái tàu đi. Chúng tắt hoặc phá hỏng các thiết bị an ninh, thu phát tín hiệu. Điện thoại di động của thủy thủ trên tàu cũng bị chúng lục soát, lấy hết.

img
Thuyền trưởng Nguyễn Quyết Thắng làm việc với Cảnh sát biển.

Ngày đầu tiên, sau khi bị khống chế, toán cướp bỏ đói, không cho anh em thủ thủ tàu Sunrise 689 ăn gì. Từ ngày thứ hai, mỗi ngày chúng cho anh em ăn một bữa, hoặc cho anh em thủy thủ ăn mì gói ngay trong phòng.

Để thực hiện mưu đồ cướp hàng hóa, bọn chúng lái tàu đi lòng vòng trong vùng biển Malaysia 4 ngày, sau đó đưa một tàu chuyên dụng cặp mạn, hút dầu sang. Khi chiếc tàu thứ 2 cặp mạn để tiếp tục hút dầu, thuyền trưởng Thắng và mọi người trả lời máy bị hỏng, anh em thủy thủ cũng mệt lắm rồi không làm gì được. “Tàu cảnh sát biển và lực lượng chống cướp biển trong khu vực đang quần thảo mạnh, các anh không chạy thế nào cũng bị bắt giữ”, thuyền trưởng Thắng mưu trí đe dọa bọn cướp biển.

Sau nhiều ngày đấu trí với bọn cướp biển, bọn cướp biển biết rằng  không thể tiếp tục thực hiện hành vi của mình vì có quá nhiều lực lượng chức năng trên biển đang tìm kiếm. Vì thế, hơn 2 giờ ngày 28.9, nhóm cướp bất ngờ xuống một tàu gỗ giống như tàu cá, cắm 2 lá cờ (1 cờ Malaysia và 1 cờ Việt Nam) rồi biến mất. 

Khi bọn cướp biển vừa dời đi, dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Thắng, con tàu hướng về Việt Nam theo chỉ dẫn của chiếc la bàn duy nhất được nhóm cướp vứt lại.

May mắn thoát khỏi vòng tay của cướp biển, nhưng khó khăn chưa hết bởi con tàu hướng về nước bằng la bàn không có tọa độ và thiết bị hàng hải. Đồ ăn trên tàu bị cạn kiệt do hành trình bị kéo dài hơn dự kiến, lại phải nuôi thêm cả nhóm cướp biển.

Lênh đênh trên biển, cuối cùng tàu Sunrise bắt gặp một tàu cá Việt Nam đang hành nghề trên vùng biển Việt Nam, lúc đó mọi người mới biết mình sống sót. Nhờ phương tiện trên tàu, các thuyền viên phát tín hiệu về đất liền. Đến 14 giờ chiều ngày 9.10, tàu đã được lực lượng CSB Việt Nam tìm thấy, lai dắt về Vũng Tàu.

 

Thở phào khi tất cả mọi việc đã an bài, thuyền trưởng Thắng tâm sự: “Trong số 17 thuyền viên, rất nhiều người mới ra trường hoặc mới đi làm chưa được bao lâu. Vì vây, khi bị cướp bắt giữ, anh em rất lo lắng. Nhưng tôi đã từng bị cướp biển Somali bắt cách đây 3 năm và bị giữ suốt 8 tháng trời mới được thả, nên phần nào thấu hiểu, liên tục động viên anh em bình tĩnh, không la ó, manh động kẻo thiệt mạng”.

Bị cướp biển sợ nhất hành tinh phơi nắng 8 tháng

Với thuyền trưởng Nguyễn Quyết Thắng, chuyện bị cướp biển Indonesia khống chế vừa qua không kinh hoàng bằng việc anh cùng với 23 thuyền viên trên tàu Hoàng Sơn Sun đã thoát chết sau 240 ngày sống dưới họng súng bọn cướp biển Somalia vào đầu năm 2011. Mạng sống khi đó đối với 24 thuyền viên như ngàn cân treo sợi tóc. 

img
Bố mẹ đẻ và cậu con trai của thuyền trưởng Quyết Thắng đang khắc khoải mong con trở về. 

Thuyền trưởng Thắng nhớ lại, năm 2011, anh là thuyền phó tàu Hoàng Sơn Sun. Ngày 17.1.2011, tàu Hoàng Sơn Sun với sự có mặt thuyền phó Nguyễn Quyết Thắng và 23 thuyền viên khác chở hơn 21.000 tấn hàng trên lộ trình từ cảng BIK của Iran về cảng Xiamen của Trung Quốc. Khi tàu băng qua vùng biển Saudi Arabia đã rơi vào tay bọn cưới biển Somalia.

Bọn cướp biển Somalia đã dung thuyền nhỏ áp mạn tàu và móc thang nhảy lên boong khống chế tàu Hoàng Sơn Sun. Đầu tiên, có 8 tên hùng hổ lao lên mạn tàu, tên nào cũng được trang bị vũ khí, như súng tiểu liên AK, B4... Khoảng 20 tên cướp biển khác đi từ một tàu cá tiếp tục leo lên để hỗ trợ nhóm cướp canh giữ thủy thủ đoàn. Bọn cướp cướp biển yêu cầu tàu chuyển hướng chạy về phía bờ Somalia.

24 thủy thủ đoàn chen chúc nhau trong cabin rộng hơn 20m2, dưới sự canh giữ của khoảng 30 tay súng. Mọi sinh hoạt cá nhân của thủy thủ đoàn đều phải được phép của cướp biển. Chúng nổ súng để đe dọa tinh thần thuyền viên. Ở nơi luật pháp không với tới, súng có thể chĩa vào bất cứ ai có ý định chống cự.

Để uy hiếp tạo áp lực đòi tiền chuộc, nhóm cướp biển lại bắt tất cả thủy thủ đoàn ra “phạt” bằng cách đem họ ra “phơi nắng” trên nắp hầm khi nhiệt độ ngoài trời lên đến gần 40 độ.

Sau nhiều nỗ lực thương thảo, ngày 15.9.2011, đúng 240 ngày sau khi bị bắt giữ, thủy thủ đoàn mới được hít thở bầu không khí tự do. Ngày 20.9.2011, tàu Hoàng Sơn Sun về cảng Salalah của Oman, một quốc gia gần Somalia. Ngày 22.9, thủy thủ đoàn lên chuyến bay chặng Salaha - Muscat - Doha - Bangkok trở về Việt Nam.

Trải qua thực tế từng đối mặt nhiều ngày con trai nằm trong tay cướp biển Somalia, cùng với sự dày dặn trong nghề đi biển, có lẽ vì thế bố đẻ thuyền trưởng Thắng tỏ ra khá bình tĩnh trong khi hầu hết gia đình, người thân của các thủy thủ trên tàu đều vật vã vì lo sợ xảy ra chuyện chẳng lành cho người thân. Ông nói: “Mọi người không nên quá lo lắng, hãy cứ chờ đợi, mọi chuyện sẽ ổn cả”. Và rồi mọi thứ đã ổn thỏa với thuyền trưởng Thắng và 17 thủy thủ còn lại trên tàu Sunrise 689. 

Nghề nào cũng có nguy hiểm, đi biển sóng gió đã là một nguy hiểm, nhưng bị cướp biển tấn công còn nguy hiểm hơn gấp hàng trăm lần. Tuy nhiên, cũng giống như thuyền trưởng Thắng, chạm trán một lần với cướp biển cũng như một lần được “tập dượt”, trải qua một khóa học mà chẳng có trường lớp nào đào tạo để sau đó có kinh nghiệm ứng phó, tự cứu mình trước họng súng của cướp biển. 

“Nghe nói thì ai chẳng sợ hả mẹ? Nhưng giờ con đang về với mẹ rồi đây. Đi biển mà sợ thì còn ai dám đi biển nữa” – thủy thủ Trần Đức Thành gọi điện trấn an với mẹ mình khi tàu Sunrise về đất liền an toàn.
Sẽ phối hợp với CSB các nước truy bắt thủ phạm vụ cướp tàu

Đêm ngày 10.10, rạng sáng 11.10, tàu Sunrise 689 đã cập cảng Vũng Tàu an toàn sau một hành trình gian nan và đầy nguy hiểm khi rơi vào tay bọn cướp biển, được phỏng đoán là một nhóm người đến từ Indonesia.
img Cảnh sát biển Việt Nam

Về việc điều tra, truy bắt nhóm cướp biển này, trao đổi với báo chí, Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm - tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, trước mắt, Cảnh sát biển VN sẽ phải làm việc với các thủy thủ tàu Sunrise để nắm phương thức, thủ đoạn gây án và một số nhận dạng của nhóm cướp. Từ đó, Cảnh sát biển VN sẽ phối hợp với cảnh sát biển các nước trong khu vực để truy bắt thủ phạm. 

Thiếu tướng Đạm cũng cho hay, việc cảnh báo cướp biển có vũ trang ở Somali hay eo biển Malacca đã được các cơ quan chức năng tiến hành thường xuyên và từ lâu rồi. Tàu bè qua lại ở những vùng này, phải nâng cao cảnh giác, tăng cường trực canh và có biện pháp an toàn, đặc biệt phải có biện pháp thông tin kịp thời khi xảy ra sự cố.

Trong khi đó, trao đổi với PV Dòng Đời, ông Đào Văn Quảng - Giám đốc Công ty CP Đóng tàu thủy sản Hải Phòng - cho biết, công ty đã mua gói bảo hiểm P&I (bảo hiểm toàn phần cho hàng hóa, con người...) và bảo hiểm thân tàu (bảo hiểm hết giá trị thân tàu trị giá 125 tỉ đồng) của Tổng công ty CP bảo hiểm bưu điện PTI.

Hiện bên phía bảo hiểm đã cử đơn vị giám định cùng với công ty đi đón các thuyền viên và thực hiện giám định các thiệt hại cả về người cũng như các phương tiện, hàng hóa trên tàu.

Cũng theo ông Quảng, chủ lô hàng hơn 5.000 tấn dầu gasoil là đối tác người Singapore. Hiện bên phía chủ lô hàng cũng đã thuê một đơn vị giám định của Singapore bay sang Việt Nam để xác định các thiệt hại.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem