Từ thực tế đó, nhiều chính sách khuyến khích tập trung, tích tụ đất nông nghiệp đã được Bộ TNMT đề xuất tại dự thảo nghị định quy định về tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp.
Chật vật dồn đổi
Theo nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NNPTNT), cả nước hiện có khoảng 70 triệu mảnh ruộng, với diện tích sản xuất vẫn rất nhỏ lẻ, manh mún. Trong khi tại Thái Lan, đến nay đã có 1,4 triệu mảnh ruộng có quy mô trên 22ha/mảnh, 11 trang trại trồng cọ với quy mô mỗi trang trại tới 3.000-4.000ha. Trung Quốc cũng đã có 8,82% diện tích đất sản xuất nông nghiệp có quy mô mỗi mảnh ruộng trên 3ha.
Để có đủ quỹ đất cho doanh nghiệp, tỉnh Hà Nam phải thu gom đất của 2.000 hộ. Ảnh: T.L
Thống kê về ruộng đất ở Việt Nam cho thấy, sở hữu bình quân tuy đã giảm nhưng hiện vẫn ở mức 2,5 mảnh/hộ. Diện tích bình quân hộ nông dân sở hữu hiện chỉ ở mức dưới 0,5ha/hộ. Đặc biệt, hiệu quả kinh tế sử dụng đất hiện rất thấp, chỉ khoảng 1.000USD/ha - tương đương Lào và chỉ bằng 1/2 Philippines, 1/3 so với Indonesia, Thái Lan.
Bộ NNPTNT đánh giá, Hà Nam, An Giang và Lâm Đồng đang dẫn đầu cả nước về quá trình tích tụ đất nông nghiệp. Nhưng ngay cả ở những nơi được đánh giá là điểm sáng, quá trình tích tụ ruộng đất cũng rất gian nan. Lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Hà Nam cho hay, qua 2 lần “dồn điền đổi thửa” (kéo dài 10 năm), tỉnh mới rút được số thửa ruộng nằm phân tán từ 6 - 7 thửa/hộ xuống còn 1,7 thửa, nhưng do quỹ đất nông nghiệp ít nên diện tích trên mỗi thửa cũng rất nhỏ.
“Để có 180ha đất giao cho một tập đoàn làm nông nghiệp công nghệ cao, chúng tôi phải thương thảo, đàm phán với hơn 2.000 hộ dân để gom đất” - đại diện Sở NNPTNT Hà Nam chia sẻ tại một cuộc hội thảo về thị trường đất nông nghiệp. Vị này cho biết thêm, tỉnh Hà Nam đã quy hoạch 655ha đất cho 6 dự án khu nông nghiệp công nghệ cao, trồng hoa, nuôi bò sữa… nhưng đến nay mới bàn giao được 210ha cho 4 doanh nghiệp.
Còn theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Việt Nam là một trong những quốc gia có mức bình quân ruộng đất theo đầu người thấp nhất thế giới. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người ở Việt Nam là 0,25ha, trong khi con số này trên thế giới là 0,52ha và trong khu vực là 0,36ha. Đây là một trong những trở ngại lớn nhất cho việc phát triển nền nông nghiệp hiện đại và bền vững trên cơ sở hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế với các hộ nông dân xây dựng cánh đồng lớn, vùng sản xuất tập trung công nghệ cao.
Điều này có thể thấy rõ ở nhiều vùng chuyên canh ở nước ta. Từ quá trình khảo sát sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm với cây điều ở tỉnh Bình Phước, TS Hoàng Thị Thu Huyền - Giám đốc Trung tâm Kinh tế học (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ) cho biết, quy mô sản xuất nhỏ lẻ đã khiến cây điều không thể phát triển được như kỳ vọng. Khảo sát cho thấy, diện tích điều của tỉnh Bình Phước đạt 134.000 - 180.000ha nhưng có tới hơn 77.600 hộ trồng phân tán.
Xóa bỏ hạn điền
Đánh giá về những rào cản trong quá trình tích tụ ruộng đất, ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, hiện còn nhiều rào cản chính sách trong tập trung tích tụ đất nông nghiệp như: Mức thuế và phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp bị áp chung như các bất động sản khác (2% thuế thu nhấp cá nhân); doanh nghiệp tư nhân trong nước không được giao đất có thu tiền sử dụng đất nông nghiệp mà chỉ được thuê đất để đầu tư sản xuất nông nghiệp; hộ nhận chuyển nhượng đất lúa phải là hộ nông nghiệp…
Theo TS Hoàng Thị Thu Huyền, trong bối cảnh cạnh tranh của ngành hàng nông sản ngày càng gay gắt hơn, cùng với các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc..., thì vấn đề quy mô sản xuất càng phải được quan tâm hơn. Do đó, tích tụ ruộng đất đang trở thành một đòi hỏi bức thiết để thay đổi diện mạo sản xuất nông nghiệp.
|
“Để dần tháo bỏ những rào cản này, theo tôi cần bỏ hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp và sử dụng hạn mức nhận chuyển nhượng hiện nay là mức khởi điểm để đánh thuế sử dụng đất nông nghiệp theo kiểu lũy tiến; quy định và giám sát chặt chẽ diện tích tối thiểu để tránh tách thửa; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm, công viên, trung tâm công nghiệp – dịch vụ hỗ trợ thông qua việc thuê đất nông nghiệp hoặc liên kết với trang trại, hợp tác xã” – ông Thắng nói.
Trong khi đó, TS Bùi Hải Thiêm - Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Luật Đất đai mới nên thay thế quyền chuyển đổi và quyền chuyển nhượng đất nông nghiệp bằng quyền mua bán, xây dựng các trung tâm hỗ trợ chuyển giao đất nông nghiệp để tạo thuận lợi cho quá trình tập trung, tích tụ ruộng đất theo nhiều hình thức (chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn hợp tác…), đồng thời thiết lập hệ thống quản lý điện tử cung cấp thông tin số hóa về quyền sử dụng đất và giao dịch nhằm minh bạch thị trường đất nông nghiệp
Còn theo TS Nguyễn Hữu Thọ - Phó Trưởng ban Nghiên cứu Kinh tế ngành và lĩnh vực (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư), cần phải giải tỏa những rào cản bất cập trong chính sách đất đai hiện nay mới có thể tạo đà cho ngành nông nghiệp phát triển ổn định.
“Luật Đất đai không cho phép xây dựng các công trình kiên cố phục vụ sản xuất trên đất lúa, trong khi sản xuất nông nghiệp quy mô lớn rất cần xây dựng những kho bãi diện tích lớn, khu nông nghiệp công nghệ cao cũng cần phải có quỹ đất lớn… Quy định như vậy rõ ràng đang cản trở mục tiêu mở rộng quy mô sản xuất của doanh nghiệp khiến họ không mặn mà tìm đường đầu tư vào nông nghiệp” – TS Nguyễn Hữu Thọ nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.