Tiếc gì máu thịt với nước non

Chủ nhật, ngày 02/05/2010 22:40 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong chiến tranh, người dân Tân Thông Hội, Củ Chi, TPHCM không tiếc máu xương giữ đất, thì nay, họ lại khảng khái hiến “máu thịt” của mình làm đường giao thông, phục vụ cho sự phát triển của đất nước.
Bình luận 0
img
Một góc đường nông thôn sạch đẹp ở Tân Thông Hội.

Cả xã hiến đất

Cạnh quán nước mía -vườn cau nổi tiếng mấy chục năm nay là một con đường thẳng tắp vẫn còn thơm mùi nhựa mới. Đó là một trong số những con đường giao thông nông thôn chạy dài từ quốc lộ 22 vào ấp Chánh - nơi có những người mẹ Việt Nam anh hùng của xã như những chứng nhân về sự khốc liệt một thời - được hình thành từ sự hiến đất của người dân xã Tân Thông Hội.

Ngày trước, vùng đất này nổi tiếng với những trận đánh du kích làm cho quân địch thất bại nặng nề phải điên cuồng dồn dân vào ấp chiến lược để thực hiện ý đồ "tát nước bắt cá". Hơn 400 người con của xã đã ngã xuống cho độc lập tự do của Tổ quốc và sự hy sinh đó đã trở thành niềm tự hào của vùng đất này. Ngày nay, phong trào hiến đất làm đường của người dân cũng nổi tiếng tương tự.

Ông Phạm Minh Ngọc ở ấp Chánh - người từng tham gia nhiều chiến dịch mùa xuân năm 1975, chiến dịch bảo vệ biên giới Tây Nam - bảo rằng, đất đai là máu thịt của người nông dân nhưng ở đây nhà nào cũng hiến đất làm đường giao thông, bản thân ông cũng hiến gần 100m2 đất.

"Trong chiến tranh máu xương chúng tôi còn không tiếc thì nay hiến chút đất cho cuộc sống mới để biến những con đường lầy lội thành những con đường nhựa êm ái, sạch đẹp có nghĩa lý gì đâu" - ông Ngọc khảng khái. Ở ấp Chánh có hơn 500 hộ dân thì cũng có chừng ấy hộ có đất hiến để làm đường.

Trong toàn bộ 10 ấp của xã Tân Thông Hội, mỗi một con đường giao thông nông thôn ngang qua mảnh đất nào thì lập tức chủ nhân của nó không ngại đập bỏ bất cứ thứ gì để nhường lại cho con đường, kể cả vật kiến trúc có giá trị cao.

Nhà bác Chín Phát có một cái cổng đẹp nổi tiếng và hoành tráng nhất làng. Thế mà khi con đường giao thông rộng 9m đi ngang qua nhà, bác đã tình nguyện đập bỏ. Còn bác Tư Lập vừa mới xây dãy nhà trọ cho thuê còn chưa ráo mùi sơn trị giá trên 100 triệu đồng cũng tự nguyện đập bỏ, hiến phần đất trước nhà cho nhà nước làm đường giao thông.

Người ta còn biết đến gia đình ông Năm Châu không chỉ vì nhà ông có truyền thống cách mạng, có một người anh là liệt sĩ mà ông còn nổi tiếng nhất làng về phong trào hiến đất làm đường. Rải rác trong xã, gia đình ông có 5 miếng đất thì cả 5 lần ông di dời vật kiến trúc để hiến đất làm đường.

"Muốn con đường thông thoáng thì người dân phải đóng góp, kể cả máu thịt của mình" - ông Năm Châu giải thích về việc hiến hàng trăm m2 đất và đập bỏ hệ thống tường rào trị giá hàng chục triệu đồng của mình.

Bộ mặt mới ở nông thôn

Từ tháng 5-2009, Tân Thông Hội được chọn là 1 trong 11 xã của cả nước thí điểm xây dựng đề án nông thôn mới. Người dân nơi đây đã vượt qua những ký ức chiến tranh, tập trung xây dựng quê hương, phát triển sản xuất, làm sao để tăng thu nhập 1,5 lần so với bình quân thu nhập của huyện.

Có một điều thật bất ngờ là toàn bộ CBCNV đang làm việc tại UBND xã Tân Thông Hội đều có đất hiến cho việc làm đường. Bản thân ông Chủ tịch UBND xã Trần Văn Chí cũng cắt bớt một phần đất trước hiên nhà hiến cho con đường nhựa rộng chạy qua.

Lý giải về sự đồng thuận của người dân trong việc hiến đất làm đường, ông Trần Văn Chí bảo rằng, đó là người dân phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong kháng chiến để biến thành anh hùng trong xây dựng quê hương đổi mới.

"Đóng góp của người dân trong xã khó có thể thống kê đầy đủ được vì nó lên đến hàng chục tỷ đồng. Đó là bước đột phá khi biết phát huy truyền thống cách mạng trên nền tảng có sẵn của vùng đất thép thành đồng Củ Chi" - ông Trần Văn Chí đúc kết.

Từ năm 2000, Tân Thông Hội đã bắt đầu xây dựng, biến những con đường nhỏ thành những con đường 6-7m, có nơi rộng 9m theo tiêu chuẩn. Năm đó, huyện Củ Chi vay 100 tỷ đồng cộng với sự đóng góp của người dân khoảng 17 tỷ đồng để tráng 155km đường nhựa nông thôn. Trong đó, Tân Thông Hội đầu tư tráng 20km nhựa đường nông thôn trong tổng số 80km đường lớn, nhỏ.

Năm 2005, khi huyện Củ Chi đột phá tiếp tục xây dựng hệ thống đèn chiếu sáng dân lập thì người dân Tân Thông Hội tiếp tục đóng góp tiền để trang bị hệ thống chiếu sáng con đường. Bình quân mỗi hộ tự nguyện đóng góp từ 300 - 500 ngàn đồng/năm. Cả xã có gần 900 bóng đèn với trị giá 6 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp 1,5 tỷ đồng để chiếu sáng những con đường.

Ai đã một lần đi trên những con đường nông thôn ở Tân Thông Hội vào ban đêm, hẳn sẽ khó quên cảm giác bình yên, sạch đẹp với ánh đèn rực sáng như một đô thị mới. Khó có thể hình dung về một vùng đất mà một thời là vành đai chiến lược giờ đã chuyển mình rút ngắn từng bước so với nội thành.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem