Rất khó xử lý tín dụng đen
"Tình trạng cho vay nặng lãi kiểu "cắt cổ" diễn ra khá phổ biến nhưng việc xử lý không hề đơn giản. Những đối tượng cho vay nặng lãi rất tinh vi, mặc dù trong thực tiễn là cho vay nặng lãi với lãi suất 5.000 đồng, 7.000 đồng/triệu đồng/ngày nhưng trong văn bản giữa bên cho vay và bên nhận vay không thể hiện việc đó. Văn bản chỉ thể hiện có sự vay mượn, còn lãi suất được ghi chung chung là theo thỏa thuận. Người đi vay 10 triệu đồng nhưng thực tế chỉ nhận được 8 - 9 triệu đồng, bởi đã bị cắt lãi khi bắt đầu vay nợ. Có rất nhiều vụ án xuất phát từ chuyện vay nặng lãi dẫn đến phát sinh các tội phạm như cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữa người trái phép. Thế nhưng, cơ quan tổ tụng chỉ xử lý được những tội phạm trên, còn việc ẩn đằng sau đó là cho vay nặng lãi thì không xử lý hình sự được, lý do thiếu căn cứ".
(Luật sư Nguyễn Quang Tiến, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)
"Tín dụng đen" với những khoản lãi "cắt cổ" vẫn đang phát triển mạnh mẽ. G.T
Tiệm cầm đồ là nguồn cơn của “tín dụng đen”
“Tín dụng đen” phát triển và có đất sống khi hệ thống ngân hàng không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Đó là lý do chính. Lý do thứ hai rất quan trọng là sự thực thi pháp luật không nghiêm. Cho vay nặng lãi là hành vi phạm pháp nhưng các cơ quan thực thi pháp luật làm không tốt. Việc nở rộ các tiệm cầm đồ là thí dụ. Kinh tế khó khăn có thể là lý do, sự hiểu biết pháp luật kém cũng là lý do nhưng không phải là lý do chính. Theo tôi để hạn chế việc này, có 3 giải pháp chính: Hệ thống ngân hàng phải tìm cách để người dân dễ tiếp cận đến dịch vụ tín dụng; Chính quyền địa phương và công an phải mạnh tay với các tổ chức “tín dụng đen”; Nâng cao dân trí (các tổ chức nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, mặt trận có thể làm việc này nhưng đáng tiếc họ chưa chú ý đến nhiệm vụ rất quan trọng này mà chỉ thiên về việc tuyên truyền).
(Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.