Tiến độ thực hiện đề án xây mới 4.500 phòng học đến năm 2025 như thế nào?
Tiến độ thực hiện đề án xây mới 4.500 phòng học đến năm 2025 như thế nào?
Mỹ Quỳnh
Chủ nhật, ngày 22/10/2023 14:09 PM (GMT+7)
Tổng nhu cầu đề xuất đầu tư từ ngân sách tập trung thành phố giai đoạn 2023-2025 gồm 419 dự án với số phòng học xây dựng mới 10.205 phòng, tổng mức đầu tư khoảng 62.807,92 tỷ đồng.
Ngày 22/10, nguồn tin từ Sở GDĐT TP.HCM cho biết, đơn vị này vừa có báo cáo UBND TP.HCM về tiến độ thực hiện đề án xây mới 4.500 phòng học đến năm 2025. Đây là công trình chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/2025).
Theo Sở GDĐT, trên cơ sở rà soát thực trạng, tổng nhu cầu đề xuất đầu tư từ ngân sách tập trung thành phố giai đoạn 2023-2025 ở TP.Thủ Đức và 21 quận huyện là 419 dự án, bao gồm 10.205 phòng học xây dựng mới. Tổng mức đầu tư khoảng 62.807,92 tỷ đồng.
Trong đó, đề án sẽ tập trung vào 3 nhóm dự án chính. Nhóm 1 là danh mục các công trình trường học đã có trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025.
Đây là nhóm có thuận lợi về thủ tục hồ sơ, đề nghị ưu tiên giao vốn và đẩy nhanh tiến độ đầu tư, gồm 98 dự án, với 2.372 phòng học xây mới (tăng thêm 1.310 phòng học), tổng mức đầu tư 10.747,336 tỷ đồng, nhu cầu vốn dự kiến 8.360,875 tỷ đồng.
Sở GDĐT nhận định, nhóm dự án này cần tiếp tục rà soát hoàn chỉnh về pháp lý, bố trí vốn kịp thời để đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công hoàn thành công trình đưa vào sử dụng.
Nhóm thứ 2 là danh mục các công trình trường học đề xuất mới khả thi đẩy nhanh tiến độ đầu tư (chưa được đưa vào kế hoạch trung hạn).
Căn cứ nhu cầu đầu tư lĩnh vực giáo dục của TP.Thủ Đức và 21 quận, huyện giai đoạn 2023-2025, thành phố có tổng số 257 dự án. Trong đó có 77 dự án, với 1.491 phòng học xây mới (tăng thêm 793 phòng học), nhu cầu vốn đầu tư dự kiến 7.614,224 tỷ đồng, thuận lợi về pháp lý đất đai, quy hoạch để triển khai đầu tư nhanh đáp ứng nhu cầu cấp bách về chỗ học hiện nay.
Với nhóm này, Sở GDĐT đề nghị các sở, ban, ngành và địa phương phối hợp rà soát đưa bổ sung vào kế hoạch trung hạn; đẩy nhanh tiến độ thực hiện trình tự thủ tục đầu tư theo quy định để kịp triển khai khởi công trong năm 2024 và hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2025.
Nhóm cuối cùng là danh mục các công trình trường học thuận lợi về pháp lý đất đai có thể tháo gỡ các nội dung liên quan để đẩy nhanh đầu tư, gồm 88 dự án với 1.729 phòng học xây mới (tăng thêm 1.194 phòng học), tổng mức đầu tư 6.619,638 tỷ đồng, nhu cầu vốn dự kiến 6.336,984 tỷ đồng thuộc nhóm thuận lợi về pháp lý đất đai.
Hiện, nhóm này còn vướng phần lớn về yếu tố quy hoạch đô thị, có thể thực hiện đẩy nhanh các giải pháp tháo gỡ về quy hoạch đô thị và vấn đề liên quan khác để triển khai thực hiện thủ tục kịp khởi công dự án trong quý I/2025.
Trong đó, ưu tiên đầu tư với 8 quận, huyện khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu nhiều phòng học (quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, huyện Bình Chánh, Hóc Môn và TP.Thủ Đức), có 33 dự án với 795 phòng học xây mới (tăng thêm 641 phòng), tổng mức đầu tư 2.806,522 tỷ đồng.
Sở GDĐT thông tin thêm, sau khi hoàn thành 263 dự án thuộc 3 nhóm trên, toàn thành phố sẽ có 5.587 phòng học xây mới (trong đó tăng thêm 3.297 phòng) đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, để thực hiện hoàn thành kế hoạch xây dựng mới 4.500 phòng học, căn cứ vào khả năng thực hiện các dự án đầu tư từ ngân sách, cần phải thực hiện ít nhất đầu tư thêm 1.203 phòng học từ nguồn xã hội hóa. Trên cơ sở đề xuất của TP.Thủ Đức và 21 quận, huyện, TP.HCM có 110 dự án, với quy mô 2.638 phòng học, vốn dự kiến 541.052 tỷ đồng thực hiện kêu gọi xã hội hóa.
Trong đó, kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) gồm 3 dự án, với quy mô 200 phòng học, vốn dự kiến 418 tỷ đồng; kêu gọi tham gia kích cầu đầu tư gồm 4 dự án, với quy mô 87 phòng học, vốn dự kiến 517,149 tỷ đồng; kêu gọi đầu tư xã hội hóa gồm 103 dự án, với quy mô 2.351 phòng học, vốn dự kiến 540.116 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.