Tiền đóng thấp, tỷ lệ hưởng BHXH cao

Lê Mai Thứ ba, ngày 25/09/2018 06:20 AM (GMT+7)
Bộ LĐTBXH vừa có công văn gửi Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) trả lời các kiến nghị về vướng mắc, bất cập của các doanh nghiệp thuỷ sản liên quan đến lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH).
Bình luận 0

Chưa đóng BHXH trên mức lương thực tế

Trước ý kiến cho rằng, tỷ lệ đóng BHXH của Việt Nam cao và kiến nghị giảm tỷ lệ đóng BHXH 4% trở về mức đóng năm 2010 (doanh nghiệp đóng 16% và người lao động  đóng 6%), Bộ LĐTBXH cho rằng: Chính sách BHXH ở mỗi quốc gia được thiết kế khác nhau và phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, lịch sử của mỗi nước. Do đó, rất khó để so sánh, đánh giá tỷ lệ đóng BHXH của một nước là cao hay thấp so với những nước còn lại, vì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau.

img

Tâm tư của lao động ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản đã được Bộ LĐTBXH giải đáp. Ảnh: T.L

Theo BHXH Việt Nam, xét về tỷ lệ đóng, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đóng BHXH cao nhất khu vực (27,5%, không tính BHYT). Nhưng cũng có một số nước có mức đóng cao hơn Việt Nam như: Singapore 37%, Trung Quốc 38,5%, Ấn Độ 35%. Tuy nhiên, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc của Việt Nam thấp hơn nhiều so với tiền lương thực tế của người lao động (nhiều doanh nghiệp đóng chỉ bằng 50% tiền lương thực tế). Trong khi đó, tỷ lệ hưởng các chế độ của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước, đặc biệt là chế độ hưu trí, thai sản...

Với kiến nghị không nên khống chế mức đóng BHXH tối đa, Bộ LĐTBXH cho biết: Luật BHXH 2006 không có quy định về trần đóng BHXH bắt buộc, dẫn đến có sự chênh lệch quá lớn về mức hưởng giữa những người tham gia, đặc biệt là chế độ hưu trí. Có người có lương hưu  hơn 100 triệu đồng/tháng, trong khi có người chỉ được hưởng lương hưu bằng mức lương cơ sở, hiện nay là 1,39 triệu đồng/tháng.

BHXH Việt Nam cho rằng việc quy định trần đóng BHXH bắt buộc như hiện nay là hợp lý, hoàn toàn phù hợp với quan điểm, định hướng tại Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH cũng như xu hướng chung của các nước.

Vì vậy, BHXH Việt Nam cho rằng việc quy định trần đóng BHXH bắt buộc như hiện nay là hợp lý, hoàn toàn phù hợp với quan điểm, định hướng tại Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH cũng như xu hướng chung của các nước.

Chính sách sẽ công bằng, bình đẳng

Cho ý kiến về tỷ lệ giảm trừ cho mỗi năm về hưu trước tuổi đối với ngành sử dụng nhiều lao động như thuỷ sản, dệt may, điện tử... từ 2% xuống 1%, đại diện Bộ LĐTBXH cho biết, theo quy định của Luật BHXH 2006, người lao động có từ đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được nghỉ hưởng lương hưu sớm hơn tối đa 10 tuổi so với đối tượng khác và tỷ lệ giảm trừ chỉ là 1% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi. Quy định này không đảm bảo nguyên tắc đóng- hưởng; do đó Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã có khuyến nghị và nhiều nước thực hiện trừ 5-6% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi…

Chính vì vậy, Luật BHXH 2014 quy định tăng tỷ lệ giảm trừ từ 1% lên 2% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi là phù hợp. Mặt khác, Luật BHXH cũng đã quy định, người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì được nghỉ hưu sớm hơn lao động làm việc trong điều kiện bình thường tối đa là 5 tuổi mà không phải trừ tỷ lệ % hưởng lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi.

img

Về ý kiến cho rằng, chính sách an sinh xã hội chưa công bằng giữa khu vực Nhà nước (bình quân một số năm cuối) và tư nhân (bình quân toàn bộ quá trình), Bộ LĐTBXH cho rằng, bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, chính sách từng bước được sửa đổi, bổ sung, mở rộng ra các khu vực kinh tế khác ngoài nhà nước. Chính vì vậy, để đảm bảo nguyên tắc công bằng, bình đẳng trong tham gia và thụ hưởng chính sách cần có lộ trình thực hiện.

Cụ thể, từ 1.1.2007 trở đi, người lao động thuộc khu vực Nhà nước thì tính bình quân 5 năm, 6 năm, 8 năm hoặc 10 năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu tùy thuộc vào thời gian bắt đầu tham gia BHXH. Như vậy, Luật BHXH 2006 đã có một bước tiến trong việc tạo nên sự bình đẳng hơn trong cách tính mức bình quân giữa khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước.

Luật BHXH 2014 đã bổ sung thêm 2 lộ trình tính bình quân (15 năm cuối, 20 năm cuối); sau đó thực hiện tính bình quân toàn bộ quá trình đóng đối với người lao động thuộc khu vực Nhà nước. Đối với người lao động thuộc khu vực Nhà nước bắt đầu tham gia BHXH từ năm 2025 trở đi, khi nghỉ hưu sẽ tính bình quân toàn bộ quá trình đóng như người lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem