Tiền Giang: Đưa nông thôn mới lên sân khấu

Thứ bảy, ngày 11/01/2014 15:09 PM (GMT+7)
Không những cùng nhau xây dựng nông thôn mới (NTM) trên đồng ruộng, chỉnh trang đường làng ngõ xóm mà nông dân Tiền Giang còn có cách làm độc và lạ, đó là đưa NTM lên sân khấu.
Bình luận 0
Vui trên sân khấu

Những ngày đầu tháng 12.2013, Trung tâm Văn hóa tỉnh Tiền Giang đã mở rộng cửa để đón những “nghệ sĩ chân đất” đến biểu diễn văn nghệ. Đây là những hoạt động trong khuôn khổ Cuộc thi “Tiếng hát đồng quê” và Hội thi “Nông dân Tiền Giang chung sức xây dựng NTM”, do Hội Nông dân (ND) tỉnh phối hợp tổ chức.

Nông dân Tiền Giang trổ tài trong cuộc thi chung sức xây dựng NTM.
Nông dân Tiền Giang trổ tài trong cuộc thi chung sức xây dựng NTM.

Sự xuất hiện của các “nghệ sĩ chân đất” kèm theo đạo cụ là cuốc, xẻng… đã khiến nơi đây có một ngày rộn rã tiếng cười. Ông Trần Văn Quang - Chủ tịch Hội ND tỉnh Tiền Giang cho biết: “Thời gian qua, Hội đã phối hợp cùng các ngành liên quan về tận xã vận động bà con tích cực tham gia xây dựng NTM, không chỉ trên đồng ruộng, vùng quê, mà Hội còn đưa NTM lên sân khấu, biến những việc làm hàng ngày của bà con thành những tác phẩm sân khấu đậm chất nghệ thuật dân gian, tạo sự hứng thú, sôi nổi…”.

Nông dân Nguyễn Văn Hải ở huyện Gò Công Tây hồ hởi tâm sự: “Suốt mấy ngày qua, tôi lo làm cho xong công chuyện để sớm nay đến đây xem chương trình, gặp lại những người bạn cũ và trao đổi với nhau về kinh nghiệm làm ăn. Đây là sân chơi rất bổ ích, thiết thực với nông dân…”.

Được biết, Cuộc thi “Tiếng hát đồng quê” đã diễn vòng sơ khảo ở cấp xã, huyện, những tiết mục đoạt giải cao sẽ được tuyển chọn thi cấp tỉnh; còn Cuộc thi “Nông dân Tiền Giang chung sức xây dựng NTM” thì có 10 đơn vị tham gia. Theo ông Quang, sau một ngày “trổ tài” kiến thức về xây dựng NTM trong không khí vui nhộn, Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho Hội ND thành phố Mỹ Tho và giải Nhì cho Hội ND huyện Tân Phú Đông.

Mới trên đường làng

Theo ghi nhận của phóng viên, công tác xây dựng NTM ở Tiền Giang đang được đông đảo bà con nông dân ủng hộ. Đơn cử như ở xã Tân Hội Đông (huyện Châu Thành), bà con rất tích cực tham gia cùng nhà nước trong việc xây dựng cầu bê tông ấp Tân Thới. Cụ thể là một số hộ dân ở hai đầu cầu đã tình nguyện hiến đất để xây mố cầu. Không những hiến đất, hộ anh Ngô Kha Minh còn đốn hàng chục cây dừa để làm đường dẫn lên cầu được rộng rãi…

Tỉnh Tiền Giang quyết tâm phấn đấu đến năm 2015 có ít nhất 10/30 xã đạt tiêu chuẩn NTM, đến năm 2020 toàn bộ 30/30 xã được tỉnh chọn làm điểm xây dựng NTM sẽ hoàn thành 19/19 tiêu chí.

Tương tự, để có con đường bê tông rộng hơn 2m, dài hơn 1km khang trang, bà con ở hai bên đường thuộc ấp Tân Xuân, xã Tân Hội Đông (Châu Thành) đã bảo nhau lùi sâu vào nhà gần 2m. Anh Trần Tuấn Anh tâm sự: “Hàng rào nhà tui mới xây tốn hơn 15 triệu đồng, nhưng thấy việc mở đường có lợi cho cái chung nên tui tự nguyện dỡ bỏ…”. Ngoài ra, trong quá trình làm tuyến đường liên ấp từ Tân Hòa đi Tân Thuận (cũng ở xã Tân Hội Đông), dài 2,2km, rộng hơn 4m, tổng kinh phí đầu tư hơn 5 tỷ đồng, nông dân vùng này cũng đã hiến hơn 14.000m2 đất, quy ra tiền khoảng 1,5 tỷ đồng. Điển hình phải kể đến gia đình anh Thiều Quốc Vinh đã đốn bỏ nhiều cây ăn trái, đập phá hàng rào kiên cố dài 100m, hiến 200m2 đất; ông Hồ Tấn Diệp ở tổ 8, ấp Long Hòa B hiến 180m2 đất mương cặp lộ, đốn dừa, đốn cau và ủng hộ 3,5 triệu đồng để lấp mương…

Ông Quang đánh giá: Phong trào xây dựng NTM ở Tiền Giang không chỉ góp phần thay đổi bộ mặt nhiều làng quê mà còn tạo khí thế phấn khởi cho bà con, khuyến khích nông dân thay đổi tư duy, cách làm trong thi đua sản xuất, phát triển kinh tế.

Bùi Phụ- Anh Tuấn (Bùi Phụ- Anh Tuấn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem