Tiền Giang: Mở rộng trồng vú sữa theo GlobalGAP

Thứ tư, ngày 13/07/2011 16:07 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thấy được lợi ích của việc trồng cây theo chuẩn GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu), nông dân Hợp tác xã (HTX) Vú sữa Lò Rèn (huyện Châu Thành, Tiền Giang) đang tích cực tăng diện tích vườn cây của mình.
Bình luận 0

Là một trong những sản phẩm nông nghiệp đầu tiên được cấp chứng nhận GlobalGAP, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim hiện đã phát huy sức mạnh của loại trái đạt chuẩn quốc tế khi cho năng suất tăng cao, xuất khẩu nhiều với giá cao. Nông dân trồng vú sữa ở Vĩnh Kim coi chuyện làm GAP là một vinh hạnh lớn khi có nhiều hơn bạn bè quốc tế biết đến trái vú sữa.

img
Vú sữa Lò Rèn đóng hộp xuất khẩu đi Canada.

Xuất hiện ở huyện Châu Thành từ lâu đời nhưng do diện tích nhỏ lẻ, quy trình trồng và chăm sóc không khoa học nên năng suất thấp, giá cả bấp bênh, cây vú sữa không mang lại hứng khởi cho nông dân. Năm 2007, Sở Khoa học - Công nghệ Tiền Giang chọn HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim để thí điểm sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Đến cuối năm 2008, 19 hộ nông dân được cấp chứng nhận đạt chuẩn với diện tích 7ha, và tăng lên 55,5ha vào cuối năm 2010, năng suất cao hơn từ 4 – 7 tấn/ha so với trước đây.

Cuối năm 2010, Sở hỗ trợ mỗi hộ tham gia mô hình GlobalGAP 2 triệu đồng để xây dựng nhà vệ sinh, kho chứa trái và dụng cụ lao động trong vườn cây. Tuy nhiên, số tiền này còn khá khiêm tốn, nên nhiều hộ gia đình đã quyết định đầu tư thêm.

“Số tiền hỗ trợ ít, giá cả vật liệu lại cao nên tui góp thêm 10 triệu đồng nữa. Mình làm cho mình chứ cho ai đâu. “Trên” không hỗ trợ thì tui cũng ráng làm!” - nông dân Lê Văn Tấn (ngụ ấp Hiếu Bình, xã Hữu Thọ, Tiền Giang), một trong những hộ nông dân đeo đuổi GlobalGAP từ đầu chia sẻ.

Anh Tấn cho biết, trước đây không áp dụng các tiêu chuẩn an toàn cho vườn cây, tới vụ anh chỉ cần mua thuốc về xịt vài lần rồi thu hoạch. Nay ngoài việc phải tính toán diệt sâu, bệnh cho cây bằng phương pháp hữu cơ, anh còn phải lo bao trái để tránh sâu bệnh và đảm bảo vệ sinh.

Việc thu hái quả cũng tốn nhiều nhân công hơn. Nếu vườn cây thường chỉ cần 2 người có thể hái được 20 – 30 giỏ/ngày (khoảng 70 – 80 quả/giỏ), vườn cây áp dụng GlobalGAP phải cần 5 – 7 công nhân để hái 20 giỏ mỗi ngày.

Theo ông Nguyễn Văn Ngàn - Chủ nhiệm HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, áp dụng quy trình sản xuất mới cần nhiều nhân công hơn nhưng tiền mua thuốc BVTV giảm đáng kể, nên chi phí giảm từ 30 – 50%, số lượng trái đạt chất lượng tăng từ 30 – 70%. Do đó, lợi nhuận nông dân thu về cũng tăng thêm 40 - 50%.

Tỉnh Tiền Giang cũng đã lập dự án và xây dựng kế hoạch phát triển diện tích trồng vú sữa Lò Rèn lên 5.000ha vào năm 2015, ưu tiên trồng cây theo chuẩn GlobalGAP để đảm bảo phát triển bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem