Tiền Giang: Sẽ có giống vịt biển thịt thơm ngon, ít mỡ, thơm mùi sả

Huỳnh Xây Thứ hai, ngày 27/11/2017 18:51 PM (GMT+7)
Hết vốn hỗ trợ, tỉnh Trà Vinh không còn hộ dân nào nuôi vịt biển, thế nhưng ở Tiền Giang, vật nuôi này đang được bà con nuôi tái đàn, nhân rộng và có nhiều kế hoạch phát triển rất hấp dẫn.
Bình luận 0

Không còn hộ nuôi vì hết vốn hỗ trợ

Ông Lưu Văn Phúc – Trưởng phòng Kỹ thuật thuộc Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư tỉnh Trà Vinh cho biết, mô hình nuôi vịt biển trên địa bàn tỉnh đã ngừng từ tháng 8.2017. Nguyên nhân là do nguồn vốn hỗ trợ cho mô hình không còn, hơn nữa trong quá trình nuôi, người dân đã gặp phải một số khó khăn nhất định.

img

Vịt biển lúc còn triển khai nuôi trong dân ở Trà Vinh. Ảnh:  Huỳnh Xây

“Mô hình này có 10 hộ tham gia nuôi với quy mô 8.000 con, đến nay không còn hộ nào nuôi cả. Mặc dù vịt biển cho chất lượng thịt thơm ngon nhưng khi bán vẫn gặp khó, chủ yếu vì da vịt không được trắng như loại vịt khác ở địa phương” – ông Phúc thông tin.

Ông Nguyễn Văn Dài – Chủ tịch UBND xã Mỹ Long Nam cho hay, 2 hộ dân là anh Phan Chí Hướng và anh Pham Văn Hải (đều ở ấp Tư, xã Mỹ Long Nam) nuôi vịt biển đầu tiên ở miền Tây, tuy nhiên đến nay họ cũng thờ ơ với việc nuôi loại vịt này.

Ông Dài phân tích: “Trước đó, 2 hộ dân này nuôi đến 500 con vịt biển (mỗi hộ nuôi 250 con). Vịt phát triển tốt, tăng trọng gấp 3 lần loại vịt có ở địa phương trước đó, thế nhưng hiện 2 hộ này không còn nuôi nữa. Nguyên nhân là do khâu ấp trứng tỷ lệ thành công thấp, tỷ lệ con sống sót sau khi ấp thành công cũng thấp. Hiện cũng không có chương tình hỗ trợ con giống từ cấp trên nên các hộ dân không còn mặn mà nuôi nữa”.

Theo phóng viên tìm hiểu, loại vịt biển trên được ngành chức năng tỉnh Trà Vinh mua ở miền Bắc (có tên gọi là vịt biển 15, do Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên nghiên cứu và chọn tạo thành công) rồi vận chuyển bằng máy bay vào cho anh Hướng và anh Hải nuôi thử nghiệm.

img

Mô hình nuôi vịt biển khó nhân rộng ở tỉnh Trà Vinh, nhưng lại được nông dân tỉnh Tiền Giang phát triển tốt thành đặc sản. Ảnh: Huỳnh Xây

Từ cuối năm 2016 đến nay, ngoài Trà Vinh và Tiền Giang, nhiều địa phương khác ở ĐBSCL đồng loạt triển khai mô hình hỗ trợ nông dân nuôi hướng an toàn sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu. Riêng ở Kiên Giang, ngành chức năng còn đưa vịt biển ra nuôi tại đảo.

Loại vịt này thích nghi tốt với độ mặn của nước vùng ven biển nơi đây (mặn quanh năm, có lúc lên đến đến 15‰) trong khi đó các loại vịt khác không thể sống được với điều kiện này. Ngoài ra, vịt biển có sức sống mạnh, có thể nuôi theo cách thả lan, tự đi bắt cua, cá, tôm để ăn nên tốn ít chi phí thức ăn hơn các loại vịt khác.

Ban đầu, anh Hướng và anh Hải có kế hoạch nhân rộng, hỗ trợ cho bà con vùng biển nuôi lấy thịt, với hy vọng hướng đi mới này giúp bà con xóa nghèo trong thời gian tới. Nhưng do gặp một loạt khó khăn như nêu trên nên họ đành “bỏ cuộc”, không nuôi tiếp sau khi hết dự án hỗ trợ con giống của ngành chức năng địa phương.

Nơi nhân rộng, phát triển thành đặc sản

Mặc dù học hỏi kinh nghiệm từ tỉnh Trà Vinh nhưng mô hình nuôi vịt biển ở tỉnh Tiền Giang đang cho kết quả vô cùng khả quan. Hết thời gian nuôi thử nghiệm, người dân vẫn tái đàn và nhân rộng.

Ông Thái Quốc Hiếu – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang cho biết, theo chỉ đạo của Sở NNPTNT, Chi cục đã triển khai mô hình “Chăn nuôi vịt biển thịt thương phẩm thích ứng biến đổi khí hậu” cho 24 hộ dân tại xã Tân Trung (thị xã Gò Công) và xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) tham gia và đạt kết quả tốt.

Theo đó, tỷ lệ nuôi sống đàn vịt đạt 95%, lợi nhuận đạt 7.500 đồng/con. Lợi thế của vịt biển là có thể nuôi thịt hoặc nuôi để đẻ trứng (trứng to, vỏ dày, nhiều lòng đỏ, vị ngon hơn so với vịt nuôi nước ngọt), có thể sống trong vùng nước mặn, uống được nước mặn từ 8-10 ‰. Thịt của vịt biển có độ dai vừa phải, ít mỡ và thơm ngon hơn so với vịt siêu thịt.

Trong quá trình nuôi, nhân viên Chi cục thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học và tiêm phòng. Dự án đã hỗ trợ 100% giống, 25% tiền thức ăn (vịt từ 1 ngày tuổi đến 20 tuần tuổi) và hỗ trợ 25% thuốc sát trùng.

“Thời gian thực hiện mô hình từ tháng 7 đến 12.2016. Sau đó, người dân đã tự ý thức nhân rộng đàn. Sở dĩ, mô hình được nhân rộng là do chúng tôi giao cho 1 đơn vị cụ thể phụ trách mua trứng, ấp ra vịt con, sau đó giao lại cho người dân, chứ không để người dân tự tìm cách ấp trứng như một số địa phương khác” – ông Hiếu thông tin.

Thành công bước đầu, phía Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang đang có kế hoạch nghiên cứu sản xuất ra vịt biển có hương sả và phát triển loại vịt này như là một đặc sản riêng của địa phương.

Ông Hiếu nhấn mạnh: “Dự tính của chúng tôi là nghiên cứu làm sao sau khi làm thịt, nấu chín, vịt vẫn thơm mùi sả. Người ăn chỉ cần chấm nước mắm là được, không cần phải thêm sả hay gừng vào. Chúng tôi triển khai theo lộ trình, có kế hoạch quảng bá sản phẩm, góp phần cải thiện đời sống nông hộ tại các vùng ven biển”.
 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem