Dạy trẻ biết nói cảm ơn khi nhận
Chuyện trẻ nhận tiền lì xì bấy lâu nay vẫn được coi là “phải phép”, hay có văn hóa khi những đứa trẻ ấy biết nói lời cảm ơn với chủ nhân của những phong bao lì xì đỏ thắm đã tặng cho chúng. Để những đứa trẻ biết nói lời cảm ơn như thế, theo tôi nghĩ cần có quá trình uốn nắn, dạy bảo của cha mẹ. Thực tế, tôi quan sát thấy có khá nhiều bé không biết nói lời cảm ơn khi nhận được lì xì. Tôi nghĩ, ngoài việc cha mẹ phải chú tâm dạy bảo uốn nắn chúng ngay từ lúc còn thơ bé, có thể hướng dẫn con nói lời chúc mừng tốt đẹp tới những người lớn lì xì tiền cho mình.
Nguyễn Thị Loan (Học viện Thanh thiếu niên)
Dạy con cách nhận tiền lì xì không khó (Nguồn: Internet)
Đa dạng hóa quà lì xì cho trẻ
Tôi nghĩ lì xì cho người già và trẻ nhỏ là phong tục đẹp của chúng ta mỗi dịp tết đến, xuân về. Để giữ được ý nghĩa tốt đẹp đó, tôi nghĩ bản thân bố mẹ phải tinh tế trong việc hướng dẫn con nhận và sử dụng tiền lì xì. Con tôi còn nhỏ, nhưng vợ chồng tôi thống nhất là không bao giờ nói về giá trị vật chất của quà lì xì với con. Chỉ để cho con hiểu, nhận lì xì thì sẽ may mắn. Quà lì xì có thể là phong bao màu đỏ, quả bóng bay đỏ hay thậm chí là… 1 cái kẹo màu đỏ. Nghĩa là, chúng tôi sẽ cố gắng bằng mọi cách, cho con hiểu lì xì không chỉ có nghĩa là tiền.
Vũ Thị Thu Thủy, (nhân viên Trung tâm Media, Viettel Telecom)
Nói “không” với tiền mệnh giá to
Tôi ở Đức đã hơn 20 năm rồi năm nào chúng tôi cũng tổ chức ăn tết cổ truyền và có tặng lì xì cho trẻ. Nhóm các gia đình thân thiết của chúng tôi ở đây thống nhất chung là chỉ cho tiền mệnh giá nhỏ vào phong bao lì xì tặng các con. Không phải vì chúng tôi tiếc tiền mà muốn các con hiểu, lì xì chỉ là một món quà tượng trưng mang đến may mắn và giá trị lớn nhất của nó là giá trị tinh thần. Chúng tôi đã làm như vậy rất nhiều năm và thấy các con rất vui vẻ và thoải mái với điều đó.
Nguyễn Thị Thanh (Việt kiều Đức)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.