Tiền lương quản lý cao gấp cả chục lần nhân viên, có người nhận hơn 300 triệu đồng/tháng
Tiền lương quản lý cao gấp cả chục lần nhân viên, có người nhận hơn 300 triệu đồng/tháng
Thùy Anh
Thứ bảy, ngày 14/12/2024 07:29 AM (GMT+7)
Tiền lương lao động làm trong các doanh nghiệp nhà nước tăng liên tục qua các năm. Đáng nói, lương của cấp bậc quản lý cao gấp hơn cả chục lần lương nhân viên, có nơi mức lương lên tới hơn 300 triệu đồng/người/tháng.
Tiền lương lao động làm doanh nghiệp nhà nước tăng đều qua các năm
Đây là thông tin được Bộ LĐTBXH công bố trong báo cáo tổng kết tình hình thực hiện cơ chế quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước tại 1.166 doanh nghiệp mới đây.
Theo đó, kết quả cho thấy tiền lương của người lao động liên tục tăng qua các năm. Cụ thể: Năm 2021, tiền lương bình quân chung đạt 16,5 triệu đồng/tháng, thu nhập bình quân đạt 18,5 triệu đồng/tháng; Năm 2022, tiền lương bình quân chung đạt 17,8 triệu đồng/tháng, thu nhập bình quân đạt 20,2 triệu đồng/tháng; Năm 2023, tiền lương bình quân chung đạt 18,5 triệu đồng/tháng, thu nhập bình quân đạt 20,3 triệu đồng/tháng.
Riêng 84 công ty mẹ - tập đoàn kinh tế lớn, các tổng công ty (hiện có khoảng 316.900 lao động), tiền lương bình quân năm 2021 đạt 20,67 triệu đồng/tháng, năm 2022 đạt 22,96 triệu đồng/tháng, năm 2023 đạt 24,5 triệu đồng/tháng.
Xét theo loại hình, ở doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước năm 2022, tiền lương bình quân đạt 17,89 triệu đồng/tháng, thu nhập đạt 19,79 triệu đồng/tháng. Con số này ở năm 2023 lần lượt đạt 18 triệu đồng và 19,44 triệu đồng/tháng...
Từ báo cáo trên, Bộ LĐTBXH đánh giá cơ chế quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng hiện hành đối với doanh nghiệp Nhà nước được điều chỉnh phù hợp với từng mô hình chuyển đổi doanh nghiệp Nhà nước.
Cơ chế này góp phần thúc đẩy các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp tích cực sắp xếp lại tổ chức sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Nhà nước bảo đảm quyền tự chủ cho doanh nghiệp trong việc tuyển dụng, sử dụng lao động; quyết định thang, bảng lương, xếp lương, nâng lương, quỹ tiền lương theo nguyên tắc năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh tăng thì tiền lương tăng và ngược lại. Từ đó, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thiết lập thang giá trị lao động. Tiền lương ổn định và tăng theo hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, cải thiện 8 - 10%/năm.
Như vậy, nếu so sánh thì tiền lương của các lao động làm trong các doanh nghiệp nhà nước có mặt bằng tiền lương cao hơn hẳn so với các doanh nghiệp tư nhân. Theo tổng Cục thống kê, tiền lương bình quân của người lao động trong cả nước quý III/2024 mới chỉ đạt 7,6 triệu đồng/người/tháng. Tiền lương của lao động làm khu vực tư nhân mới đạt khoảng 8 triệu đồng/tháng. Tiền lương của Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước, tiếp theo đó là đến Hà Nôi; Đồng Nai; Bình Dương và các tỉnh đồng bằng Sông Hồng.
Tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước phát sinh nhiều bất cập, chênh nhau cả chục lần
Mặc dù tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước có tăng qua các năm nhưng chế độ tiền lương, tiền thưởng trong doanh nghiệp Nhà nước cũng đang phát sinh một số bất cập. Đơn cử như cơ chế tiền lương đang có sự phân biệt giữa doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và doanh nghiệp có cổ phần chi phối của Nhà nước. Tiền lương có sự tăng giảm thất thường do liên quan tới quy định chế độ tiền lương dựa trên năng suất lao động, hay doanh thu.
Bên cạnh đó, chính sách tiền lương quy định nguyên tắc chung gắn tiền lương với năng suất lao động và hiệu quả, nhưng chưa có sự phân biệt rõ theo quy mô năng suất, và hiệu quả giữa các doanh nghiệp. Điều này dẫn đến có chênh lệch khá lớn về tiền lương, nhất là tiền lương của người quản lý giữa các doanh nghiệp ở 2 loại hình doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, và doanh nghiệp cổ phần chi phối, giữa ngành nghề, lĩnh vực khác nhau.
Chẳng hạn, ngành sản xuất, công nghiệp, tiền lương bình quân của người quản lý khoảng 40-50 triệu đồng/tháng.
Trong khi ở các ngành viễn thông khoảng 60-90 triệu đồng/tháng; ngành ngân hàng tài chính khoảng 100-120 triệu đồng/tháng, có doanh nghiệp hiệu quả cao lên đến 200 triệu đồng/tháng.
Mặt khác, tiền lương của người quản lý mặc dù đã được điều chỉnh một bước, nhưng vẫn còn thấp so với các chức danh quản lý tương đương trên thị trường, nên chưa tạo được động lực cho những người quản lý giỏi.
Theo thống kê, một số doanh nghiệp trả lương cho người quản lý 130-150 triệu đồng/tháng; ngân hàng thương mại trả 150-200 triệu đồng/tháng, có trường hợp trả 250-300 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, họ còn được hưởng tiền thưởng theo hiệu quả sản xuất, kinh doanh bằng 30-50% tiền lương.
Từ kết quả trên, Bộ LĐTBXH kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng trong doanh nghiệp Nhà nước là rất cần thiết để khắc phục những bất cập. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ nội dung cải cách tiền lương đối với doanh nghiệp Nhà nước theo Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương.
Bộ này cũng công bố dự thảo Nghị định quản lý tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước và cho đăng tải lấy ý kiến rộng rãi.
Chia sẻ thêm về tiền lương, chế độ thưởng trong doanh nghiệp nhà nước, ông Phạm Minh Huân - Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng tiền lương ở khu vực này chịu nhiều cơ chế ràng buộc. Được hoạt động như một doanh nghiệp, có thu có chi, nhưng lại chịu sự điều phối của nhà nước vì thế cơ chế tiền lương chưa thể được "cởi trói".
Theo ông Huân, tiền lương của cấp lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp nhà nước có thể cao, nhưng chưa thể cao bằng cấp quản lý trong doanh nghiệp tư nhân. Tại đây, những người giỏi được thuê về có thể nhận mức lương 400-500 triệu đồng/tháng, chưa kể thưởng.
Không chỉ về tiền lương, nhiều chuyên gia cho rằng, cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm lãnh đạo trong doanh nghiệp nhà nước lâu nay vẫn còn khá nhiều bất cập. Lý do là bởi nhiều người giởi không phải là đảng viên, không đáp ứng được điều kiện để bổ nhiệm quản lý.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.