Tiến sĩ công nghệ thông tin mê đắm di sản

Lê Tiên Long Thứ tư, ngày 24/01/2024 16:00 PM (GMT+7)
Bước sang tuổi 75, nhưng tiến sĩ công nghệ thông tin (CNTT), nhà giáo Nguyễn Chí Công vẫn thể hiện sức làm việc đáng nể.
Bình luận 0

Vừa hoàn thiện bộ sách giáo khoa Tin học, ông liên tiếp cho ra mắt 2 cuốn sách "1000 điểm đến đồng bằng Bắc Bộ", mới nhất là tập 2 giới thiệu 103 di tích lịch sử quanh các hồ, đầm Hà Nội đến tay độc giả vào giữa tháng 1/2024.

Tập 1 cuốn sách "1000 điểm đến đồng bằng Bắc Bộ" giới thiệu về các di tích ven sông Tô Lịch cũng chỉ vừa ra mắt cách đây 3 tháng. Bộ sách của ông dự kiến sẽ có 10 tập, do NXB Nông nghiệp xuất bản.

Từ di sản ở Thủ đô...

TS Lê Lân – Tổng Biên tập NXB Nông nghiệp, chia sẻ: "Tôi cực kỳ ấn tượng với sức làm việc của anh Nguyễn Chí Công. Ở tuổi ngoài thất thập mà anh mà biên soạn một tập sách chỉ trong vòng 3 tháng với đầy đủ thông tin, hình ảnh do chính anh chụp, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí chính xác, khoa học mà vẫn hấp dẫn, rất đáng nể!".

Tiến sĩ công nghệ thông tin mê đắm di sản- Ảnh 1.

TS Nguyễn Chí Công (phải) tặng sách cho độc giả trẻ. Ảnh: T.L

Ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần sách Alpha Book cho rằng: "Anh Công thể hiện rõ rệt tâm huyết của một con người yêu di sản, kế thừa quá khứ, lại có thể kết nối bằng công nghệ. Anh đã kế thừa di sản của gia đình, cùng với nỗ lực cá nhân và phát huy cao nhất khả năng của công nghệ".

Nghe lời bình luận này, TS Công chỉ cười. Ông cho biết, niềm đam mê với các di sản văn hóa Việt đã hình thành nơi ông từ 50 năm qua. Những năm cuối thập kỷ 70, khi có các đồng nghiệp CNTT nước ngoài sang làm việc ở nước ta, ông thường là người đưa họ đi tham quan các danh thắng, di tích, từ đó, niềm yêu mến các di sản trong ông mỗi ngày mỗi lớn. Thường xuyên chụp ảnh, ghi chép về các di sản, ông Công cảm thấy xót xa khi các công trình ngày một xuống cấp, bị hư hại, phải trùng tu hay xây mới, không còn giữ được hình dáng, hồn cốt cũ.

"Tôi đã chụp và hiện lưu giữ được hàng vạn bức ảnh về các di sản", tay lướt chuột chỉ vào từng thư mục trong máy tính được sắp xếp khoa học, TS Công nói. Với nỗi lo các di sản đang bị "làm mới" hay thậm chí biến mất, ông đã viết hàng nghìn bài viết, lần lượt đăng lên các trang web cá nhân như dongtac.hncity.org (tên làng Đông Tác nơi ông sinh ra và hiện vẫn sinh sống tại phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội ngày nay), 360.hncity.org…

Là người hiểu Hán, Nôm, lại có kinh nghiệm chế bản, nên ông Công có thể đẩy tốc độ biên soạn sách lên nhanh nhất có thể. Mỗi tập sách được ông biên soạn gồm 200 trang, giấy tốt, ảnh màu, giúp những người yêu du lịch, mê di sản dễ dàng "cuộn sách bỏ balo" khi đi tham quan. Ông mong muốn sẽ tiếp tục xuất bản các tập sách dịch ra tiếng Anh để trởthành sách hướng dẫn du lịch cho du khách nước ngoài.

Theo lời TS Công, tập sách đầu tiên là về các di sản dọc sông Tô Lịch vì dòng sông này có vị trí rất quan trọng trong việc hình thành và gìn giữ văn hóa Hà Nội. Tập thứ hai về các di sản quanh các đầm, hồ Hà Nội cũng vậy, do Hà Nội là thành phố của đầm, hồ, hiện vẫn có tới hơn 3.000 hồ, ao và hầu hết các di sản đều nằm quanh các hồ, đầm đó. Các tập tiếp theo sẽ mở rộng ra các vùng, miền, như xứ Đông, xứ Đoài, xứ Kinh Bắc, Sơn Nam, Thanh, Nghệ, Tĩnh…

Đi theo di tích, hình dung lại lịch sử

Tiến sĩ công nghệ thông tin mê đắm di sản- Ảnh 2.

Hai tập đầu của bộ sách “1000 điểm đến Đồng bằng Bắc Bộ”. Ảnh: T.L

Tham dự buổi giao lưu ra mắt sách của TS Nguyễn Chí Công, TS Nguyễn Thành Nam - nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT, nhà sáng lập Đại học trực tuyến FUNiX, chia sẻ: "Chúng ta chỉ quen nhìn những di tích này dưới góc nhìn kiến trúc thị giác: mái cong, cột gỗ hay cây cổ thụ, khá hơn chút nữa là đọc được hoành phi câu đối. Anh Công thì nhìn thấy ở những di tích đó dòng chảy ngầm của lịch sử dân tộc. Những câu chuyện mà ngay chính sử cũng có thể bị bỏ qua, thì vẫn còn nguyên vẹn trong dân chúng, được ghi lại trong truyền thuyết trong tâm thức dân gian. Đi theo những "di tích" cùng về một nhân vật, hoặc một dòng sông, dãy núi ta có thể hình dung lại được lịch sử".

Sinh năm 1949 trong một gia đình trí thức ở Hà Nội, TS Nguyễn Chí Công là cháu nội của nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn Hữu Cầu, tức "cụ cử Đông Tác", một trong những sáng lập viên của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Thân sinh ông là GS Nguyễn Hữu Tảo (1900-1966), là một trong những người có công với nền giáo dục ở Việt Nam.

TS Nguyễn Chí Công vốn là chuyên gia nổi tiếng trong ngành CNTT, tốt nghiệp đại học tại Cộng hòa Czech, về nước làm việc, ông đã tham gia chế tạo chiếc máy vi tính đầu tiên của Việt Nam năm 1977. Ông từng giữ các chức vụ Giám đốc Trung tâm Hệ thống thông tin ISC thuộc Viện Nghiên cứu Công nghệ quốc gia, Trưởng Tiểu ban Mạng thuộc Chương trình quốc gia về CNTT. Hiện ông là Trưởng ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn CNTT thuộc Viện Tiêu chuẩn Việt Nam, đồng thời là Tổng chủ biên bộ sách Tin học Kết nối tri thức với cuộc sống.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem