Kể chuyện làng: Hương tháng Chạp, nỗi nhớ da diết chốn quê nhà

Hạo Minh Thứ tư, ngày 24/01/2024 09:38 AM (GMT+7)
Những ngày cuối tháng Chạp, tôi thường giữ thói quen quay trở về quê nhà, đi tảo mộ ông, bà, bố, mẹ và nhiều người thân trong gia đình.
Bình luận 0

Mỗi khi xe dừng bánh, tôi hay đứng ngẩn ngơ hồi lâu, nghe trong mênh mang nắng gió, biết bao cảm xúc không nói nên lời. Hương tháng Chạp phút chốc đặc quánh lại, những cơn gió heo may chưa se sắt nhưng cũng đủ làm bản thân phải rùng mình khi có làn gió thổi qua.

Nhìn ra cánh đồng mênh mông, tôi ngẩn ngơ nhìn ánh nắng vàng như mật ong trải nhẹ mỏng manh trên những cánh đồng lúa chín vừa mới thu hoạch xong. Từng đàn trâu bò vì thời tiết đã dần se lạnh, không còn bận rộn công việc đồng áng, nên bắt đầu nhởn nhơ đi dạo trên cánh đồng, chứ không còn chăm chú gặm cỏ như mọi khi. Có cảm tưởng dường như loài vật cũng có linh tính, biết cảm nhận được thời tiết đẹp nên không thể bỏ qua những giờ khắc tuyệt vời nhất trong năm.

Sực nhớ lại khoảng đời tuổi thơ đã qua, đây cũng là lúc mùa thu hoạch ở làng đã hoàn thành, khi đâu đó trên những cánh đồng chỉ vương lại những sợi rơm vàng óng. Công việc của bố mẹ tôi và những cô chú làm nông trong làng vào thời điểm này cũng trở nên nhàn hạ hơn. Bố tôi thường nhân thời điểm này theo vài người bạn lên rừng tìm ít nấm hay mật ong để kiếm thêm thu nhập. Còn mẹ tôi sẽ nhân thời điểm này để gieo trồng ít hoa màu hoặc làm thêm các loại bánh mứt chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán sắp đến.

Kể chuyện làng: Hương tháng Chạp, nỗi nhớ da diết chốn quê nhà- Ảnh 1.

Chiều hoàng hôn. Ảnh: Tác giả cung cấp

Mặc dù người lớn bận rộn như thế nhưng bọn trẻ con chúng tôi lại nhàn rỗi vô kể. Chúng tôi cứ thế thong dong đi dạo dưới bầu trời cao trong xanh, tận hưởng không gian khoáng đạt hiếm hoi. Thi thoảng, những cơn mưa bóng mây bất chợt đi ngang qua khiến cho người đi đường phải vội vã tìm chỗ trú chân ở những góc vườn hoặc bụi cây ven đường. Bọn trẻ con chúng tôi chỉ cần gặp nhau lần đầu, cùng trú mưa một chốc lát, hoặc chụm đầu ngồi sưởi ấm cùng ngọn lửa, là thành thân thiết. Những cơn mưa đến rồi đi trong suốt khoảng đời tuổi thơ cũng đủ làm cho tâm hồn con người ta cảm thấy ấm áp, an lành.

Tháng Chạp trong tôi còn là thời điểm những cơn gió mùa tràn về trên khắp cánh đồng, lướt nhẹ qua đám gốc rạ vừa mới gặt xong. Cào cào châu chấu vì thời tiết giá lạnh mà thi nhau bay loạn xạ. Cũng vì sự bay loạn xạ của chúng mà tạo nên một làn gió nhẹ khiến cho mùi hương của ruộng đồng còn sót lại cứ bay lên mãi, tỏa vào trong những hẻm núi đang bị bao quanh bởi một màn sương mỏng manh tựa hồ như chiếc khăn voan lụa.

Thi thoảng, từng cơn gió se sắt lạnh thổi qua khiến đàn cò đang kiếm ăn dưới những chân ruộng phải giật mình, làm đám lông hai bên cánh và dưới cổ dựng ngược cả lên. Đâu đó, bên những rặng tre phía trong làng cong vút, từng đàn chim chèo bẻo quây quanh những ngọn tre và tranh cãi nhau chí chóe. Ánh nắng vàng lan ra khắp trên đường làng và trong từng tán cây đã trơ trụi trong các khu vườn nhà. Chỉ vài nét đơn thuần như thế mà tháng chạp đã đem mang đến cho tôi biết bao nhiêu kỷ niệm về những ngày xưa cũ. Đâu đó, giữa những gắt gao mạch đời, hình ảnh về một vùng làng quê êm ả cứ thế xuất hiện trong tâm trí tôi với biết bao hoài niệm nhớ thương.

Chợt nhớ thi thoảng nghe đài báo có gió mùa Đông Bắc, bố tôi sẽ đi lấy thêm mấy tấm phên nứa quây xung quanh chuồng lợn, chuồng gà để chống rét và giữ ấm cho đàn gia súc, gia cầm. Còn mẹ tôi lại cẩn thận mở tủ lấy thêm chiếc áo bông sờn cũ ra cho tôi khoác để bố đạp xe chở đi học vào buổi sớm mai. Đứa trẻ là tôi khi ấy thường ngồi sau lưng bố, nhìn từng vòng xe quay đều, quay đều trong giá rét, thấy lòng ấm áp đến lạ kỳ. Nhưng chẳng phải đứa trẻ nào cũng may mắn được như tôi. Nhiều người bạn cùng làng phải tự đi bộ đến trường với đôi chân trần, không mang giày, bị gió lạnh làm cho tím tái và se sắt.

Kể chuyện làng: Hương tháng Chạp, nỗi nhớ da diết chốn quê nhà- Ảnh 2.

Bố chở con đi học bằng xe đạp. Ảnh: Tác giả cung cấp

Thoáng chốc, giờ tan học đã đến, bụng đói cồn cào, tôi lại được bố đèo sau xe, chạy ngang qua cánh đồng, thấy trong gió làn khói bay lên thơm nức mùi khoai và hạt dẻ nướng mà thấy thổn thức, nao nao trong lòng. Trời mùa Đông vốn dĩ nhanh tối, có cảm tưởng như thiên nhiên cũng mong muốn con người sớm được quây quần bên nhau, cùng tận hưởng không khí ấm áp lan tỏa khắp nơi.

Khi về đến sân nhà, mẹ đã cẩn thận ngồi đun mấy gộc củi khô được đưa ra để xua đi phần nào cái lạnh giá của mùa Đông. Bên bếp lửa hồng, cả nhà tôi cùng nhau quây quần vừa ăn cơm vừa trò chuyện rôm rả. Mâm cơm quê dẫu đạm bạc, chỉ toàn những món ăn giản đơn nhưng vẫn ngon lành đến thế. Cũng bởi, từ những món ăn ấy, bọn trẻ con như chúng tôi cảm nhận được biết bao nỗi nhọc nhằn, vất vả của bố mẹ. Dẫu chỉ là ít rau trong vườn luộc, tô canh bầu, bí nấu với cá lóc đồng, cũng khiến chúng tôi cảm thấy thỏa thuê trong hạnh phúc. Và đương nhiên, điều khiến những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở nông thôn như tôi khi ấy nhung nhớ mãi vẫn là nồi cơm bếp củi. Nhấm nháp từng miếng cơm ngọt bùi, chúng tôi nhớ da diết hình ảnh của mẹ nhóm lửa từ củi, từ rơm để nấu cơm chiều. Khi những làn khói lam tỏa lên trên mái tranh nghèo khi trời chập choạng tối, quấn quýt từng tầng, từng lớp, cũng là thời điểm nồi cơm nấu từ gạo mới chín. Chỉ cần mở cái nắp nồi là một làn hương trong trẻo như mùi sữa ngọt lành, thoang thoảng rồi loang dần, quấn chặt mà đơm lên sống mũi. Nồi cơm đầu mùa với những hạt cơm trắng ngần, mây mẩy đều nhau khiến mấy đứa trẻ bụng đói háo hức một niềm vui khó tả.

Bữa cơm chiều bình yên bên khung cửa se sắt gió lạnh, khi mặt trời đã khuất sau rặng tre, luôn khắc ghi biết bao kỷ niệm khó quên. Bao buồn vui đồng áng, chuyện đời, chuyện người, kể cả chuyện mua sắm cho Tết, cứ thế mà rôm rả. Tiếng nói, tiếng cười nồng hậu bên những món ăn đồng quê. Có cảm tưởng cuộc sống cứ thế mà bình yên trôi qua từng ngày.

Thời gian cứ thế lặng lẽ trôi qua. Bố mẹ của tôi giờ cũng đi xa, chỉ còn lại chị em chúng tôi bơ vơ giữa dòng đời tất bật. Thi thoảng, có dịp quay trở về quê, đứng giữa ruộng đồng mênh mang, hít hà thỏa thuê mùi hương của tháng Chạp, tôi thấy lòng mình an tĩnh đến dịu dàng. Chợt nhớ những chiều muộn, cả nhà quây quần ngồi ăn cơm, nghe tiếng nồi ngô mẹ đang luộc trên bếp ùng ục sôi, chú mèo nằm co mình trong tro ấm, mặc cho ngoài kia, tiếng gió vẫn rít qua khe cửa như muốn ném từng vốc hơi lạnh buốt vào căn nhà nhỏ đơn sơ...

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0903226305.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem