Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT
Thời gian gần đây, dư luận đặt ra nhiều câu hỏi nghi ngờ xung quanh chất lượng đào tạo tiến sĩ. Điều này buộc cơ quan quản lý nhà nước là Bộ GD-ĐT phải thẳng thắn nhìn nhận, rà soát lại các quy định về đào tạo tiến sĩ hiện hành.
Rõ ràng với sự đòi hỏi cao hơn từ thực tiễn, bắt buộc các quy định cũng phải được đặt ra cao hơn, chặt chẽ hơn. Vậy, Dự thảo quy chế đào tạo tiến sĩ mới đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến có đáp ứng được đòi hỏi này của dư luận?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT sẽ làm rõ hơn những điểm mới của dự thảo quy chế đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam trong thời gian tới.
Thưa bà, mới đây, những hạn chế đào tạo tiến sĩ thời gian qua đã được Bộ GD-ĐT và các nhà khoa học thẳng thắn thừa nhận. Vậy, Bộ GD-ĐT sẽ làm gì để khắc phục tình trạng này?
Bộ GD-ĐT đã bắt tay vào điều chỉnh quy chế đào tạo tiến sĩ hiện hành. Theo đó, Bộ sẽ chú trọng vào trách nhiệm của cơ sở đào tạo trong việc quản lý tiến sĩ, trách nhiệm của Hội đồng chấm luận án, của người hướng dẫn và nghiên cứu sinh trong trường hợp có khiếu kiện về nội dung và chất lượng của luận án.
Ngoài ra, khác với quy chế hiện hành, quy định ngoại ngữ bắt buộc ở đầu ra, quy chế mới bắt buộc ngoại ngữ phải đạt chuẩn nhất định ngay từ đầu vào. Ngoại ngữ được xem là công cụ hỗ trợ cho nghiên cứu. Vì vậy, trước khi bắt đầu làm luận án, nghiên cứu sinh phải có trình độ ngoại ngữ cần thiết để nghiên cứu, tham khảo tài liệu.
Mặt khác quy chế mới cũng đòi hỏi nghiên cứu sinh phải chứng minh được năng lực ban đầu về nghiên cứu khoa học của mình thông qua những công trình đã công bố trong nước và quốc tế.
Ngoài ra để đảm bảo đầu ra, quy chế cũng yêu cầu nghiên cứu sinh phải có công bố quốc tế trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có phản biện hoặc công bố công trình trên các kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện trong quá trình làm nghiên cứu sinh tại cơ sở đào tạo và trước thời điểm luận án được thông qua ở đơn vị chuyên môn.
Để có một tiến sĩ giỏi, ngoài các yếu tố đầu vào, đầu ra như đã nói ở trên còn cần đề cập đến vai trò của người hướng dẫn. Một người hướng dẫn có trình độ thôi chưa đủ mà phải còn phù hợp với vấn đề mà người làm tiến sĩ lựa chọn để nghiên cứu. Lâu nay đôi khi điều này bị “bỏ qua”.
Vậy, quy chế mới có thay đổi gì liên quan đến vai trò của người hướng dẫn?
Quy chế mới quy định người hướng dẫn phải là người chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở hoặc tham gia nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ trở lên, là tác giả hoặc đồng tác giả của các công trình công bố quốc tế thuộc lĩnh vực nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án của nghiên cứu sinh.
Người hướng dẫn và hội đồng bảo vệ luận án cấp trường/viện phải có trách nhiệm cùng nghiên cứu sinh về nội dung luận án khi có khiếu kiện về vi phạm bản quyền tác giả (đạo văn).
Quy chế này có ảnh hưởng đến hoạt động đào tạo tiến sĩ hiện nay hay không?
Điều này đã được tính đến nên tổng thời gian đào tạo (kể cả thời gian gia hạn) sẽ rút ngắn hơn để đảm bảo phù hợp với xu thế chung và khác nhau đối với từng đối tượng tham gia dự tuyển (có bằng cử nhân, có bằng thạc sĩ), nhưng thời gian tối thiểu để hoàn thành luận án là 3 năm (thay vì 2 năm như trước đây) phù hợp với Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân.
Ngoài ra, quy chế cũng sẽ có một số điều chỉnh khác nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính cũng như một số quy định mà qua thời gian thực hiện quy chế từ 2010 đến nay không còn hiệu quả.
Một vấn đề được nhắc đến nhiều khi nói về chất lượng đào tạo tiến sĩ hiện nay kém là do chi phí cho đào tạo quá thấp (bình quân khoảng 15 triệu đồng/năm). Quy chế mới có khắc phục được bất cập này không, thưa bà?
Bất cập về chi phí đào tạo tiến sĩ đã được bàn đến nhưng ở phạm vi của Quy chế đào tạo chưa thể quy định cụ thể như việc nâng chi phí đơn vị (đầu tư đào tạo một nghiên cứu sinh/năm) ở mức tương đương với mức chi phí đơn vị trong khu vực, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, chi phí cho nghiên cứu sinh hay người hướng dẫn đi dự hội nghị, hội thảo nước ngoài...
Tuy nhiên từ việc nâng cao những quy định về chất lượng của nguồn tuyển, của quá trình tổ chức đào tạo buộc cơ sở đào tạo cũng như các cơ quan quản lý phải có những đề xuất hoặc giải pháp đảm bảo đầu tư xứng đáng để đạt chất lượng như mong muốn.
Trên cơ sở những ý kiến của các nhà khoa học, các cơ sở trực tiếp đào tạo, Bộ GD-ĐT cũng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khác để đề xuất Chính phủ sửa đổi những quy định về tài chính cho phù hợp với thực tế.
Trân trọng cảm ơn bà!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.