Tiến sĩ mỗi bữa ăn hết một nồi bảy cơm

Thứ tư, ngày 11/01/2023 16:32 PM (GMT+7)
Giai thoại kể rằng sức vóc to lớn vạm vỡ, hiếu học và ăn thì cực khỏe, mỗi bữa hết một nồi bảy cơm mà chưa no nên được phong là "Trạng ăn".
Bình luận 0

"Trạng ăn" Lê Như Hổ là một vị tiến sĩ nổi danh thời Mạc. Khác với hai vị "Trạng ăn" Lê Nại và Lương Hữu Khánh, Lê Như Hổ chỉ là con một gia đình nông dân, không có nguồn gốc thi thư khoa bảng. Tuy nhiên, ngay từ khi còn ít tuổi, chàng đã nổi tiếng học giỏi, và thêm cả tài... ăn khoẻ.

Tài ăn như hổ

Tiến sĩ mỗi bữa ăn hết một nồi bảy cơm - Ảnh 1.

Tiến sĩ Lê Như Hổ có tài ăn khoẻ nên còn được gọi là 'Trạng ăn'. Ảnh minh họa: IT.

Theo "Đại Việt sử ký toàn thư", Lê Như Hổ sinh năm 1511, mất năm 1581 người xóm Vông, xã Tiên Châu, huyện Tiên Lữ (nay thuộc Hồng Nam, thành phố Hưng Yên). Năm Quang Hòa thứ nhất đời vua Mạc Phúc Hải (1541), ông thi đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân.

Tương truyền, Lê Như Hổ là người có sức vóc to lớn, khôi ngô hiếu học, ăn thì cực khỏe, mỗi bữa hết một nồi bảy cơm mà chưa no nên được gọi là Như Hổ.

Dân làng Vông vẫn thường gọi Lê Như Hổ là cụ Nghè Tiên Châu hay quan Nghè Lê Như Hổ.

Ở tuổi thanh niên, Lê Như Hổ cao tới 5 thước 5 tấc (2,2m), người vạm vỡ khoẻ mạnh, còn hơn những lực điền khoẻ nhất trong vùng. Một gia đình khác rất giàu có ở làng Thiện Phiến bên cạnh nghe danh, lại mến tài liền đem con gái gả cho, nhưng bảo chàng đến ở rể - với mong mỏi chàng sẽ giống Trạng nguyên làng Mộ Trạch ở cách đấy không xa.

Khi Lê Như Hổ ở trong nhà bố vợ được vài ngày đã làm cho ông có phần thất vọng. Đã thổi riêng cho chàng rể một nồi năm cơm, mà sự học vẫn rất chểnh mảng. Thế rồi, một hôm nhân đến thăm nhà thông gia, ông đem chuyện ấy nói lại với thân sinh của Lê Như Hổ.

Lúc đó, ông thân sinh mới nói: "Ở nhà tôi, mỗi bữa thổi cho cháu ăn nồi bảy, còn ở nhà ông chỉ thổi cho cháu nồi năm, trách chi mà cháu không học được". Ông bố vợ ra về, bảo người nhà từ nay thổi riêng cho con rể nồi bảy, nhưng bà mẹ vợ vặn lại: "Thổi nồi năm đã xót ruột rồi, bây giờ lại còn nồi bảy. Vậy xin hỏi ông: Đọc sách nhiều thì để làm gì? Hay là chỉ được cái ăn hại".

Ông bố vợ ôn tồn: "Nó ăn khoẻ, tất sẽ làm khoẻ, còn học hành thì sẽ chăm hơn. Bà mẹ vợ bĩu môi: "Được. Có đám ruộng ở Rộc, cỏ hoang mọc đầy ra đấy. Ông bảo nó đi phát thử xem sao".

Sáng sớm hôm sau, cơm nước xong, ông bố vợ bảo con rể đi phát cỏ, thì cũng là lúc bà mẹ vợ quảy quang gánh đi chợ. Vì đường đi chợ qua đám ruộng hoang, Lê Như Hổ vác dao đến một gò đất cao cạnh ruộng nằm ngủ. Khi bà mẹ vợ đi chợ, rồi về vẫn thấy con rể đang ngủ, tức quá đay nghiến ông chồng.

Ông bố vợ cũng phải giật mình, bèn cùng bà đi ra ruộng. Chẳng ngờ thấy chàng rể ngồi trên bờ, nhưng dưới ruộng thì cỏ đã phát xong, lại thấy vô số cá nổi trên mặt nước. Đến ngày mùa lúa chín, bà mẹ vợ bảo con rể ra đồng, xem có thợ gặt thì thuê về độ 20 người. Chàng đi đâu đó một hồi lâu, đoán chừng cơm nước chuẩn bị cho thợ đã xong thì trở về nhà, nói "không có ai chịu đến làm thuê".

Bà mẹ vợ hoảng hốt: "Thôi chết. Cơm canh đã nấu rồi. Biết làm sao bây giờ?". Chàng rể mỉm cười: "Mẹ cứ để đấy cho con. Ăn được tất sẽ làm được. Mẹ không phải lo".

Nói rồi, chàng bảo vợ dọn cơm, còn mình thì vác dao ra bụi tre chặt một cây to vừa già vừa chắc, lấy đoạn gốc làm đòn xóc. Sau đó, ngồi ăn gần hết số cơm lót dạ của 20 người, rồi cầm liềm, thừng, vác đòn xóc ra ruộng, vậy mà đến gần trưa thì đã xong xuôi.

Từ đấy trở đi, việc trong nhà có chàng rể ăn nhiều chẳng còn là chuyện gì hệ trọng. Thỉnh thoảng bà mới nhờ chàng làm cho những việc nặng, còn thì giờ để chàng lưu tâm vào việc học tập - như ý nguyện của ông chồng.

"Trạng ăn" gặp bạn

Tiến sĩ mỗi bữa ăn hết một nồi bảy cơm - Ảnh 2.

Tư liệu bia đá cho biết, Lê Như Hổ là người có chức vụ cao nhất được lưu danh trong những người ở trấn Sơn Nam đỗ tiến sĩ.

Ba năm sau, vào năm Quảng Hòa thứ nhất (1541), triều Mạc Phúc Hải mở khoa thi, ông đỗ Tam giáp tiến sĩ khi mới 30 tuổi. Vinh quy bái tổ về làng, cả hai gia đình - bố vợ và bố đẻ đều được mát mặt. Tuy nhiên, tiếng đồn về làng Tiên Châu có ông Nghè ăn khoẻ - cũng như trước kia làng Mộ Trạch có ông Trạng ăn khoẻ cứ lan ra khắp vùng.

Ngoài giai thoại trên, dân gian còn kể nhiều về tài ăn khỏe của Lê Như Hổ. Một người bạn đỗ đồng khoa tên gọi Nguyễn Thanh, quê ở làng Bột Thái (Thanh Hoá), vốn cùng sức vóc lại hợp tính tình, nên khi ở nhà trọ để chuẩn bị dự kỳ thi, thường cùng trò chuyện.

Họ mời trước, hễ khi nào có dịp thì về nhà nhau chơi. Nhân đấy, Lê Như Hổ mới hỏi đùa bạn: "Gia tài nhà bác có đủ cho tôi ở lại một tháng không?". Nguyễn Thanh trả lời: "Có xá chi. Bác ở lại cả ba tháng cũng vẫn được".

Nhiều năm sau, Lê Như Hổ có việc công đi tới Thanh Hóa. Nhớ lời bạn dặn, chàng tìm đến nhà chơi, nhưng Nguyễn Thanh lại đi vắng, chỉ có người vợ ở nhà. Lê Như Hổ bảo với chủ nhân: "Tôi với quan bác vốn là chỗ bạn bè, chẳng cần giữ ý tứ làm gì. Nay đã gần trưa nên xin bác nấu cơm cho 30 người ăn".

Vợ Nguyễn Thanh vội bảo người nhà nấu cho 3 nồi mười cơm và làm một mâm thức ăn thật đầy. Bữa cơm dọn ra, không thấy 30 người đâu, chỉ có hai thầy trò Lê Như Hổ, vậy mà chẳng mấy chốc cơm lẫn thức ăn đều hết cả.

Năm sau, Nguyễn Thanh có việc công ra miền ngoài tìm đến nhà Lê Như Hổ. Chàng bảo người nhà thịt hai con lợn, đồ bốn chõ xôi để đãi khách. Khoảng một giờ sau, ba mâm của Lê Như Hổ hết veo, còn của Nguyễn Thanh chỉ xén mất một góc. Nguyễn Thanh thất kinh nói: "Tài ăn của bác, nếu tiên sinh làng Mộ Trạch sống lại, chắc cũng không thể hơn".

Lê Như Hổ cười: "Tôi xin hỏi thực, lần trước bác bảo gia sản có thể tiếp tôi đủ trong ba tháng, vậy bây giờ bác tính sao đây?". Nguyễn Thanh gật gù: "Thưa bác. Được đúng một tuần thôi ạ".

Tài lạ lừng hai nước

Tiến sĩ mỗi bữa ăn hết một nồi bảy cơm - Ảnh 3.

Đền thờ Tiến sĩ Lê Như Hổ tại Hưng Yên.

Lê Như Hổ làm quan cho nhà Mạc tới chức Tả thị lang. Trong các sách chính sử không thấy ghi chép việc ông đi sứ nhà Minh, nhưng theo giai thoại thì khi còn đương chức, ông từng được phong Phó sứ (Lê Quang Bí làm chánh sứ).

Vua nhà Minh biết tiếng sứ giả Đại Việt có người ăn khỏe khác thường nên sai dọn mâm cỗ 18 tầng cao, tầng thứ 18 là một đầu "nhân ngư" (con cá có đầu giống người) để dọa ông.

Như Hổ ăn hết tầng dưới đến tầng trên không nghỉ, đến tầng thứ 18 nhìn qua biết chiếc đầu cá liền bảo: Ta xưa nay chưa biết mùi thịt người thế nào, nay được hoàng đế cho ăn đầu người Bắc (Trung Quốc) thật là quý, hãy đem dấm lại đây.

Do lời nói ấy mà vua Minh tức giận sai người lấy giấy phết sơn, gắn hai mắt Lê Như Hổ lại, rồi dẫn ông đi loanh quanh suốt trong ba ngày liền. Đến cuối ngày thứ ba, viên quan đi theo hỏi: "Đây là chỗ nào?" Ông trả lời: "Là nơi bày tiệc tiếp sứ thần Đại Việt". Người Minh thán phục, có lệnh bóc sơn gắn mắt Lê Như Hổ ra.

Cũng trong chuyến đi sứ này, Lê Như Hổ lấy được giống đỗ đen và giấu vào chỗ kín đem về. Cho nên trong dân gian đỗ đen không dùng để cúng tế. Ông còn học được nghề làm dù và sau này người Việt coi ông là tổ sư của nghề làm dù ở nước ta.

Ngày nay, tại Văn miếu Xích Đằng ở Hưng Yên vẫn còn bia đá lưu danh Lê Như Hổ. Theo những tư liệu còn lưu trên bia, thì Lê Như Hổ là người có chức vụ cao nhất được lưu danh trong những người ở trấn Sơn Nam đỗ tiến sĩ.

Sau khi về quê an trí, Lê Như Hổ được vua triều Mạc ban cho toàn bộ đất đai thuộc địa bàn Hồng Nam ngày nay. Theo truyền miệng, xưa kia đây là vùng đất sình lầy, Lê Như Hổ đã hướng dẫn người dân khai mương làm thủy lợi tưới tiêu, thau chua rửa mặn để trồng lúa. Con sông đào kéo dài từ cống Viên Tiêu đến chân cầu Dí mang tên ông - là chứng tích còn lại đến nay.

PV (Theo GD&TĐ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem