Trạng nguyên cuối cùng của Việt Nam - Trịnh Huệ: Thực tài hay được nâng đỡ?

MA Chủ nhật, ngày 09/10/2022 18:31 PM (GMT+7)
Trịnh Huệ là vị trạng nguyên cuối cùng của chế độ khoa cử nước ta. Ông quê ở xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tình Thanh Hóa bây giờ. Sau dời cư về Bất Quần, tức xã Quảng Thịnh, huyện Quảng Xương ngày nay.
Bình luận 0

Khoa thi nho học Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức dưới Triều Lý Nhân Tông, niên hiệu Thái Ninh thư 4 (1075), gọi là Nho học tam trường. Lê Văn Thịnh trúng tuyển đỗ nhất, được vào hầu vua. Nhưng mãi tới triều Trần Thái Tông, niện hiệu Chính Bình thứ 16 (1247), mới đặt ra Tam khôi, gồm 3 bậc: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa.

Trạng nguyên cuối cùng của Việt Nam - Trịnh Huệ: Thực tài hay được nâng đỡ? - Ảnh 1.

Khoa thi năm Đinh Mùi này đã lấy đỗ 48 người, trong đó có vị trạng nguyên đầu tiên của nước ta là Nguyễn Hiền. Qua 63 kỳ thi Đình, lẫy đỗ được 45 vị trạng nguyên và đến khoa thi năm Bính Thìn, niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 2 (1736) đời Lê Ý Tông, thì người đỗ trạng nguyên là Trịnh Huệ (tức Trịnh Tuệ). Tuy sau khoa thi này, dưới triều Lê Trung Hưng, có gần hai chục lần thi Đình nữa, song không có ai đỗ trạng nguyên.

Còn dưới triều Nguyễn, từ khoa thi Đình năm Nhâm Ngọ triều Minh Mệnh thứ 3 (1822) đến khoa thi Đình cuối cùng của chế độ khoa cử Việt Nam dưới thời phong kiến, được tổ chức vào năm Kỷ Mùi, niên hiệu Khải Định thứ tư (1919) thì không có vị trạng nguyên nào, vì triều Nguyễn chỉ lấy bảng nhãn trở xuống.

Vậy Trịnh Huệ là vị trạng nguyên cuối cùng của chế độ khoa cử nước ta thời phong kiến. Ông quê ở xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tình Thanh Hóa bây giờ. Sau dời cư về Bất Quần, tức xã Quảng Thịnh, huyện Quảng Xương ngày nay. Trịnh Huệ hiệu là Tĩnh tâm Cư sĩ, sinh năm 1704, mất năm nào không rõ. Ông còn có tên là Tuệ, vì trùng tên với vợ chúa Trịnh Sâm là Đặng Thị Huệ, nên mới cải tên.

Được thiên vị vì dòng dõi nhà Chúa?

Theo Trịnh Vương Ngọc Phả thì ông là cháu đời thứ 4 của chúa Trịnh Tùng (1550-1623). Trước khi đỗ trạng, Trịnh Huệ đỗ hương cống và đã vào làm việc trong phủ Tân Nhân, giữ chức Phó hình phiên. Gia đình ông đều có những người đỗ đạt. Anh ruột là Trịnh Côn và các con ông là Trịnh Đức, Trịnh Sa đều đỗ hương cống và làm quan dưới triều Lê Trịnh.

Trịnh Huệ vốn thông minh, học giỏi, nhưng khoa thi Hội ông dự thì người họ Trịnh là Trịnh Diễm làm chủ khảo, đến khi thi Đình lại xảy ra một sự thay đổi khác những khoa thi trước, là các thí sinh, không vào sân rồng để vua Lê vấn thi, mà lại vào sân chúa để chúa Trịnh Giang hỏi thi. Theo sử sách ghi chép, thì việc đổi thay nói trên là do Hoàng Công Phụ, viên quan trong triều đình được chúa yêu, lại chơi thân với ông Huệ, bày đặt ra. Nên dư luận dị nghị cho rằng Trịnh Huệ không có tài, vì dòng dõi nhà Chúa nên mới được lấy đỗ trạng.

Ông Huệ lấy làm bực tức nói với mọi người “Tôi đã nhất Tam khôi mà nói là do Vương phủ thiên vị thì còn gọi gì là văn chương nữa! Nay để khỏi nghi ngờ, trong triều ngoài nội ai có câu hỏi gì khó ở bất cứ sách vở nào về kinh sử, tả truyện, ý nho, lý số thì đem đến tôi xin trả lời hết!”.

Nhiều người đến hỏi đã được ông giải đáp. Riêng có một phụ nữ nêu ý kiến: “Chiếc đũa là vật thiêng không có chân, lúc thì gẫy, lúc thì mất. Vậy nó chạy đi đâu, ở trong kinh điển nào?”

Trịnh Huệ trả lời: “Không thấy ở Thanh Hóa có núi Chiếc Đũa đó sao? Nó không có chân mà chạy về gốc đấy!”.

Mọi người đều bái phục ông thông minh và hiều biết rộng. Quả ở Thanh Hóa, nơi cửa biển Thần Phú, nay thuộc địa phận làng Văn Đức, xã Nga Phú, huyện Nga Sơn có ngọn núi đứng một mình tên chữ là “Chính Trợ Sơn” gọi nôm là núi Chiếc Đũa, đã có tên trong sách vở. Một số vua chúa, danh nhân nước ta có thơ đề vịnh ngọn núi này. Ví như Thiên Nam động chủ ( Lê Thánh Tông) thế kỷ 15, Thượng Dương động chủ ( Lê Hiến Tông) đầu thế kỷ 16, Nhật Nam nguyên chủ(Trịnh Sâm) thế kỷ 18.

Có lẽ người phụ nữ hỏi về núi Chiếc Đũa nhằm thử trạng nguyên Trịnh Huệ kiến thức có thật sâu rộng không, cả kiến thức sách vở và kiến thức thực tế về núi Chiếc Đũa ở ngay tại quê hương ông.

Đường công danh gập ghềnh

Sau khi đỗ Trạng nguyên, Trịnh Huệ nhanh chóng được phong Đông các đại học sĩ, rồi lên tới chức Tham tụng (Tể tướng). Nhưng chỉ được ít năm, đến đời chúa Trịnh Doanh, ông bị nghi ngờ theo đảng phản nghịch, cùng với Hoàng Công Phụ nên phải biếm chức, bị bắt giam, rồi được thả và giữ chức Thư chính Sơn Nam, Tế tửu Quốc Tử Giám. Con đường công danh của ông cũng gập ghềnh, không phát huy được hết tài năng.

Trịnh Huệ là tác giả cuốn sách “Tam giáo”, là người nhuận sắc và soạn văn một số bia hiện còn ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình… Đặc biệt ông cùng với Bảng nhãn Hà Tông Huân (1697 -1766) người cùng quê đã soạn văn bia: “Khánh nguyên kỳ bị ký” dựng năm Cảnh Hưng thứ 13 (1752) để ghi công tích đối với dân với nước của nhân vật có hiệu là Quy Triều hầu, khi mất được tặng phong là Đô đốc trụ quốc Thượng tướng quân, người huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Đây là tấm bia khá đặc biệt, vì soạn văn là Trịnh Huệ và Hà Tông Huân, hai người đứng nhất nhì bảng Tam khôi và đều giữ chức Tể tướng!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem