“Tiến sĩ y khoa 200 triệu” và sự vô phước của người bệnh nước Nam

Chân Tâm Thứ ba, ngày 19/08/2014 06:30 AM (GMT+7)
Đọc xong bài báo “200 triệu đồng lấy được tấm bằng tiến sĩ y khoa” trên báo Dòng Đời của Báo NTNN, tự nhiên thấy rùng mình kinh sợ và tất nhiên là cả một sự bất bình đến mức chỉ muốn sỉ vả. 
Bình luận 0

Không bất bình sao được khi cái bằng tiến sĩ y khoa được người ta mua bán như một món hàng bình thường giữa chợ. Mà có lẽ, thỏa thuận mua bán bằng tiến sĩ y khoa còn dễ dàng hơn mua bán một món hàng. Người có nhu cầu chỉ cần nói qua loa về mình và mục đích kiếm cái bằng. Sau đó là bên bán làm hết các thủ tục cần thiết từ viết bài, làm luận án và thiết kế “hội đồng”... Có lẽ trên thế giới, không có nơi đâu mua bằng tiến sĩ dễ như nước Nam này (?!).

img Đại học Y dược Thái Nguyên.

Không bất bình sao được khi người bán là PGS - Trưởng bộ môn Y học cộng đồng của Trường Đại học Y Thái Nguyên. Là một thầy thuốc và là một thầy giáo, có học hàm phó giáo sư, mà người thầy này có thể táng tận lương tâm đi làm cái việc kinh khủng là bán bằng tiến sĩ y khoa, và theo như vị phó giáo sư này nói là đã bán cho nhiều người.

Phó giáo sư thừa biết sẽ rất nguy hiểm khi cấp cái bằng tiến sĩ y khoa dỏm vì nó liên quan trực tiếp đến mạng sống của con người, nhưng ông ta vẫn làm, động cơ duy nhất là vì tiền.

Không bất bình sao được khi loại bác sĩ dỏm, tiến sĩ giấy này sẽ khoác chiếc áo thầy thuốc, trí thức để hành nghề.

Sẽ vô phước cho bệnh nhân nào gặp phải tay của các bác sĩ, tiến sĩ y khoa ra trường từ cái lò ấp dối trá và man rợ này. Người ta bỏ ra 200 triệu đồng để lấy cái bằng và sau đó mở phòng mạch, khám chữa bệnh để thu hồi vốn, rồi lấy lãi. Không chỉ có thế, với cái bằng tiến sĩ y khoa, người ta có thể leo trèo lên chức này vụ nọ, có quyền quyết định nhiều vấn đề liên quan đến đơn vị, cộng đồng. Tai họa cho người dân, cho xã hội khi ấy không thể lường hết được.

Nhưng chắc chắn rằng, một mình vị phó giáo sư này sẽ không thể bán được bằng tiến sĩ y khoa mà cần phải có sự hợp tác của nhiều người khác, cái đó gọi là “đường dây”.

Để luận án “dỏm” được đủ điểm, phải có sự tiếp tay của những người tham gia hội đồng bảo vệ luận án. Nếu như chỉ cần có một người phản biện không đồng ý và tố cáo gian lận, thì sẽ không thể có một hợp đồng mua bán nào thành công.

Nhưng ở Trường Đại học Y Thái Nguyên, người ta có quyền nghi ngờ không chỉ có một hợp đồng bán bằng tiến sĩ y khoa duy nhất. Và cũng chưa có ông hội đồng nào tố cáo gian lận.

Vậy thì, không thể nói không có một đường dây. Và với chứng cứ như báo chí đưa, thì có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra. Từ đó, sẽ phăng ra đường dây bán bằng cấp ở đây.

Để làm vơi bớt sự bất bình cũng như lấy lại lòng tin người dân thì không còn cách nào khác là phải nghiêm trị những kẻ liên quan!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem