Tiền từ ngân hàng ùn ùn đổ vào BĐS trong cơn sốt đất

Trung Kiên Thứ tư, ngày 07/04/2021 16:26 PM (GMT+7)
Trong 3 tháng đầu năm 2021, sốt đất đã diễn ra trên nhiều địa phương của cả nước. Theo những con số thống kê mới được công bố, đã có một lượng tiền lớn từ ngân hàng đổ vào những “cơn sốt” này.
Bình luận 0

Kể từ đầu năm 2021 đến nay, thị trường BĐS trở thành một trong những kênh đầu tư nhận được sự quan tâm lớn của nhiều người. Những khu vực như Hòa Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hòa Lạc, Đông Anh, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu và Kiên Giang,… trở thành những địa điểm được nhắc tới nhiều khi giá đất tăng cục bộ, có nơi tăng 3-4 lần chỉ sau vài tháng.

Trước hiện tượng sốt đất xảy ra trên hầu khắp các địa phương cả nước, câu hỏi được nhiều người đặt ra là tiền ở đâu chảy vào bất động sản góp phần "thổi giá" nhà đất?

img

Tiền rẻ từ các ngân hàng được xem là một trong những nguyên nhân gây nên những cơn sốt đất nền thời gian qua

Trả lời câu hỏi này, nhiều người cho rằng nhiều nhà đầu tư chốt lời trên thị trường chứng khoán, tiền điện tử chuyển sang đất. Trong khi đó, ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc một sàn giao dịch BĐS lớn tại Hà Nội cho rằng việc cả nước như một đại dự án được tung ra với quy hoạch đồng bộ. Những thông tin tích cực này được sự hồ hởi của dòng tiền rẻ đã "chắp cánh" cho nhau, tạo sự gia tăng về thanh khoản và giá bất động sản.

Theo khảo sát, hiện có hàng chục ngân hàng đang triển khai các gói cho vay tiêu dùng, trong đó có cho vay mua bất động sản với lãi suất khá hấp dẫn, dao động từ khoảng 4,99 - 10%/năm. Nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất cho vay đang thấp nên nhiều người vay để đầu tư vào bất động sản.

Số liệu từ Bộ Xây dựng cho thấy, hết năm 2020, tín dụng ngân hàng cho vay bất động sản đạt 633.740 tỷ đồng. Còn theo số liệu từ Cục thống kê TP. Hà Nội, tính đến hết tháng 2, cho vay bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng dư nợ với 419.000 tỷ đồng (20,9%).

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2021 vừa qua Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cũng cho biết, vấn đề bất động sản thời gian gần đây tương đối nóng, tại nhiều địa phương, giá bất động sản có chiều hướng tăng lên.

Theo ông Tú, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, trong đó có tình trạng một số đối tượng cơ hội, tung tin không chính xác dựa vào một số vấn đề hiện nay trong công tác điều hành giá cả, thuế đất… để kiếm chênh lệch, lợi nhuận từ việc đầu cơ.

Về dòng tiền từ các ngân hàng đổ vào BĐS, ông Đào Minh Tú cho biết đến ngày 15/3, dư nợ cho vay bất động sản của ngành Ngân hàng tăng khoảng 2,13%, cao hơn tốc độ tăng tín dụng hiện nay (2,04%).

Đây là lần đầu tiên sau 5 năm, dư nợ cho vay bất động sản có tốc độ tăng trưởng mạnh hơn tăng trưởng tín dụng chung toàn thị trường. Tuy nhiên, ông Tú nhận định mức tăng 2,13% cũng không phải ở tất cả tổ chức tín dụng mà chỉ ở một vài đơn vị.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, so với mặt bằng đầu năm 2015-2016, lãi suất huy động giảm 2,3%, lãi suất cho vay bình quân đã giảm 3,6% so với giai đoạn trước đây. Đến nay, lãi suất cho vay tối đa cho các đối tượng ưu tiên ở mức 4,5%, giảm khoảng 2,5% đối với các đối tượng ưu tiên này nếu so với năm 2016.

Ông cũng cho biết hiện tại, các ngân hàng chưa công bố báo cáo tài chính quý I/2020 nên chưa rõ những gương mặt nào sẽ "đóng góp" nhiều nhất khiến lần đầu tiên tăng trưởng dư nợ cho vay bất động sản vượt tăng trưởng tín dụng chung toàn thị trường sau 5 năm.

img

Ngân hàng MSB là một trong những nhà băng có dư nợ tín dụng trong lĩnh vực BĐS đạt 2 chữ số - Ảnh MSB

Tuy nhiên, có thể điểm danh một vài ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cho vay bất động sản cao vượt trội trong năm 2020.

Tại thời điểm 31/12/2020, ngân hàng Techcombank đang dẫn đầu về số dư và tỷ trọng cho vay kinh doanh bất động sản, ở mức 91.360 tỷ đồng và chiếm 33,4% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng mẹ đến cuối năm 2020. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của Techcombank năm 2020 thấp hơn khá nhiều, chỉ đạt 20,2%.

Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng ghi nhận dư nợ cho hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 75,4% lên 9.395 tỷ đồng hồi cuối năm 2020. Còn chỉ tiêu cho vay khách hàng tại MB chỉ tăng 19,2%.

Bên cạnh đó, nhiều nhà băng khác có tỷ trọng cho vay lĩnh vực này đạt 2 chữ số trong tổng dư nợ đến cuối năm 2020 như: VPBank gần 28.400 tỷ đồng (12,8% tổng dư nợ); MSB với 9.020 tỷ đồng (chiếm 11,4%); Vietcapital Bank với gần 5.700 tỷ đồng (chiếm 14,2% tổng dư nợ )…

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem