Tại Quốc hội (QH) khóa 13 lần này, số đại biểu là doanh nhân có tăng lên, song những doanh nhân làm về nông nghiệp vẫn còn khá khiêm tốn. Bởi thế, mỗi lần phát biểu, tiếng nói của họ đều được đông đảo cử tri, bà con nông dân dõi theo.
Một trong những doanh nhân đang có tiếng nói khá sâu, sát, trúng, đúng về tình hình nông nghiệp trên nghị trường Quốc hội hiện nay chính là ông Hà Sỹ Đồng, Đại biểu QH tỉnh Quảng Trị. Ông Đồng hiện là Chủ tịch HĐTV, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên (MTV) Lâm nghiệp Bến Hải. Công ty này là một trong những đơn vị hiếm hoi “lột xác” thành công từ mô hình lâm trường trước đây.
Ngoài vị trí một “chủ rừng” có tiếng ở đất Quảng Trị, những ngày kỳ họp QH đang diễn ra này, cử tri còn được biết đến một đại biểu Hà Sỹ Đồng tâm huyết, sôi nổi trên nghị trường. Ông cảm thấy thế nào khi mình đảm đương cùng lúc hai vai như vậy?
- Sau khi trúng cử đại biểu QH, tôi nhận thấy rằng trách nhiệm của mình đối với nhân dân và cử tri là rất lớn. Tôi cố gắng sắp xếp công việc chuyên môn ở công ty để có thời gian đến với cử tri, đặc biệt là nông dân, gia đình chính sách ở vùng sâu, vùng xa. Tôi lắng nghe những tâm tư, những vấn đề nổi cộm, bức xúc của bà con để phản ánh đến các cơ quan chức năng ở địa phương và T.Ư tìm hướng giải quyết.
Với cương vị là đại biểu QH, ông đang quan tâm nhất đến những vấn đề gì?
- Trong bối cảnh suy giảm kinh tế hiện nay, vấn đề tôi quan tâm nhất là làm sao ổn định kinh tế vĩ mô, giảm lạm phát. Trong đó, các doanh nghiệp đang thiếu vốn sản xuất, thị trường khó khăn, chậm áp dụng khoa học kỹ thuật đang đặt ra vấn đề phải tái cấu trúc nền kinh tế như Chính phủ đang làm.
Tôi cũng góp những ý kiến để làm sao cho quá trình tái cấu trúc này, đặc biệt là lĩnh vực tiền tệ có những chính sách thông suốt từ trung ương đến địa phương. Giữa doanh nghiệp và ngân hàng phải có mối quan hệ hài hoà. Ngân hàng thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp với một cơ chế sòng phẳng trong việc bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ cho doanh nghiệp có vốn sớm nhất. Về lãi suất, tôi đề nghị cần ổn định lại suất cho vay chứ không nên quy định lãi suất đầu vào. Hãy để các ngân hàng thương mại có cách thu hút được đầu vào.
|
Theo ông Hà Sỹ Đồng, Nhà nước cần mạnh dạn giao rừng cho dân. |
Là đại biểu QH duy nhất đại diện cho các doanh nghiệp trồng rừng, ông sẽ góp tiếng nói gì để phát triển doanh nghiệp lâm nghiệp?
- Công ty Bến Hải có hàng chục năm trong lĩnh vực trồng, khoanh nuôi, trồng mới để làm giàu từ rừng, bảo vệ rừng. Thực tế, sau khi chuyển đổi từ mô hình lâm trường sang mô hình công ty TNHH nhà nước MTV, chúng tôi từng bước bình đẳng với các doanh nghiệp khác; tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ quan tâm đến vấn đề cổ phần hoá doanh nghiệp, vườn cây, đất rừng theo hướng đa chủ sở hữu để người lao động của lâm trường, người dân trên địa bàn có quyền tham gia phần vốn để làm giàu, phát triển rừng. Đặc biệt, Nhà nước cũng đỡ phải bao cấp như trước đây.
Có ý kiến cho rằng, việc chuyển đổi các lâm trường thành các công ty TNHH nhà nước MTV chỉ là sự thay tên đổi họ, còn bản chất vẫn không có gì thay đổi. Ông nghĩ gì về đánh giá này?
- Người ta nói như vậy là không sai, vì công ty lâm nghiệp hiện nay vẫn chịu sự quản lý, điều tiết quá nhiều của Nhà nước. Đặc biệt cần đẩy mạnh tiến trình cổ phần hoá các lâm trường, công ty lâm nghiệp theo mô hình đa chủ sở hữu thực sự, tránh việc bao cấp, quản lý ràng buộc kém hiệu quả như trước đây.
Trong quá trình cổ phần hoá lâm trường, doanh nghiệp lâm nghiệp, Nhà nước vẫn sở hữu và cho các lâm trường, công ty lâm nghiệp thuê đất bình đẳng như các thành phần kinh tế khác. Cây rừng thì được định giá và cổ phần hoá với sự tham gia thực sự của các công ty và người trồng rừng. Có như vậy, doanh nghiệp và người dân mới thực sự làm chủ vườn cây, để phát triển kinh tế rừng.
Cán bộ công nhân viên của Công ty Lâm nghiệp Bến Hải hiện nay là 200 người; thu hút thêm 300 lao động địa phương. Mức thu nhập trung bình của công nhân là 5-6 triệu/tháng. Công ty Bến Hải cũng vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2003.
Việc bảo vệ rừng được xem là nhiệm vụ của Nhà nước, cộng đồng. Nếu cổ phần hoá, rừng có được an toàn dưới những ông chủ tư nhân hay không?
- Cổ phần hoá thì việc bảo vệ rừng sẽ tốt hơn. Trước đây, chủ rừng là Nhà nước, công nhân chỉ là người làm thuê. Nếu cổ phần hoá, công nhân được đóng cổ phần thì họ mới là người làm chủ thực sự. Về đất rừng, sau khi cổ phần hoá, Nhà nước vẫn sở hữu, nhưng cho doanh nghiệp thuê, hoặc giao khoán cho dân. Trên tổng thể một khu rừng, nếu đa chủ sở hữu, thì tiềm lực kinh tế sẽ bổ sung mạnh hơn và rừng sẽ được chăm sóc tốt hơn. Trong quá trình cổ phần hoá, nông dân sẽ gắn bó lâu dài và thu hút được vốn đầu tư cho ngành kinh tế lâm nghiệp hơn.
Xin cảm ơn ông!
Sỹ Lực (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.