Tiếp công dân, người đứng đầu cấp ủy Hà Nội có trách nhiệm gì?

Thành An Thứ ba, ngày 14/05/2019 08:19 AM (GMT+7)
Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về thực hiện Quy định của Bộ Chính trị "Về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân".
Bình luận 0

Theo Kế hoạch thực hiện, người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân; thực hiện nghiêm việc tiếp dân, đối thoại và xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Trong quá trình tiếp dân, đối thoại và xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân, phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của dân; dân chủ, công tâm, khách quan, kịp thời, trung thực, đầy đủ, rõ ràng, đúng thời hạn, đúng phạm vi thẩm quyền; trình tự, thủ tục đơn giản, tạo thuận lợi cho người dân; bảo mật thông tin, bảo đảm an toàn cho người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo theo quy định.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo đảm trật tự, an toàn cho việc tiếp dân, bảo vệ người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên địa bàn được phân công phụ trách; thông báo thời gian, địa điểm tiếp dân trên Cổng/Trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức (nếu có) và trụ sở làm việc của người đứng đầu cấp ủy và địa điểm tiếp dân.

img

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong một buổi tiếp công dân.

Kế hoạch nêu rõ, trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ khi tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo người đứng đầu cấp ủy thông báo bằng văn bản đến người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về việc tiếp nhận để giải quyết hoặc đã chuyển, chỉ đạo cơ quan, người có thẩm quyền xử lý, giải quyết (nêu rõ cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền giải quyết để người dân biết).

Trường hợp nội dung phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo phức tạp, thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương cần có thêm thời gian xem xét, xử lý thì thời hạn có thể kéo dài, nhưng không quá 15 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo.

Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ khi nhận được phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo do người đứng đầu cấp ủy chuyển, chỉ đạo giải quyết, cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền giải quyết có văn bản báo cáo người đứng đầu cấp ủy và thông báo bằng văn bản cho người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo biết về kết quả tiếp nhận để giải quyết và chỉ đạo giải quyết...

Mới đây, UBND Hà Nội vừa có văn bản hướng dẫn cụ thể nếu công dân có đề nghị quay phim, chụp ảnh, ghi âm hoặc đề nghị cung cấp dữ liệu buổi tiếp công dân.

Trong đó, các quy định về việc công dân muốn ghi âm, ghi hình hay chụp ảnh cán bộ tiếp công dân phải xin phép vẫn giữ nguyên. Thành phố bổ sung quy định cấm phát livestream hoặc các hình thức phát trực tiếp âm thanh, hình ảnh buổi tiếp công dân ra bên ngoài.

Cụ thể, thành phố đồng ý cho quay phim, chụp ảnh, ghi âm buổi làm việc nếu công dân: có đề nghị; chấp hành đúng các quy định về tiếp công dân và nội quy về việc tiếp công dân; cam kết sử dụng dữ liệu đúng quy định pháp luật.

Vị trí ghi âm, chụp ảnh, quay phim được hai bên thống nhất trước buổi tiếp, đảm bảo không làm lộ bí mật người tố cáo, thông tin tài liệu tố cáo của công dân khác.

Trước đó, Hà Nội ban hành nội quy của trụ sở tiếp công dân thành phố, trong đó quy định công dân "không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân". Quy định trên đã gây nhiều ý kiến trái chiều.

Về việc này, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND Hà Nội cho biết, những quy định TP đưa ra để tránh việc một số người cắt xén, đưa những hình ảnh, nội dung này lên mạng với mục đích xấu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem