Theo Tổng cục Lâm nghiệp, Chương trình lâm nghiệp Việt - Đức có khung thời gian 9 năm từ tháng 9.2005 – tháng 9.2014 nhằm mục tiêu tăng cường hiệu quả và tính bền vững của công tác quản lý rừng và ngành công nghiệp rừng tại Việt Nam, với 3 hợp phần chính: quản lý bền vững rừng tự nhiên; chế biến, thương mại và tiếp thị lâm sản chính và tư vấn chính sách. Các hợp phần này cũng chính là 3 trong 5 chương trình của Chiến lược Lâm nghiệp Việt Nam 2006-2020.
Bà Annette Frick - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Đức tại Việt Nam cho rằng, ngành lâm nghiệp Việt Nam đã đạt được những bước tiến xa trong các thập kỷ qua. Công tác trồng rừng đã đạt các mục tiêu đề ra với kết quả đáng ngưỡng mộ. Song còn đó thách thức làm sao phát triển bền vững nguồn tài nguyên rừng (bao gồm đa dạng sinh học), bởi gánh nặng sinh kế của cộng đồng người dân bản địa sinh sống nhờ vào lâm sản. Cũng vì vậy mà vấn nạn khai thác gỗ bất hợp pháp, săn trộm và buôn lậu lâm sản, động vật hoang dã vẫn đang là một thực trạng nhức nhối tại Việt Nam và khu vực châu Á. Chính sách lâm nghiệp có trách nhiệm với xã hội do đó sẽ giúp cân bằng các mối quan tâm về môi trường và nhu cầu thu nhập của người dân bản địa.
Ông Nguyễn Bá Ngãi- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Giám đốc Chương trình Lâm nghiệp Việt – Đức nhấn mạnh: “Thành công lớn nhất của Chương trình Lâm nghiệp Việt - Đức là đã tư vấn, hỗ trợ 2 công ty lâm nghiệp xây dựng, thực hiện phương án quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC quốc tế và giúp họ đạt được chứng chỉ quản lý rừng tự nhiên bền vững FSC FM/CoC toàn phần. Đó cũng là thành công của toàn ngành Lâm nghiệp Việt Nam”. Bên cạnh thành tựu đó, chương trình cũng đã phối hợp chặt chẽ giữa công tác tư vấn chính sách và hỗ trợ thể chế, quản lý bền vững nguồn tài nguyên, cải cách tổ chức, phát triển kinh tế và xây dựng năng lực.
Tổng cục Lâm nghiệp cũng đưa ra 3 khuyến nghị là: Mong muốn các công ty tiếp tục duy trì hoạt động quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng FSC FM/CoC sau khi chương trình kết thúc; mở rộng và chuyển giao mô hình quản lý rừng bền vững cho những công ty lâm nghiệp có tiềm năng; lồng ghép thành quả của chương trình vào chương trình mới của Bộ NNPTNT và GIZ “Bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái rừng tại Việt Nam” – dự kiến khởi động vào quý IV năm 2014.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.