Tiếp sức cho sinh viên nghèo

Thứ tư, ngày 17/10/2012 10:44 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hơn 31.000 lượt học sinh, sinh viên (HSSV) ở Gia Lai được vay vốn với tổng số tiền trên 690 tỷ đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh cam kết: Không để một SV nghèo nào phải nghỉ học vì không vay được tiền…
Bình luận 0

Thực hiện ước mơ

Bà Mai Thị Vươn ở thị trấn K'Bang, huyện K’Bang cứ rưng rưng khi được tin 2 con trai Quang Huy và Quang Hiệu đều thi đậu đại học, cao đẳng… Rời Thái Bình vào xây dựng kinh tế mới năm 1985, bà Vươn được phân công về Nông trường Kon Ka Kinh.

Thời bao cấp gian khổ, không chịu nổi, nhiều người đã bỏ về quê, chỉ còn bà cùng một số người trụ lại. Nhưng rồi khi xóa bao cấp, bà lại bị tinh giản biên chế. Nếu không có chính sách cho vay vốn của Ngân hàng CSXH, một trong hai con của bà sẽ không thể nào thực hiện được ước mơ đến giảng đường…

img
Ngân hàng Chính sách xã hội Gia Lai làm thủ tục thanh toán nợ vay vốn HSSV.

Đồng cảnh ngộ với hai em Huy và Hiệu, là em Lê Thị Ánh Nhật cũng ở thị trấn K'Bang, là sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, kể: “Gia đình em hoàn cảnh khó khăn, chỉ nguyên việc lo bữa ăn thường nhật cũng đã khó… Nếu không có số tiền ngân hàng cho vay có lẽ em chỉ còn biết quanh quẩn ở nhà với rẫy vườn”. Nguyễn Thị Bích Hải ở thị xã An Khê mồ côi cha, một mình mẹ nuôi Hải ăn học, tài sản chỉ vẻn vẹn mấy sào đất trồng rau. Nhưng cũng nhờ có tiền vay hỗ trợ HS, SV nghèo mà Hải có thể theo đuổi giấc mơ làm nhà báo của mình. Hiện, Bích Hải đang là sinh viên khoa Văn - Báo chí Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh…

Huy, Hiệu, Nhật, Hải chỉ là 4 trong số hàng ngàn HSSV nghèo được tiếp sức vào giảng đường nhờ nguồn vốn Ngân hàng CSXH Gia Lai. Từ năm 2007 đến nay, ngân hàng đã giải ngân trên 690 tỷ đồng cho hơn 31.000 lượt HSSV vay, trong đó có 2.277 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó nhiều em có hoàn cảnh khó khăn vẫn tiếp tục có cơ hội học tập, nâng cao tay nghề để lập thân, lập nghiệp…

Không để sinh viên nghèo phải nghỉ học

Đó là khẳng định của bà Siu Thị Mỹ Hạnh - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Gia Lai. "Để thực hiện cam kết đó, chúng tôi đã chỉ đạo quyết liệt tất cả các phòng giao dịch trên địa bàn phải phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể nhận ủy thác tập trung tuyên truyền, vận động cho những hộ vay nắm được chủ trương, chính sách; hiểu và thực hiện đúng chính sách của Đảng và Nhà nước" - bà Hạnh cho biết.

“Nhiều sinh viên ra trường chưa có việc làm, hoặc có việc làm nhưng lương thấp, chỉ đủ trang trải cuộc sống nên chưa có tích lũy để trả nợ”.

Những năm qua, Ngân hàng CSXH Gia Lai đã thực hiện trọn vẹn cam kết của mình. Tuy nhiên trong thời điểm hiện tại, chương trình đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Nguồn vốn do Nhà nước cấp còn ít so với nhu cầu, trong lúc việc huy động vốn cũng gặp rất nhiều khó khăn do kinh tế khủng hoảng…

Bên cạnh nhiều hộ gia đình làm tốt việc trả tiền lãi, nợ vay khi đến hạn, thì cũng có không ít trường hợp cố tình chây ì; ngân hàng lại thiếu thông tin nên chẳng biết họ ở đâu để thu hồi nợ. Một số gia đình còn cố tình lẩn tránh nợ vay bằng cách bí mật bán nhà theo con, khiến ngân hàng phải nhờ đến tòa án can thiệp. Nhiều sinh viên ra trường chưa có việc làm, hoặc có việc làm nhưng lương thấp, chỉ đủ trang trải cuộc sống nên chưa có tích lũy để trả nợ…

Thực tế này đã tạo thêm áp lực cho nguồn vốn của ngân hàng vốn đã hạn hẹp. "Tuy nhiên, dù khó khăn đến đâu thì sự cam kết của ngân hàng vẫn được đảm bảo vì ý nghĩa xã hội và tính nhân văn của chương trình" - bà Hạnh khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem