Tiếp tục gọi vốn khủng, Tiki tiệm cận trạng thái "kỳ lân", lộ thêm tham vọng
Tiếp tục gọi vốn khủng, Tiki tiệm cận trạng thái "kỳ lân", tham vọng thêm ngành logistics
Huỳnh Dũng
Thứ bảy, ngày 23/10/2021 09:33 AM (GMT+7)
Theo dữ liệu từ VentureCap Insights, công ty thương mại điện tử Tiki có trụ sở tại Việt Nam đã huy động thành công thêm 240 triệu USD và được định giá khoảng 832 triệu USD. Đây không chỉ là một trong những công ty có giá trị nhất tại Việt Nam, mà mức định giá này còn giúp công ty sắp vào trạng thái “kỳ lân”.
Thực tế mà nói, đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, việc đạt đến ngưỡng trạng thái "kỳ lân" không chỉ là mong ước, mà còn là mục tiêu hàng đầu quan trọng. Trong đó, thị trường Việt Nam mới chỉ góp mặt ở bảng "kỳ lân", với cái tên đầu tiên chính là Công ty Cổ phần VNG, sau đó tới cái tên thứ hai là VNLife - doanh nghiệp sở hữu ứng dụng thanh toán trực tuyến có giá trị tỉ đô VNPay.
Tiki tiệm cận trạng thái "kỳ lân"
Tuy nhiên, mới đây theo dữ liệu từ VentureCap Insights, công ty thương mại điện tử Tiki vừa huy động thành công 240 triệu USD trong vòng Series E, nâng mức định giá của start-up này lên khoảng 832 triệu USD, trở thành một trong những doanh nghiệp công nghệ có giá trị nhất tại quê nhà, và đặc biệt là tiến gần đến ngưỡng kỳ lân (định giá từ 1 tỷ USD).
Trong đó, công ty bảo hiểm AIA được cho là nhà đầu tư lớn nhất trong vòng gọi vốn này với 60 triệu USD. Vào hồi tháng 7/2021, AIA Vietnam đã ký hợp đồng hợp tác kéo dài 10 năm với Tiki, qua đó Tiki trở thành sàn thương mại điện tử độc quyền phân phối bảo hiểm của hãng tại Việt Nam. Vì thế mà hiện tại, khách truy cập Tiki có thể tìm thấy các sản phẩm bảo hiểm AIA Vietnam. Ngoài AIA, một vài nhà đầu tư đáng chú ý khác có thể kể đến là UBS AG London Branch, Taiwan Mobile, và Mirae Asset-Naver Asia Growth Fund.
Cũng trong năm nay, Taiwan Mobile thông báo rằng họ đã đầu tư 20 triệu USD vào Tiki. Khoản đầu tư này được kỳ vọng sẽ giúp Tiki và nền tảng thương mại điện tử Momo của Taiwan Mobile khám phá các cơ hội tăng trưởng mới bên ngoài Việt Nam. (Momo khác với Ví điện tử MoMo).
Trước đó vào đầu tháng 7/2021, tờ Deal Street Asia cũng đưa tin, Tiki được cho là đã chốt được 100 triệu USD vốn đầu tư trong vòng Series E do một nhà đầu tư chiến lược quy mô toàn cầu dẫn dắt. Tuy nhiên, lúc đó Tiki từ chối bình luận về vấn đề này.
Trước khi đạt tiệm cận trạng thái "kỳ lân" này, vào năm 2019, ông Trần Ngọc Thái Sơn - Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tiki khẳng định, các founder tại các công ty startup Việt ngày càng giỏi về chuyên môn, và có nhiều tham vọng lớn. Điển hình là chỉ trong năm 2018, startup Việt đã có nhiều khởi sắc với 70 co-working space, 40 quỹ đầu tư, thu hút 890 triệu USD.
Tiki tham vọng ở cả ngành logistics
Tại Việt Nam, Tiki đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt, xếp sau các đối thủ trong khu vực là Shopee và Lazada về lưu lượng truy cập web hàng tháng và xếp hạng ứng dụng. Tiki cũng đang rất nổ lực cải thiện hệ thống vận chuyển, thu hút khách hàng thông qua các chương trình khuyến mãi. Trong đợt đại dịch, Tiki vẫn lọt top 3 website có lượng truy cập cao nhất tại thị trường Việt Nam. Kết thúc quý I/ 2021, Tiki vẫn giữ vững vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng lượng truy cập website tại thị trường Việt Nam với hơn 19 triệu lượt xem mỗi tháng.
Gần đây, Tiki được cho là đã tham gia đàm phán về việc sáp nhập với sàn thương mại điện tử Sendo, song thương vụ này cuối cùng đã đổ bể, khi một số cổ đông từ chối đồng ý với các điều khoản của việc sáp nhập.
Tính đến đầu tháng 6, Công ty Cổ phần Tiki- doanh nghiệp sở hữu sàn thương mại điện tử cùng tên thông báo phát riêng lẻ lô trái phiếu với tổng khối lượng 1.000 tỷ đồng thành công. Mỗi trái phiếu có mệnh giá 100 triệu đồng cùng kỳ hạn 2 năm, lãi suất cố định 13%/năm. Tài sản bảo đảm của số trái phiếu này gồm hơn 2,1 triệu cổ phần của Tiki, mang về cho Tiki khoảng 43,5 triệu USD.
Sắp tới, công ty cũng có kế hoạch niêm yết cổ phiếu của mình trên một sàn giao dịch chứng khoán địa phương vào năm 2023, và bắt đầu cung cấp các dịch vụ tài chính cho khách hàng của mình trong 5 năm tới.
Ngoài ra, Trần Ngọc Thái Sơn- Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tiki cho biết tham vọng của ông đối với Tiki là mong trở thành nhà cung cấp dịch vụ chuỗi cung ứng hàng đầu không chỉ cho lĩnh vực thương mại điện tử, mà còn cho ngành logistics của đất nước.
Một số chuyên gia nhận định, với sự phát triển nhanh chóng của Internet, sự phổ biến của điện thoại thông minh và cả sự nhạy bén, bắt nhịp nhanh của người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ đối với công nghệ thông tin trong tất cả lĩnh vực, thị trường Thương mại Điện tử Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục phát triển những bước nhảy vọt. Là một trong ba nền tảng thương mại điện tử hàng đầu của quốc gia, Tiki đã và đang dần chuẩn bị tốt để trở thành kỳ lân tiếp theo của khu vực Đông Nam Á trong thời gian sớm nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.